Quảng Ninh vươn mình chuyển đổi số

Tùng Anh - 10:02, 17/07/2023

TheLEADERỞ 9 chỉ số chính trong bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022, Quảng Ninh dẫn đầu các tỉnh thành trực thuộc Trung ương ở chỉ số thể chế số; đứng thứ hai về chỉ số hoạt động xã hội số; xếp thứ ba ở chỉ số hoạt động chính quyền số và đứng thứ tư về hạ tầng số.

Quảng Ninh vươn mình chuyển đổi số
Quảng Ninh chuyển đổi số toàn diện trên 3 trụ cột

Theo công bố bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022 của Bộ Thông tin và truyền thông, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 4 hạng so với năm 2021.

Cụ thể, với giá trị DTI đạt 0,7024 điểm (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021), Quảng Ninh vươn lên đứng thứ ba, theo sát Đà Nẵng (0,8002 điểm) và TP.HCM (0,7163 điểm).

DTI cấp tỉnh năm 2022 được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; bao gồm 9 chỉ số chính là: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số, với 98 chỉ số thành phần.

Ở trụ cột chính quyền số, Quảng Ninh đạt 0,7804, tăng 0,1428 điểm so với năm 2021, vươn lên xếp thứ tư, tăng một bậc so với năm 2021.

Ở trụ cột kinh tế số, tỉnh đạt 0,7187 điểm, tăng 0,2209 điểm so với năm 2021, vươn lên xếp hạng chín, tăng năm bậc so với năm trước đó.

Ở trụ cột xã hội số, tỉnh đạt 0,6864 điểm, tăng 0,2084 điểm so với năm 2021, xếp thứ hai toàn quốc, tăng một bậc so với năm 2021.

Quảng Ninh vươn mình về chuyển đổi số
Bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) 2022

Để có được kết quả này, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU, xác định triển khai chuyển đổi số ở cả ba trụ cột: chính quyền, kinh tế và xã hội số với 27 mục tiêu và 51 nhiệm vụ cụ thể. 

Ở trụ cột chính quyền số, gần 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 99% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao chỉ số PAR Index và SIPAS năm 2022; trong đó xác định rõ nội dung xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số,...

Ở trụ cột kinh tế số, đến nay Quảng Ninh là một trong số ít địa phương có 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Gần 99% hộ kinh doanh cá thể của tỉnh này đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tất cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số. 

Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển với trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã lên các sàn thương mại điện tử. Gần 600 bộ mã truy xuất sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn và gần 100 tài khoản vận hành đã được cấp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ở trụ cột xã hội số, tỉnh đã triển khai rộng rãi việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến trong tất cả các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính. 

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 400 máy ATM, gần 2.400 máy POS với hơn 2.100 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, đang tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học...

Đặc biệt, trong quan điểm của Quảng Ninh, việc người dân được đặt ở vị trí trung tâm tạo nên con đường ngắn nhất để phát triển đột phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.