Tôi hay nói với bà con rằng người Đồng Tháp không yêu sen bằng những người ngoài Đồng Tháp. Tôi khơi gợi lại tình yêu sen cho người dân Đồng Tháp và những giá trị của sen, không phải là nhìn coi chơi hay bán hạt sen là hết, mà đó là những giá trị văn hóa rất lớn. Nếu tổng hòa được những giá trị đó thì Đồng Tháp sẽ có bản sắc riêng...
Đó là chia sẻ của ông Lê Minh Hoan, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp trong Mekong Connect 2017, khi đề cập đến câu chuyện về sen, một trong 4 sản phẩm được chọn là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai.
Khai thác từ giá trị vật thể đến phi vật thể của sen
Trong suốt phiên thảo luận giữa các chuyên gia kinh tế và doanh nhân, nhà quản lý, hình ảnh sen Đồng Tháp đã đi xa hơn cách mà mọi người vẫn nghĩ, để mở ra những chân trời mới.
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng mới của thế giới, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu Nguyễn Phi Vân cho biết: “Tôi gọi thế kỷ này là thế kỷ bản địa, đây là lúc chúng ta không còn bán sản phẩm nữa, mà bán trải nghiệm, bán giải pháp, sự tiện lợi và mô hình. Ai còn còng lưng ra làm và bán sản phẩm thì cũng nên xem lại. Con người không cần những sản phẩm hàng loạt mà họ cần những gì gần gũi hơn, tình cảm hơn".
Theo bà Vân, phát triển du lịch chính là gìn giữ hệ sinh thái bản địa, để du khách có thể tham gia vào việc làm sản phẩm đó, hiểu được sản phẩm và nhìn thấy con người làm ra sản phẩm, tình cảm được nhân lên rất nhiều lần khi chỉ tiếp xúc với sản phẩm đơn thuần. Thế kỷ bản địa là thế kỷ mang đến những cung bậc cảm xúc cao nhất cho người tiêu dùng.
Cũng theo vị chuyên gia thương hiệu này, xu hướng nổi bật trong kinh doanh sản phẩm bản địa là tính cá nhân hóa và công nghệ rất cao. Trong tương lai, người tiêu dùng số đòi hỏi cách tiếp cận mới của doanh nghiệp từ lúc hình thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng hoàn toàn là kỹ thuật số, mang đến trải nghiệm cho người tiêu dùng trước khi người ta mua sản phẩm, cho nên cách tương tác, tính chất, nền tảng hoàn toàn khác với truyền thống.
Ngoài đặt hàng, giao hàng thông minh, thiết bị sản xuất và các chỉ số dinh dưỡng cũng phải thông minh. App cho phép người tiêu dùng có thể đặt một sản phẩm địa phương của bất kỳ nông trại nào. Bao bì thông minh phải có thêm mã code, có thêm cách để người tiêu dùng tương tác được với doanh nghiệp trên các mã in ở bao bì. Người tiêu dùng thông minh không bao giờ mua hàng mà không biết sản phẩm đó ở đâu, xuất xứ của nó thế nào.
Trong thời kỳ số hiện nay, tiền mặt là dữ liệu. Khai thác dữ liệu đó thế nào là tùy vào năng lực và khả năng liên kết. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể giữ lại data khách hàng. Số lượng người độc thân tăng lên 32% ở Pháp, 40% ở Đức, tạo nên xu hướng mini hóa, bao bì cũng phải làm nhỏ lại.
"Chúng ta bán giải pháp, nếu một mình người muốn ăn một bữa ăn từ ngó sen, nhưng chúng ta chỉ bán ngó sen chưa chế biến thì không biết ăn làm sao. Phải bán ngó sen cộng với những thứ có thể tạo ra món ăn từ ngó sen. Cần tạo ra sự trải nghiệm sản phẩm của chúng ta cho người tiêu dùng cùng đồng hành. Tạo App cho người tiêu dùng mua sản phẩm kèm theo một giải pháp sử dụng sản phẩm thông qua trải nghiệm tại bản địa. Chúng ta không chỉ bán sản phẩm mà bán mô hình”, chuyên gia Nguyễn Phi Vân nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, ông Lý Ngọc Minh, chủ thương hiệu gốm sứ Minh Long lại đề cập đến giá trị phi vật thể của sen thông qua những tác phẩm gốm sứ của mình. Ông nói: “Hơn 20 năm nay, tôi theo đuổi nghề gốm sứ. Là một người mê nghệ thuật, tôi hiểu một sản phẩm thiếu văn hóa như một con người không có hồn. Để làm ra những tác phẩm sen đẹp, ít ai biết tôi đã bỏ ra bao nhiêu công phu. Cảm hứng về sen đã giúp tôi nâng cao giá trị gốm sứ Minh Long. Tôi luôn có những phân khúc rất thấp cho người tiêu dùng như bộ trà sen ba bốn trăm ngàn, nhưng cũng có bình hoa sen 2.000 đô la mà không phải ai có tiền cũng mua được, vì tôi làm sản phẩm rất hạn chế. Thực ra, giá trị vô hình của sản phẩm mới mắc chớ giá trị hữu hình thì không mắc".
