Phục hồi du lịch gắn với bảo vệ môi trường

Phạm Sơn - 12:14, 18/01/2021

TheLEADERDu lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát thành công. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng rác thải có thể trở thành những nguy cơ đe dọa tới ngành du lịch trong dài hạn.

Phục hồi du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Nhiều điểm du lịch hấp dẫn đang "mất điểm" vì khủng hoảng rác thải. Ảnh: Gobankingrate.

Hội An là điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất Việt Nam cho cả du khách trong và ngoài nước, với những kiến trúc cổ kính đậm bản sắc văn hóa, những bãi biển xanh cát vàng thơ mộng.

Cũng giống với nhiều điểm du lịch khác, vài năm trở lại đây, cảnh quan du lịch tại thành phố Hội An đang bị tàn phá bởi vấn nạn ô nhiễm rác thải. Theo ước tính của Phòng Tài nguyên môi trường TP. Hội An, năm 2019, tổng khối lượng rác thải tại Hội An rơi vào khoảng 37 nghìn tấn. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, lượng rác thải còn khoảng 29 nghìn tấn.

Dự kiến, đến năm 2025, lượng rác thải tại Hội An có thể chạm ngưỡng 50 nghìn tấn, gây tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho công tác xử lý, chưa kể những thiệt hại về cảnh quan du lịch khó có thể đo đếm được.

Thực tế, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Mộc Châu, Hạ Long, Mỹ Sơn, Đà Lạt đã nhận được nhiều đánh giá tiêu cực từ du khách về tình trạng rác thải, có nguy cơ khiến du khách “một đi không trở lại”, gây ra tổn thương cho ngành du lịch.

Mặt khác, những tác động của biến đổi khí hậu cũng đe dọa trực tiếp tới các hoạt động du lịch cũng như sinh kế của người dân. Báo cáo Điểm lại mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, 42% khách sạn ven biển của Việt Nam nằm ở khu vực có nguy cơ bị xói mòn.

Du lịch bền vững hậu đại dịch

Được mệnh danh là “ngành công nghiệp không khói” nhưng du lịch đang tạo ra những tác động nghiêm trọng tới môi trường, do những hành vi thiếu ý thức đến từ cả du khách và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là vấn nạn khủng hoảng rác thải nhựa.

Tuy nhiên, du lịch cũng là mũi nhọn của tiến trình phục hồi kinh tế, khi chiếm tới gần 10% GDP năm 2019. Trong bối cảnh ngành du lịch đang từng bước phục hồi, WB cho biết, hậu đại dịch sẽ là cơ hội tốt để tái cơ cấu ngành du lịch theo hướng thân thiện với môi trường, bởi “Covid-19 đang khiến con người điều chỉnh lối sống cho phù hợp với môi trường xung quanh”.

Hướng tới thúc đẩy du lịch bền vững, nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp đã được các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp phối hợp triển khai, trong đó có thể kể đến dự án Reform Plastics do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và các bên liên quan phối hợp thí điểm tại Cù Lao Chàm.

Phục hồi du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Hình ảnh phản ánh của du khách về rác thải tại Hội An.

Với sự hỗ trợ của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), dự án sẽ được triển khai trên nhiều địa điểm du lịch trên cả nước, với phương mục tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, rác thải nhựa, rác thải hữu cơ, đưa các loại chất thải này quay trở lại làm đầu vào cho sản xuất.

Bên cạnh đó, PRO Việt Nam cũng kêu gọi người dân, du khách cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch tích cực hỗ trợ thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế xả thải để đóng góp vào thành công của dự án. 

Đây là một trong nhiều dự án thí điểm của PRO Việt Nam để hướng tới mục tiêu tái chế 100% bao bì được các thành viên trong liên minh sử dụng vào năm 2030. Theo đại diện của PRO Việt Nam, các dự án này sẽ được thí điểm đồng loạt, lựa chọn ra mô hình thành công để nhân rộng trên quy mô toàn quốc.

Cùng với những sáng kiến hạn chế tác động tới môi trường, công tác bảo vệ ngành du lịch trước diễn biến tiêu cực của khí hậu cũng cần được đẩy mạnh triển khai. Phát biểu về phương án hỗ trợ ngành du lịch hậu đại dịch, ông Vũ Tiến Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất cần có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người dân tại những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.