Phục hồi kinh tế nhìn từ góc độ văn hoá kinh doanh

Chi Anh - 17:06, 03/12/2021

TheLEADERMột văn hoá mạnh sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh, chuyển đổi mạnh, biến nguy thành cơ để tạo bước đột phá.

Phục hồi kinh tế nhìn từ góc độ văn hoá kinh doanh
Văn hóa mạnh giúp doanh nghiệp phát triển

Chính trị gia người Pháp Édouard Herriot đã từng nói: “Văn hóa chính là cái còn lại khi người ta quên hết, chính là cái còn thiếu khi người ta đã học đủ cả”.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc sống của mỗi cá nhân và hoạt động của doanh nghiệp không tránh khỏi những đảo lộn và ngưng trệ. Tuy nhiên, dòng chảy văn hóa không hề dừng lại, nó vẫn luôn vận động và là nguồn sức mạnh quan trọng để gắn kết và thúc đẩy những con người trong mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp hành động vì mục tiêu chung, cùng vượt qua khó khăn, chiến thắng nghịch cảnh.

Sau 2 năm diễn ra Covid, rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa nhưng cũng vẫn còn đó những doanh nghiệp kiên cường chiến đấu, thậm chí có những doanh nghiệp thích ứng nhanh, chuyển đổi mạnh, biến nguy thành cơ để tạo bước đột phá chưa từng có.

Khi cả xã hội phải thích nghi, ứng phó cùng dịch bệnh, từng bước tiến vào giai đoạn bình thường mới, văn hóa sẽ là nền tảng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và vươn lên.

Nhìn ở phạm vi rộng hơn, sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng thích ứng một cách hài hoà với những xu hướng tiếp biến văn hoá, tận dụng được những tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực.

Văn hoá doanh nghiệp thường được xây dựng từ những người sáng lập, điều hành và rồi biến chuyển qua quá trình tiếp nhận các giá trị phù hợp của dòng chảy giao thoa văn hoá giữa các vùng địa lý, thế hệ, ngành nghề,…

"Tiếp biến văn hóa" hay còn hiểu là "tiếp thu và biến đổi văn hóa" là quá trình diễn ra khi có sự tiếp xúc và trao đổi giữa các nền văn hóa, các cộng đồng và nhóm người. Tiếp biến văn hóa là kết quả mang tính tất yếu khi tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập của hầu hết các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Trong giao lưu và hội nhập văn hóa, nếu chỉ dừng lại ở mức độ “tiếp thu” thì mới là sự tiếp nhận thụ động, rập khuôn, vay mượn thiếu sáng tạo, còn khi nâng lên tầm “tiếp biến” thì đã đạt tới tiếp thu có chọn lọc, có biến đổi linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu, mục đích của mình.

Đối với lĩnh vực kinh tế, tiếp biến văn hóa là một trong những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển, mở rộng lĩnh vực hoạt động và quy mô sản xuất, gia tăng số lượng nhân sự để hòa mình vào xu thế hội nhập thế giới của các doanh nghiệp.

Chúng ta rất cần tham khảo, học hỏi, tiếp thu những tri thức, kinh nghiệm, cách tư duy, mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh... của nước ngoài, nhưng cũng phải có sự vận dụng sáng tạo và có chọn lọc vào tình hình thực tiễn Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp biến văn hóa cũng có thể diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, là sự tham khảo, học hỏi, vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm, mô hình thành công giữa các doanh nghiệp và tổ chức.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ đề "Tiếp biến văn hóa" được đặt ra để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, học hỏi các doanh nghiệp trong nước và thế giới cách thức vượt qua đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, tiến tới phát triển kinh tế bền vững, gắn với phát triển ở tất cả các trụ cột: kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường...

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hoá với doanh nghiệp” năm 2021 (CBF) sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Ban Tổ chức triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 5/12/2021 theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp, trực tuyến và thực tế ảo.

Diễn đàn nhằm phân tích, nhận diện những giá trị của tiếp biến văn hóa trong việc dẫn dắt phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh, từ đó trả lời cho câu hỏi văn hoá tích cực có thể là liều vaccine cho doanh nghiệp trước khó khăn hay không.