Khó khăn bủa vây điện khí LNG
Quá nhiều thách thức để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí theo quy hoạch điện VIII.
Mục tiêu hoàn thành kế hoạch kinh doanh của PV Gas đang gặp thách thức do sản lượng khí khai thác trong nước giảm trong khi nhập khẩu khí LNG bị cạnh tranh gay gắt.
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết đã sẵn sàng cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho khách hàng công nghiệp khu vực miền Bắc từ tháng 9. Bản tin do PV Gas phát đi mới đây không thu hút nhiều sự chú ý nhưng lại là phần công việc quan trọng trong kế hoạch phát triển của đơn vị này.
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao của các trung tâm kinh tế, công nghiệp trên toàn quốc, đặc biệt là phía Bắc, mở ra cơ hội kinh doanh mới cho PV Gas. Nhưng, thay vì vận chuyển truyền thống bằng đường biển, chuyến LNG đầu tiên được vận chuyển bằng bồn chứa từ Nam ra Bắc bằng tàu hỏa.
Do hiện trạng cơ sở hạ tầng LNG ở phía Bắc còn thiếu nên PV Gas thừa nhận bài toán cung cấp LNG đến các thị trường ở xa trung tâm đầu mối nhập khẩu là một thách thức rất lớn và PV Gas dường như tự hào phương thức vận chuyển bằng tàu hoả là phương án kinh doanh mang tính đột phá.
Hạ tầng khí không đồng bộ là một trong những thách thức cản trở đà bứt phá trong hoạt động kinh doanh của PV Gas, sau khi công ty đưa kho LNG 1 triệu tấn tại Bà Rịa Vũng Tàu vào vận hành thương mại và đón chuyến tàu chở khí LNG đầu tiên nhập khẩu vào tháng 7 năm ngoái.
PV GAS đang tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm, nghiên cứu phát triển các dự án mới trong trung và dài hạn, nhưng ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS vẫn lo ngại khi phải đối mặt với những “khó khăn mới và gay gắt hơn”.
Trong hơn ba thập kỷ, PV GAS đã đầu tư và đưa vào vận hành khoảng 40 dự án, tổng giá trị tài sản khoảng 3,6 tỷ USD. Nhưng nền tảng này vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các thách thức hiện tại, tác động đến mục tiêu “hoàn thành cao nhất” kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của công ty.
Với hạ tầng khí không đồng bộ, hệ thống đường ống mới xây dựng có mức phí cao, nhưng sản lượng khí dự kiến vận hành thấp, đã đặt ra những giới hạn nhất định cho phát triển ngành công nghiệp khí, trong đó PV GAS sẽ gánh phần nặng nhất khi nắm giữ 100% thị phần khí khô và 70% thị phần khí LPG trên thị trường Việt Nam.
Sản lượng khí khai thác khí liên tục suy giảm trong những năm gần đây trở thành một trong những rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh của PV GAS. Trong nửa đầu năm nay, tổng sản lượng khí cấp về bờ của công ty chỉ đạt 700 triệu m3, tương ứng với doanh thu giảm 5 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận giảm khoảng gần 1.000 tỷ đồng.
PV GAS đang coi nhập khẩu khí LNG từ thị trường thế giới như giải pháp đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Nhưng kế hoạch này đang chịu áp lực rất lớn khi Trung Quốc chủ trương “đa dạng hóa các điểm nhập khẩu” để đáp ứng nhu cầu LNG tăng 17% lên 81 triệu tấn cho năm 2024, theo BloombergNEF.
Nhập khẩu LNG về Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh thị trường khí thế giới có khả năng thiếu hụt trong ngắn hạn, do nhu cầu đang tăng mạnh. Sự thiếu hụt này sẽ chỉ được bù đắp vào năm 2025 và 2026, sau khi nguồn cung cấp mới dần hình thành từ cuối năm 2024 và đầu 2025, theo tính toán của Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng của Mỹ.
Giá khí LNG trong tương lai cũng sẽ đắt đỏ hơn năm 2023 và nửa đầu năm 2024. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam công bố năm 2023, giá LNG về Việt Nam khoảng 10-12 USD/mmBTU, cộng thêm chi phí lưu trữ, tái hóa, vận chuyển, giá giao tới các nhà máy đã tăng lên ngưỡng 12-14 USD/mmBTU, gấp 1,5 lần giá nội địa.
