Sản xuất ‘đỏ mắt’ tìm người dù mức thất nghiệp cao

Hoài An - 16:11, 06/05/2021

TheLEADERNhu cầu hàng hóa tăng vọt khi nền kinh tế quay trở lại sau đại dịch Covid-19 đang đẩy nước Mỹ vào rắc rối lớn mang tên không có người làm.

Chỉ số sản xuất được công bố bởi Viện Quản lý cung ứng Mỹ cho biết hoạt động sản xuất tại quốc gia này trong tháng 3 đã tăng nhanh lên mức cao nhất 37 năm nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đơn đặt hàng mới.

Đáng chú ý, dù ngành này hiện vẫn đang thiếu hơn nửa triệu việc làm, các nhà máy khó khăn trong tìm kiếm lao động có tay nghề cho các vị trí như thợ hàn, thợ máy. Ngay cả việc tuyển dụng các vị trí thấp, không yêu cầu chuyên môn cũng không khá khẩm, tác giả Matt Egan viết trên CNN Business.

Tình trạng thiếu hụt nhân tài không phải mới nhưng vấn đề này đang ngày càng nghiêm trọng và có thể để lại những hậu quả khó lường không chỉ cho mỗi ngành sản xuất.

Nghiên cứu mới nhất từ Deloitte và The Manufacturing Institute cho biết trong khi ngành công nghiệp sản xuất đã phục hồi khoảng 63% số việc làm bị mất trong đại dịch, khoảng 570 nghìn việc làm vẫn còn trống tính đến cuối 2020, bất chấp mức tạo việc làm gần như kỷ lục của lĩnh vực này.

Ngành sản xuất của nước Mỹ dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 2,1 triệu việc làm từ nay đến 2030, khiến nền kinh tế có thể thiệt hại tới 1.000 tỷ USD.

Paul Wellener, Phó chủ tịch Deloitte, đánh giá với vai trò nền tảng của khu vực sản xuất trong nền kinh tế Mỹ, điều thật sự đáng lo ngại là số vị trí cấp thấp bị bỏ trống ngày càng tăng. Thu hút và giữ chân các nhân tài ở các cấp bậc vừa là thách thức, vừa là giải pháp để thu hẹp khoảng cách.

Vị này cho rằng để thu hút thế hệ lao động mới, ngành công nghiệp sản xuất nên thay đổi nhận thức về công việc sản xuất cũng như mở rộng, đa dạng hóa nguồn nhân lực.

Theo báo cáo, các nhà sản xuất cho biết việc tìm người hiện nay khó hơn 36% so với năm 2018 mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều mức cách đây ba năm. Hơn 3/4 (77%) giám đốc điều hành sản xuất được khảo sát dự kiến sẽ gặp khó khăn trong thu hút và giữ chân người lao động trong năm nay và những năm tới.

Một phần lý do của việc khó khăn tìm người là nhiều người trẻ tại Mỹ không muốn làm việc trong nhà máy bởi nỗi lo mất việc làm do rô-bốt cũng như nỗi lo công việc đang có xu hướng chuyển ra nước ngoài.

Carolyn Lee, Giám đốc The Manufacturing Institute (Viện Sản xuất), nhận định: “Chúng ta đang có vấn đề về nhận thức. Mọi người không biết rằng công việc đang ở ngay đây, hoặc đây là những công việc họ mong muốn. Mọi người nghĩ rằng sản xuất là một ngành công nghiệp chậm tiến và ít kiến thức. Thực tế không phải như vậy”, CNN Business dẫn lời.

Báo cáo từ Deloitte cho biết mặc dù thế giới đang có tới 2,7 triệu rô-bốt công nghiệp, con người vẫn là yếu tố thiết yếu trong việc sản xuất lượng lớn hàng hóa. “Rô-bốt không chiếm hết công việc. Nó có thể nhặt hàng, di chuyển hàng nhưng con người mới có tính sáng tạo và dự đoán những điều sắp tới”, Carolyn Lee phân tích.

Bất chấp hàng triệu người Mỹ đang thất nghiệp vì đại dịch, nhiều doanh nghiệp sản xuất không thể có đủ nhân lực ở cấp độ thấp dù không đòi hỏi kỹ thuật cao và mức lương cao hơn mức tối thiểu.

Theo báo cáo, những công việc này, như thợ lắp ráp, trợ giúp quá trình sản xuất, chỉ yêu cầu trình độ cơ bản, làm theo chỉ dẫn và sẵn sàng học hỏi. Về lý thuyết, các vị trí này có thể được lấp đầy bởi những lao động bị sa thải trong ngành du lịch – khách sạn, nhà hàng, thậm chí là những lao động tốt nghiệp cấp 3.

Một phần lý do cho sự thiếu hụt này là sự cạnh tranh khốc liệt từ các nhà kho, trung tâm phân phối của các đơn vị thương mại điện tử như Amazon hay Chewy.

Báo cáo lưu ý rằng ngành công nghiệp sản xuất đang tiến vào thời điểm quan trọng, do vậy cần nhanh chóng thay đổi nhận thức cho thế hệ công nhân mới cũng như đa dạng hóa nguồn nhân lực.

Để làm được như vậy, các nhà sản xuất nên chủ động thu hút các nguồn tiềm năng, cải tiến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, đào tạo kỹ năng cho các nhân viên hiện tại.