Số doanh nghiệp ngừng hoạt động cao nhất trong 10 năm qua

Quỳnh Chi - 17:04, 11/04/2019

TheLEADERTrong khi số doanh nghiệp thành lập mới và số việc làm tạo mới không tăng nhiều so với quý IV/2018, số tạm ngưng hoạt động trong quý I/2019 lại cao bất thường, nhất là trong tháng Một với 23.082 doanh nghiệp, cao nhất trong mười năm trở lại đây.

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động cao nhất trong 10 năm qua
PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, đây vẫn chỉ là con số thống kê. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động từ lâu nhưng đến nay mới được đưa vào thống kê.

Dẫn số liệu mới đây của Tổng cục thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, VEPR đánh giá, các doanh nghiệp khá lạc quan trong quý I/2019. 

Cụ thể, có 33,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tình hình kinh doanh tốt hơn quý 4/2018, 40,5% cho rằng tình hình kinh doanh ổn định và có tới 54,6% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh quý 2 sẽ tốt hơn quý 1, trong khi chỉ có 10,6% dự báo khó khăn hơn.

Báo cáo mới nhất của VEPR cho thấy, quy mô việc làm mới trong ba tháng đầu năm nay tăng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo thành phần, tính đến tháng Ba, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI đều tăng trong khi lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước giảm.

Điều này cho thấy, doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực có tăng trưởng việc làm nhanh nhất trong ba khu vực, còn khu vực doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục thu hẹp lao động, phù hợp với khuynh hướng tái cơ cấu kinh tế nhưng còn chậm.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,79% trong quý 1/2019, thấp hơn con số kỷ lục 7,45% của cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đó. Tăng trưởng của các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đang ở mức khá. Trong đó, dịch vụ vẫn là khu vực ổn định nhất.

Lạm phát bình quân quý I/2019 tăng 2,63% chủ yếu do sự gia tăng của giá năng lượng cũng như việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu. Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng có nhiều ảnh hưởng như hạn hán và dịch bệnh làm giảm sản lượng nông nghiệp.

PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, cú sốc về giá năng lượng thường tác động mạnh nhất sau 3 - 4 tháng, hoặc thậm chí là sau sáu tháng cho đến một năm.

“Chính vì vậy, áp lực lạm phát sẽ lớn hơn trong quý 2/2019. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi rủi ro lạm phát để có những biện pháp ứng phó phù hợp, không chủ quan với chính sách tiền tệ”, ông Anh khuyến cáo.

Thanh khoản tiền tệ trước Tết có phần eo hẹp do nhu cầu thanh toán tăng cao. Lãi suất liên ngân hàng vì thế tăng rất mạnh, trước khi giảm dần theo Tết Nguyên đán nhưng vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia VEPR cho rằng, các chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế, ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ cú sốc bên ngoài.

Lãi suất nên được giữ mức ổn định tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, đặc biệt đối với các ngành đang trên đà tăng trưởng và tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng cũng được tiếp tục tiến hành.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng được đánh giá là có thể mang lại nhiều cơ hội tích cực nếu Việt Nam biết nắm bắt. Về tác động lâu dài khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội.

Thách thức cho Việt Nam cũng không nhỏ khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng tiếp nhận làn sóng chuyển dịch sản xuất, cũng như bất lợi khi không có lợi thế quy mô như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Đáng chú ý, trong quý I/2019, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Dòng vốn từ nước này ngoài những tích cực mang lại cho việc làm và tăng trưởng thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài.

“Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khoá hay đất đai đối với FDI nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước, cũng như giữa các lĩnh vực”, ông Anh nhấn mạnh.