Khi thị trường thế giới đến gần mùa đông hơn, không có sự đảm bảo nào về giá LNG sẽ ổn định trong các tháng cuối năm và đầu năm 2025. Theo báo cáo của Platts Commodity Insights, chỉ số giá khí đốt Bắc Tây Âu cho tháng 10/2024 là 12.438 USD/mmBTU vào ngày 29/8/2024 trong khi chỉ số giá JKM giao hàng vào Đông Bắc Á là 14.044 USD/mmBTU.
LNG là một lĩnh vực kinh doanh mới tại Việt Nam, các hoạt động kinh doanh LNG phụ thuộc và tuân thủ theo các thông lệ của thị trường thế giới. PV GAS và các doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh khí đang cần cơ chế, chính sách cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro.
Khi đó, PV GAS vẫn có thể “hoàn thành cao nhất” kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm thông qua “chuỗi giá trị liên hoàn”, như tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ với TheLEADER chiều 5/9.
Ông Thập, người từng là Phó tổng giám đốc Petrovietnam, cho rằng nhập khẩu khí sẽ tăng mạnh từ nay đến năm 2030, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước, cũng như cung ứng nhiên liệu cho 13 nhà máy điện khí LNG, theo Quy hoạch Điện VIII.
Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam có kế hoạch nhập 1-4 tỷ m3 khí LNG mỗi năm để bù đắp lượng thiếu hụt khí trong nước cho sản xuất và phát triển nguồn nhiệt điện khí, theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí đến 2035.
Quy hoạch Điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện. Việt Nam cũng đang trong quá trình chuyển dịch năng lượng, mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu, thay thế 18 GW điện than bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Ông Thập tin rằng áp lực nhập khẩu khí LNG sẽ giảm xuống nếu các doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh khí, bao gồm PV GAS, có được các “cam kết mua và bán khí LNG dài hạn”, từ các nhà cung cấp khí cũng như các nhà máy điện. Ông cho đây là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa nguồn điện khí LNG trong Quy hoạch Điện VIII và đảm bảo nguồn điện cho phát triển kinh tế.
Một tin tốt duy nhất cho chuỗi kinh doanh khí tính đến thời điểm này, theo ông Thập, là việc Bộ Công thương đã công bố khung giá điện khí LNG năm 2024 (Quyết định số 1260/QĐ-BCT) là từ 0 - 2.590,85 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, một trong những điều kiện căn bản làm yên lòng các nhà đầu tư.
Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất sáu nhóm giải pháp phát triển nguồn điện khí LNG
- Sớm hoàn thành sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường,
Luật Thuế và các nghị định hướng dẫn liên quan.
- Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII
- Cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của Tập
đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
- Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vẫn cần cam kết và bảo đảm
về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và tỷ giá sẽ do thị trường quyết định.
- Mở rộng hợp tác quốc tế như điều kiện cần và đủ để hiện thực
hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch điện VIII.
- Thay nhận thức, đổi tư duy với công nghiệp khí LNG vốn là nhiên
liệu phụ thuộc nhập khẩu.
Quá nhiều thách thức để hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí theo quy hoạch điện VIII.
Giá khí hoá lỏng nhập khẩu có xu hướng tăng cao khiến các nhà đầu tư dự án điện khí phải cân nhắc rủi ro, biến động địa chính trị từ nay đến năm 2030.
T&T Group sẽ góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc gồm HANWHA, KOSPO, KOGAS sẽ đóng góp 60% vào Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh Quảng Trị.
Chuẩn bị thanh tra việc quản lý khai thác, kinh doanh đất hiếm, vonfram, bô xít tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Lai Châu, Đắk Nông và một số doanh nghiệp.
Với sự tài trợ của Tập đoàn TH, 23 phao neo đã được thả tại Vườn Quốc gia Cát Bà, với tổng diện tích gần 34ha mặt biển được khoanh vùng bảo vệ.
Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 1/1/2025 với nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô, di sản văn hóa.
Vietnam Airlines được Quốc hội duyệt tăng vốn thêm tối đa 22.000 tỷ đồng qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Nhu cầu sạc xe điện sẽ gia tăng áp lực lên sản lượng điện và công suất truyền tải, đòi hỏi Việt Nam phải tăng đầu tư cho ngành điện để đáp ứng.
Trong thời đại công nghệ số, trải nghiệm số là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo dựng nền tảng vững chắc, chinh phục khách hàng và kiến tạo tương lai vững mạnh.
Luật Địa chất và khoáng sản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm siết chặt quản lý cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản.