RCEP có thể được ký kết vào năm 2020

Phương Anh - 20:00, 04/11/2019

TheLEADERBất chấp sự ngại ngần từ Ấn Độ, hiệp định thương mại RCEP có khả năng 'cán đích' vào năm sau, sau nhiều năm đàm phán.

RCEP có thể được ký kết vào năm 2020
Nếu được ký kết, RCEP sẽ trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Reuters.

Sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một kết luận quan trọng được kỳ vọng sẽ đạt được tại Bangkok, nơi đang diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN.

Thái Lan trong tuyên bố cho biết các quốc gia ASEAN "hoan nghênh đàm phán RCEP kết thúc và quyết tâm ký hiệp định vào năm 2020".

"Hiệp định này sẽ đóng góp đáng kể cho một hệ thống thương mại quốc tế mở cửa, dựa trên các nguyên tắc và sự mở rộng của các chuỗi giá trị", CNBC đưa tin.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha trong bài phát biểu khai mạc đã kêu gọi các nước thành viên nỗ lực hợp tác, tiến tới một kết luận trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan cho biết các bộ trưởng thương mại vẫn đang tiếp tục thảo luận về các vấn đề và sẽ công bố khi đạt được kết luận. Thỏa thuận được kỳ vọng ký kết vào khoảng tháng 2 năm sau.

Năm 2020 là năm Việt Nam giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Thương mại tự do là một vấn đề nhạy cảm kể từ khi các cuộc đàm phán RCEP bắt đầu do sự thiếu vắng thỏa thuận liên quan giữa một số quốc gia thành viên. Tuy nhiên, 18/20 chương đã đạt được sự đồng thuận, Bangkok Post cho biết.

Việc Ấn Độ không muốn mở cửa thị trường là một trong những yếu tố khó khăn chính trong các cuộc đàm phán. Quốc gia này lo ngại sự đòi hỏi loại bỏ dần thuế quan sẽ khiến dòng hàng hóa rẻ từ Trung Quốc tràn vào nội địa cũng như các sản phẩm nông nghiệp đến từ Úc hay New Zealand sẽ gây hại cho các nhà sản xuất tại đây.

Với Trung Quốc, RCEP được xem là một phần quan trọng trong quá trình hội nhập sâu hơn với nền kinh tế Đông Á. Quốc gia này đang bị khóa trong cuộc chiến tranh thương mại chưa có hồi kết với Mỹ và hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu đã bị gia tăng thuế quan.

Không ít người xem RCEP là phiên bản ít hạn chế hơn của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng bởi Mỹ.

Hiệp định RCEP dự kiến sẽ thành lập khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với 47,4% dân số thế giới, trên 30% GDP, 29,1% giá trị thương mại và 32,5% luồng vốn đầu tư toàn cầu.

Bộ Công thương đầu tháng 9 cho biết đàm phán Hiệp định RCEP đã kết thúc được các chương về hợp tác kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thủ tục hải quan và thuận lợi hoá thương mại, mua sắm của Chính phủ, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp.

Cho đến nay, các nước đã thu hẹp được đáng kể quan điểm trong các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ. Tuy vậy, các vấn đề còn lại hầu hết đều là vấn đề khó, liên quan đến lợi ích cơ bản của các nước tham gia đàm phán.