Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ô tô

Quỳnh Chi - 08:05, 18/03/2018

TheLEADERVăn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, yêu cầu kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hoàn thiện Nghị định 116 và Thông tư 03, đáp ứng các yêu cầu về công bằng, minh bạch, và cạnh tranh nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ô tô
Sản lượng ô tô nhập khẩu tiếp tục giảm mạnh những tháng đầu năm 2018.

Do ảnh hưởng từ các quy định trong Nghị định 116 và Thông tư 03 thị trường ô tô đã có nhiều biến động trong giai đoạn cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhiều hãng xe gặp không ít khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh các dòng xe nhập khẩu.

Theo báo cáo bán hàng từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 2/2018, sản lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 1.708 xe, giảm tới 68% so với tháng trước đó.

VAMA cho biết, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong hai tháng đầu năm đạt 37.602 xe, tăng nhẹ 2% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 12% trong khi xe nhập khẩu giảm 28%.

Đáng chú ý, doanh số bán hàng của Toyota sụt giảm mạnh trong hai tháng đầu năm, thị phần chỉ bằng một nửa so với đối thủ Thaco. Theo đó, Toyota bán ra 7.966 xe, chiếm thị phần 21,3% và giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng xe chủ lực của hãng này là Toyota Fortuner nhập từ Indonesia bất ngờ vắng bóng khỏi danh sách bán chạy nhất tháng ngay trong tháng đầu tiên Nghị định 116 được ban hành và liên tục lao dốc về doanh số, lọt vào top dòng xe bán chậm nhất tháng. Năm ngoái, đã có lúc hơn 1.800 chiếc Fortuner được bán ra nhưng trong tháng 2/2018, con số này rớt thảm bại, chỉ còn 3 xe.

Chẳng khấm khá hơn Toyota là bao, doanh số của CR-V – dòng xe chủ lực của Honda nhập từ Thái Lan trong tháng Hai cũng chỉ là 13 chiếc. Một số mẫu xe như Honda Accord, Honda Civic, Honda Odyssey, Toyota Hilux, Toyota Yaris, Toyota Alphard đều không có sản phẩm nào được giao đến tay khách hàng.

Từ cuối năm ngoái, hàng loạt các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã không ngừng kêu ca, cho rằng các quy định mới gây khó dễ và cản trở hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam và khẳng định không thể nhập khẩu xe về nước, đặc biệt là các quy định về Giấy chứng nhận kiểu loại xe; kiểm định xe nhập khẩu theo lô, quy định đường thử dài 800 mét.

Kiểm tra, hoàn thiện Nghị định 116 và Thông tư 03

Trước những kiến nghị từ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, Chính phủ khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước - ngoài nước mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, thị trường ô tô Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh, xu hướng ô tô hóa bắt đầu diễn ra và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

Do đó, yêu cầu đặt ra là phải từng bước đáp ứng nhu cầu ô tô của thị trường, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và đảm bảo tốc độ gia tăng phương tiện phù hợp với hệ thống hạ tầng;

Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhất là yêu cầu tăng tỉ lệ nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ, tập trung tạo ra ô tô thương hiệu Việt Nam, thực hiện tốt các cam kết hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động tìm hiểu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu một cách nghiêm túc để ngày càng hoàn thiện hơn các chính sách về phát triển công nghiệp ô tô.

Kiểm soát nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN theo Hiệp định Thương mại và hàng hóa ASEAN (ATIGA), đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều kiện được hưởng thuế suất bằng 0%.

Các cơ quan có liên quan tiếp tục tiếp thu ý kiến, nếu cần thiết thì kiến nghị để hoàn thiện Nghị định 116  Thông tư 03, đáp ứng các yêu cầu về công bằng, minh bạch, và cạnh tranh theo những cam kết và thông lệ quốc tế, đảm bảo phát triển ngành công nghiệp ô tô đúng chiến lược đã đề ra.

Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức ngay các đoàn đi khảo sát, kiểm tra thực tế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (nếu có). Giao Bộ Tài chính chủ trì sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội về những chính sách thuế liên quan đến việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các nhà sản xuất lắp ráp ô tô cần quan tâm hơn nữa tới phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực ô tô, tạo ra ô tô thương hiệu Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện Nghị định 116 Thông tư 03, nếu gặp vấn đề vướng mắc, các doanh nghiệp gửi ý kiến về Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hoặc Bộ Công thương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, các vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, Bộ GTVT đã đưa ra hai phương án kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi một số quy định tại Nghị định 116 theo hướng tháo gỡ như doanh nghiệp đề xuất

Theo phương án thứ nhất, Bộ GTVT đề xuất bỏ thủ tục Giấy chứng nhận kiểu loại và phương thức kiểm tra theo từng lô theo quy định tại Nghị định 116. Đồng thời, bỏ một số thủ tục về giấy chứng nhận linh kiện (lốp, gương, đèn, kính) được quy định tại Thông tư 03.

Theo phương án thứ hai, tiếp tục thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03 trong một thời gian; nếu thật sự có bất cập như phản ánh của doanh nghiệp thì tiến hành sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định việc sửa đổi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.