Phú Yên lên 'cơn sốt' điện mặt trời

An Chi - 09:26, 11/09/2018

TheLEADERPhú Yên đang nối gót Ninh Thuận trở thành điểm đến tiếp theo của các dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời.

Chuyển hướng thu hút dự án năng lượng sạch

Hàng loạt các dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời đang được triển khai nhằm đối phó với khả năng thiếu nguồn điện trong tương lai và chiến lược phát triển năng lượng xanh, bền vững. 

Hiện tại, điện mặt trời chỉ chiếm 0,01% tổng công suất phát điện nhưng Chính phủ dự kiến sẽ đẩy con số này lên 3,3% vào năm 2030 và lên 20% vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu này, tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Nguồn điện từ các dự án điện mặt trời sẽ được mua với giá 2.086 đồng/kWh cùng nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư, thuế thu nhập nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID), tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.

Trong đó, một trong những tỉnh thu hút nhiều dự án điện mặt trời nhất hiện nay phải kể đến Ninh Thuận. Là tỉnh có số giờ nắng cao và nhiều diện tích đất trống, Ninh Thuận rất phù hợp để phát triển điện mặt trời. Cùng với nguồn điện gió, đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có khoảng 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. 

Trong đó, có 14 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 716,5 MW, tổng vốn đăng ký 20.079 tỷ đồng và 5 dự án đang lập thủ tục cấp quyết định chủ trương đầu tư tại tỉnh.

Tiếp sau Ninh Thuận, thời gian gần đây, Phú Yên cũng đang nổi lên như một địa phương thu hút mạnh mẽ các dự án điện mặt trời công suất lớn. Với điều kiện tự nhiên gần tương tự Ninh Thuận, Phú Yên là tỉnh nhiều có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng xanh. Nhiều nhà đầu tư đang tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát lập dự án khai thác các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh khiến hoạt động đầu tư diễn ra rất sôi động.

Đặc biệt, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã công bố 14 điểm có tiềm năng phát triển dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn nhằm thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư đến tiếp cận, nghiên cứu đầu tư dự án.

Theo đó, các địa điểm tiềm năng được triển khai tại tám huyện, thị xã, thành phố, trên các vùng đồi núi bằng phẳng, đất mặt nước chuyên dùng, đất lúa đã được quy hoạch thành khu công nghiệp đa ngành. Đất để triển khai các dự án có tổng diện tích gần 5.160ha và công suất dự kiến đạt 3.541 MW.

Riêng ba huyện miền núi của tỉnh là Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân có tiềm năng xây dựng bốn dự án điện mặt trời trên đất mặt nước chuyên dùng thuộc khu vực các hồ thủy điện Sông Hinh, hồ thủy điện Sông Ba Hạ và hồ thủy lợi Buôn Đức và hồ thủy lợi Phú Xuân với diện tích 3.900ha và công suất dự kiến là 2.640 MW.

Loạt dự án khủng đổ bộ

Một trong những dự án điện năng lượng mặt trời đáng chú ý nhất trên địa bản tỉnh Phú Yên thời gian gần đây phải kể đến hai dự án của Công ty CP Quang Điện Phú Khánh. Theo đó, cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Phú Yên đã chấp thuận cho Công ty CP Quang Điện Phú Khánh đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 trên diện tích 60 ha xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên và dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 2 tại xã Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 có tổng công suất thiết kế khoảng 49,6 MW. Sản lượng điện sản xuất khoảng 76,2 triệu kWh/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.247 tỷ đồng. 

Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 2 tại được xây dựng trên diện tích khoảng 60 ha, tổng công suất thiết kế khoảng 49,6 MW, sản lượng điện sản xuất khoảng 76,2 triệu kWh/năm. Tổng vốn đầu tư 1.237 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu 247 tỷ đồng, vốn vay và huy động khác 989 tỷ đồng.

Trước đó, giữa tháng 5/2018 UBND tỉnh Phú Yên cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hòa Hội do Công ty CP TTP Phú Yên làm chủ đầu tư tại xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

Dự án có tổng diện tích 256ha, quy mô dự án gồm nhà máy điện mặt trời với công suất thiết kế khoảng 214MW. Dự kiến đến tháng 6/2019, sẽ hoàn thiện và vận hành nhà máy.

Cùng ngày, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định chấp thuận cho Công ty CP Điện mặt trời Europlast Phú Yên đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Europlast Phú Yên tại thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa. Dự án sử dụng diện tích mặt đất khoảng 57,8ha; tổng công suất thiết kế khoảng 50 MW; sản lượng điện sản xuất gần 77 triệu KWh/năm. 

Với tổng vốn đầu tư khoảng 1.045 tỉ đồng, dự án của Europlast dự kiến thời gian đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị và đưa dự án vào vận hành khai thác từ tháng 7/2018- 6/2019.

Không chỉ chấp thuận đầu tư hàng loạt dự án, tỉnh Phú Yên còn rất tích cực trong việc đôn đốc, giải quyết các vướng mắc trong việc triển khai các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.

Theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, để sớm triển khai đầu tư các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và đầu tư hỗ trợ và hướng dẫn các nhà đầu tư đối với trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án (đối với các dự án chưa có chủ trương đầu tư), sớm trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và môi trường hỗ trợ và hướng dẫn các nhà đầu tư đối với các thủ tục đánh giá tác động môi trường và lĩnh vực đất đai. Sở Công thương phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các nhà đầu tư trong công tác thỏa thuận đấu nối vào lưới điện Quốc gia.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ và hướng dẫn nhà đầu tư lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, UBND các huyện, thị xã hỗ trợ và phối hợp với các nhà đầu tư trong việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, có một số vùng trồng cây nông nghiệp không đạt hiệu quả, tuy nhiên, ở đây số giờ nắng lại rất cao, phù hợp cho việc phát triển năng lượng mặt trời. Hiện có khoảng 20 nhà đầu tư đăng ký, tiếp cận để nghiên cứu phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời vào tỉnh. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận, khảo sát.

Hiện Phú Yên đã điều chỉnh quy hoạch những vùng đất sản xuất khó khăn, kém hiệu quả để ưu tiên cho việc thực hiện các dự án điện mặt trời, điện gió, sẵn sàng các điều kiện cơ bản nhất để “dọn đường” cho các dự án năng lượng xanh.