Sàn thương mại điện tử tích hợp ChatGPT

Việt Hưng - 14:23, 11/05/2023

TheLEADERĐộng thái này của Tiki có thể giúp thu hút thêm lượt người truy cập vào website cũng như nền tảng ứng dụng, đặc biệt là khi sàn thương mại điện tử này chứng kiến kết quả kinh doanh ảm đạm trong thời gian qua.

Sàn thương mại điện tử Tiki đã thông báo tích hợp công cụ ChatGPT vào nền tảng của mình. Theo đó, người dùng sẽ không phải mất bất kỳ khoản phí nào, chỉ cần tạo tài khoản Tiki là có thể sử dụng, cả trên ứng dụng và website.

Theo chia sẻ của Tiki, việc tích hợp chatbot đang nổi đình nổi đám này nhằm giúp khách hàng có thể trải nghiệm, sử dụng hoàn toàn miễn phí và nhanh chóng, thuận tiện.

Trong khi đó, việc sử dụng ChatGPT trên Tiki không giúp đề xuất cụ thể đường link bán hàng hay hỗ trợ gì đáng kể cho hành trình mua hàng trên sàn TMĐT này.

Đây gần như là tính năng cộng thêm mà không tạo ra bất cứ thay đổi nào trong trải nghiệm mua hàng. Tuy nhiên, việc này có thể giúp gia tăng lượng truy cập vào nền tảng do sức hút của chatbot.

Trước đó, với khả năng vượt trội của mình, ChatGPT đã thực sự tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Nhà đầu tư hậu thuẫn cho OpenAI là Microsoft đã tích hợp ChatGPT trên trình duyệt Microsoft Edge cũng như công cụ tìm kiếm Bing của họ.

Sàn thương mại điện tử tích hợp ChatGPT
Sàn thương mại điện tử tích hợp ChatGPT

Động thái này của Tiki có thể giúp thu hút thêm lượt người truy cập vào website cũng như nền tảng ứng dụng, đặc biệt là khi sàn thương mại điện tử này chứng kiến kết quả kinh doanh ảm đạm trong thời gian qua.

Theo Báo cáo TMĐT quý 1/2023 được Metric công bố, Tiki chỉ ghi nhận 846,5 tỷ đồng doanh thu, bị bỏ lại rất xa so với mức doanh thu 24.700 tỷ đồng của Shopee, 7.500 tỷ đồng của Lazada hay 6.000 tỷ đồng của tân binh TikTok Shop.

Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Tiki ước đạt 5.700 tỷ đồng, chỉ chiếm 5% thị phần TMĐT Việt Nam. Trong khi đó, Shopee chiếm đến gần 73% tổng doanh thu 4 sàn, Lazada chiếm 20%.

Theo ghi nhận của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thị trường TMĐT trong quý 1/2023 đã tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ, và dự kiến cả năm vẫn có thể tăng trưởng trên 25%.

Tuy nhiên, khi so sánh mức trung bình toàn cầu và đặc biệt là so với quốc gia láng giềng có nhiều nét tương đồng là Trung Quốc thì tỷ lệ trên còn rất thấp. Năm 2022, tại Trung Quốc, bán lẻ hàng hoá trực tuyến chiếm 27,2% toàn bộ doanh số bán lẻ hàng hoá, gấp đôi tỷ lệ này của năm 2016 và cao hơn tỷ lệ 24,5% của năm 2021.

Do đó, phía VECOM đánh giá, TMĐT Việt Nam dù phát triển với tốc độ cao, nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu, tiềm năng cho sự phát triển thương mại điện tử còn rất lớn.

Còn theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 31%, chạm mốc 49 tỷ USD vào năm 2025 và sẽ tiếp tục duy trì mức độ này trong khu vực Đông Nam Á ở giai đoạn 2025 - 2030 ở mức 19%.