Ông Minh cho biết, Minh Long chỉ phác thảo vài mô hình sen trên gốm sứ, trong khi Đồng Tháp hay một số địa phương khác có cả cánh đồng sen, tiềm năng rất lớn. Đó là loại hoa hiếm có, chưng trên tủ thờ thì trang trọng mà chưng trên bàn thì ai cũng mê ngắm. Một cánh đồng sen nếu ta khai thác du lịch phải có sự chăm chút, gia cố và làm thế nào để mê hoặc được người du hành đến trải nghiệm.
"Chúng ta nói đến chuyện 4.0. Khai thác 4.0 trong sản xuất kinh doanh, tiếp thị du lịch… nhưng chúng ta quên một điều rất quan trọng mà ngày nay là xu hướng: Ai không sợ bệnh? Xu hướng du lịch trong tương lai là xu hướng dưỡng sinh- an toàn”, ông Minh nói.
Làm cách nào để biến Đồng Tháp Mười trở thành một vùng thích ứng với biến đổi khí hậu và nông thôn bền vững? Theo kinh nghiệm sống và làm việc của ông Lý Ngọc Minh, về nguyên lý tồn tại là giống nhau, chỉ khác cách làm.
Ông nói: "Tôi từng làm nông nghiệp từ năm 1978 ở Bình Dương, một vùng đất khí hậu nóng, và hoàn toàn không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, 10 ngàn cây bắp cải vẫn lớn mạnh, bán rất nhiều tiền, trong đó có vườn đu đủ thu hiệu quả cao nhất trong các loại trái cây. Hàng ngày đều có trái hái, mùa mưa hái 3 xe, mùa nắng hái 1 xe/ngày. Sen là một sản phẩm cực kỳ quý vì hạt sen là nguồn đạm bổ dưỡng cho trẻ em và người già, củ sen cũng là thức ăn ngon. Chúng ta nên chọn sen nào cho hạt nhiều, củ sen có tinh bột nhiều.
Dẫn ví dụ ở Trung Quốc, ông Minh cho biết, Trung Quốc không có lợi thế trong việc trồng sen, nhưng khi đến Quý Châu, mua một hộp củ sen ở sân bay để dùng và cảm thấy rất tốt. Họ chế biến 100% từ củ sen và đảm bảo trồng ở cánh đồng không có hóa chất. "Tôi mong muốn chúng ta tiếp cận tài liệu khoa học và học từ đó. Khai thác cảnh quan du lịch và khai thác chế biến Sen đều cần sản phẩm an toàn”, ông Minh nói.
Dưới khía cạnh y học và hóa học, Chủ tịch HĐQT Thonakao Huỳnh Kỳ Trân góp ý cho cây sen Đồng Tháp: "Vừa qua tôi đã trở lại Đồng Tháp và xuyên qua Long An nghiên cứu sen, chế phẩm mà tôi dự định đóng góp cho Đồng Tháp là kem và trà. Về góc độ đông y, sen là "tâm chủ thần linh", làm thuốc an thần là đệ nhất trên thế giới. Tâm sen chữa được mất ngủ, cao cấp là tiên sen. Khoảng một năm rưỡi nay tôi đã nghiê cứu thành công kem sen chống nhăn bằng kỹ thuật Nano, đã có lụa sen. Sen còn làm dược liệu, tinh dầu, dệt vải. Hệ sinh thái Đồng Tháp có những cánh đồng vô cùng tuyệt hảo mà không đâu trên thế giới có. Tuy nhiên chúng ta không biết giá trị tự có và tự tôn trọng của quý ngay trên đất nước mình".
“Các giám đốc Sở đừng sợ bóng đè nữa, hãy nhìn con em mình để thiết kế cho phù hợp”
Theo ông Dương Đức Minh, giảng viên bộ môn du lịch, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM, sen là tâm điểm của truyền thông du lịch Đồng Tháp, tất cả những ấn phẩm của Đồng Tháp nên có logo Sen. Hôm nay có một chị lãnh đạo Đồng Tháp mặc áo dài hoa sen rất đẹp, nhưng quảng bá mà không đi liền với sản phẩm tương ứng sẽ khiến cho du khách khó hình dung vì độ chênh giữa truyền thông và thực tế trải nghiệm du lịch gắn với sen. Xây dựng hình ảnh sen Đồng Tháp phải là câu chuyện của quá khứ - hiện tại- tương lai.
Chia sẻ sáng kiến thực hiện tour du lịch sen qua bốn tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) vừa qua, ông Minh cho biết, chuyến đầu tiên trải nghiệm du lịch sen có 3 người, đợt 2 chúng tôi năn nỉ thêm được 6 người, nhìn vào giới hạn từ nguồn khách, tôi thấy sự liên kết với ABCD trong du lịch Đồng Tháp rất rời rạc. Sen là một ý tưởng thú vị và Đồng Tháp có thể làm ngay, cần định hình hình ảnh mới mẻ, độc đáo hơn. Muốn chứng minh sen Đồng Tháp Mười là ngon nhất đất nước, nhưng khi chúng tôi cho 36 khách mua sen ở cửa hàng Việt Liên, thì… không còn hàng để bán!
