Startup Singapore và tham vọng trong ngành khách sạn ở Việt Nam

Quỳnh Như - 19:21, 28/03/2019

TheLEADERVới mô hình nhượng quyền thương hiệu độc đáo, startup có trụ sở ở Singapore – RedDoorz đặt mục tiêu sẽ trở thành chuỗi khách sạn với 200 điểm đến tại Việt Nam

Startup Singapore và tham vọng trong ngành khách sạn ở Việt Nam
Một khách sạn thuộc RedDoorz Việt Nam đang có mặt trên Booking.com.

RedDoorz – startup nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á, có trụ sở tại Singapore vừa chính thức ra mắt ở Việt Nam vào ngày hôm qua. Sau 6 tháng thăm dò thị trường, xây dựng cơ sở, RedDoorz đã có 40 khách sạn trải dài khắp các quận nội thành của TP. HCM, 40.000 khách hàng sử dụng dịch vụ và đã bán hơn 60.000 đêm phòng, tỷ lệ lấp đầy phòng từ 70% đến 80%.

Trong năm 2019, RedDoorz đặt mục tiêu mở rộng ra thêm 3 thành phố là Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội để nâng tổng số khách sạn RedDoorz lên con số 200. Nhằm phục vụ chiến lược tăng trưởng, RedDoorz cũng dự định sẽ tăng gấp đôi con số nhân sự tại văn phòng Việt Nam lên 120 người.

Việt Nam là thị trường thứ tư của RedDoorz sau Indonesia, Phillipines và Singapore. Đông Nam Á sẽ là bàn đạp để startup này thực hiện tầm nhìn “khách sạn RedDoorz sẽ hiện diện ở mọi góc phố quan trọng trên thế giới”.

Dù mới ra được được gần 4 năm, nhưng cho tới thời điểm này họ đã có 700 khách sạn, trải dài khắp hơn 40 tỉnh thành ở 4 nước Đông Nam Á mà chúng ta vừa kể trên.

Vào tháng 10/2015, sau thời gian dài lăn lộn trong ngành nhà hàng – khách sạn, doanh nhân Ấn Độ Amit Saberwal quyết định đứng ra thành lập RedDoorz.

Về cơ bản, RedDoorz là mô hình nhượng quyền khách sạn hoạt động giống Accor, nhưng có vài điểm khác biệt như: trong khi phân khúc của Accor là khách sạn hạng sang từ 4 đến 5 sao trở nên, thì RedDoorz chuyên nhắm vào khách sạn 3 sao trở xuống; sau khi xây dựng, chủ đầu tư trao toàn quyền quản lý cho Accor, còn RedDoorz chỉ phụ trách phần sale – marketing và huấn luyện – kiểm soát chất lượng, còn chủ khách sạn vẫn là người quản lý chính.

Khi một khách sạn tham gia vào hệ thống của RedDoorz, khách sạn sẽ gắn thêm tên RedDoorz, đồng thời chịu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng từ doanh nghiệp này. Bù lại, RedDoorz sẽ chịu trách nhiệm quảng bá sản phẩm – làm thương hiệu, huấn luyện – từ vấn về quản lý – nhân sự, bán hàng và chăm sóc khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ. Tỷ lệ ăn chia giữa hai bên phụ thuộc vào tiềm năng của khách sạn cũng như khả năng đàm phán của chủ khách sạn.

RedDoorz cam kết sẽ mang lại cho khách hàng sự an tâm về chất lượng phòng với giá luôn tốt nhất, thông qua các chương trình tích điểm – khách hàng thân thiết cùng công nghệ định giá phòng theo thị trường ở thời gian thực.

Thế nên, mặc dù RedDoorz có hệ thống booking online riêng, song họ không phải là đối thủ của các công ty đặt phòng trực tuyến mà là đối tác.

Tại thời điểm Amit Saberwal thành lập RedDoorz, mô hình này không mới, ít nhất là ở Ấn Độ, khi OYO – doanh nghiệp được sáng lập bởi chàng trai trẻ Ritesh Agarwal vào năm 2013, cũng hoạt động theo mô hình này.

Nhận thấy nếu để RedDoorz khởi hành ở quê nhà Ấn Độ sẽ không có được lợi thế của kẻ tiên phong, Amit Saberwal đã mang mô hình này sang Indonesia – nơi chưa xuất hiện bất cứ loại hình kinh doanh nào như thế này. Và những thành tựu mà RedDoorz đã đạt được, chứng tỏ đây là một lựa chọn sáng suốt của Amit Saberwal.

Ngoài ra, sở dĩ RedDoorz có thể chạy nhanh như thế là nhờ Amit Saberwal đã tận dụng những thế mạnh của các quốc gia châu Á, ví dụ như hầu hết nhân sự trong bộ phận công nghệ của công ty đều là người Ấn, song trụ sở chính của họ lại ở Singapore. Thế nên, không có gì phải ngạc nhiên khi RedDoorz được các nhà đầu tư đánh giá rất cao, vào giữa tháng 3/2019, họ vừa nhận được 50 triệu USD từ vòng gọi vốn Series B.