So sánh với cách làm du lịch về sen của các nước, ông Minh nói: “Ở Campuchia, sản phẩm sen của họ được trưng bày rất đẹp. Ở Victoria, Australia, làng sen của họ rất thân thiện. Trung Quốc có tour ngắm sen và thưởng thức ẩm thực trứ danh tại Hồ Tây- Hàng Châu. Thái Lan và Hàn Quốc còn có Lễ hội Sen. Ở Đồng Tháp chưa có không gian này, thậm chí còn phá vỡ cảnh quan với môi trường. Cần có sự chung tay của cộng đồng địa phương, đơn vị thể hiện, chế tác sản phẩm từ sen; về sản phẩm du lịch, cần khắc phụ tính mùa vụ để đầm sen luôn hấp dẫn. Về giá trị đạo đức, tín ngưỡng, sợ là người ta hiểu sai thông điệp văn hóa của Sen ở Việt Nam”.
Đề cập đến nguồn nhân lực cho Đồng Tháp, bà Bùi Trân Phượng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen đầy trăn trở: Tôi rất mừng thấy Đồng Tháp đã tạo cảm hứng cho những chuyên gia nói về mình, phân tích, hướng đến tương lai. Nhưng có một điều với tư cách làm giáo dục, tôi tha thiết mong Đồng Tháp thêm một việc, cũng nằm trong giải pháp tổng thể, đó là con người. Nếu Đồng Tháp quyết tâm rửa cái tiếng ĐBSCL là "vùng trũng của giáo dục" thì sẽ tốt.
Đứng dưới góc độ văn hóa, nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh, người ta cần giá trị phi vật thể của trải nghiệm, cho nên chúng ta có thể phát triển chuỗi giá trị sen trở thành di sản phi vật thể cho Đồng Tháp.
Hiếm có một bí thư tỉnh ủy nào như ông Lê Minh Hoan của Đồng Tháp, lắng nghe những ý kiến của chuyên gia từ đầu tới cuối với tinh thần hết sức cầu thị, ông chia sẻ rất chân thành: "Lắng nghe các vị, tôi thấy cái đầu mình ngày càng nhỏ lại. Đồng Tháp trường kiết như hồn sen. Phải nói rằng, ý tưởng thường xuất phát từ một người, nhưng thực hiện thì phải một nhóm người. Tôi thấy mình cần mạnh dạn hơn, như câu nói của anh Nguyễn Thanh Mỹ công ty Mylan: Làm đúng cái đã sai, làm tốt hơn cái đã tốt, làm có cái chưa có. Tôi khổ sở, đau đớn với 70 hộ ở Đồng Tháp Mười, lúc đầu tôi đe dọa, sau đó năn nỉ… Người Việt Nam ngộ lắm, thấy người ta làm cũng làm theo, rồi phá giá hết trơn. Làm du lịch sen mà mở quán nhậu ngay trên đầm sen...Chúng tôi phải ráng vượt qua 3 điểm chết này: nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ còn chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, để 5, 10 năm sau mới có kết quả thay đổi thực sự. Các diễn giả cho tôi thấy sự tự tin của Đồng Tháp đối với Sen. Tôi hay nói với bà con rằng người Đồng Tháp không yêu sen bằng những người ngoài Đồng Tháp. Tôi khơi gợi lại tình yêu sen cho người dân Đồng Tháp và những giá trị của sen, không phải là nhìn coi chơi hay bán hạt sen là hết, mà đó là những giá trị văn hóa rất lớn. Nếu tổng hòa được những giá trị đó thì Đồng Tháp sẽ có bản sắc riêng. Tôi cũng nói với các giám đốc Sở đừng sợ bóng đè nữa mà hãy nhìn con em mình để thiết kế cho phù hợp, chớ đừng đợi và bàn thêm nữa từ cải cách giáo dục. Chị Hậu đề nghị điều mà tôi cũng ước gì được vậy. Tôi nhớ lời thầy Trần Văn Khê: “Bạc Liêu đang nhờ thầy phê bút vào công nhận Dạ cổ hoài lang được trở thành giá trị phi vật thể, nhưng thầy không nhận lời. Thầy lưu ý với em rằng, mỗi đất nước mỗi dân tộc có một cái hay riêng, nhưng cần có 4 chữ tự: Không tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin và biết tự hào”. Phát huy giá trị bản địa từ sinh thái, con người, biến đổi khí hậu sẽ biến thành giá trị hữu hình. Những sản vật ở những hệ sinh thái khác nhau, phải đi từ sự khác biệt này để phát triển”. Kim Yến (ghi)
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả thông qua việc áp dụng các cơ chế đặc thù, tập trung huy động nguồn lực trong nước và chuyển giao công nghệ hiện đại.
Lựa chọn thuê môi trường rừng làm du lịch phù hợp với các dự án có quy mô lưu trú nhỏ, tập trung khai thác các hoạt động trải nghiệm trong rừng với vốn đầu tư không quá lớn.
Quản trị số sẽ không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là "linh hồn" của nền kinh tế số Việt Nam, giúp đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.