Du lịch bứt phá, liệu kinh doanh khách sạn có hái ra tiền?

Hứa Phương - 14:15, 28/03/2019

TheLEADERKhách quốc tế đến Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng trung bình 13,8%/năm, gấp ba lần của thế giới và hai lần khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Du lịch bứt phá, liệu kinh doanh khách sạn có hái ra tiền?
Khu nghỉ dưỡng Premier Village Resort Phu Quoc.

Du lịch bùng nổ

Du lịch toàn cầu thời gian qua có sự tăng trưởng ấn tượng, trong đó châu Á - Thái Bình Dương là khu vực lớn thứ hai tính về lượng khách đến thăm và chiếm 24% tổng lượng khách quốc tế. 

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Asia Pacific cho biết, châu Á - Thái Bình Dương cũng là nguồn khách xuất ngoại rất lớn do có tầng lớp trung lưu lớn và tăng nhanh. Đến năm 2030, cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có khoảng 3 tỷ người trung lưu và khi cuộc sống khá lên thì xu hướng đi du lịch sẽ nhiều hơn.

Trung Quốc là một trong những động lực phát triển của ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương. Năm ngoái có 150 triệu lượt du khách Trung Quốc xuất ngoại, chiếm 11% tổng số khách xuất ngoại trên toàn cầu và dự kiến năm 2030 sẽ là 400 triệu. Gần đây chính quyền Trung Quốc cũng đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu cho công dân đi du lịch.

Ông Mauro Gasparotti cho biết, với số lượng khách lớn như vậy nên chính quyền Trung Quốc cũng từng sử dụng khách du lịch như một công cụ, trong trường hợp Trung Quốc có xung đột lợi ích với quốc gia nào thì họ sẽ ngăn chặn công dân của họ đi du lịch đến quốc gia đó. 

Khi nói đến khách du lịch Trung Quốc mọi người thường nghĩ họ đi du lịch theo nhóm đông hoặc du lịch 0 đồng. Tuy nhiên, khách du lịch thị trường này cũng rất đa dạng: Có nhiều khách thích du lịch một mình hay trải nghiệm và đây chính là nguồn khách quốc tế lớn của ngành du lịch Việt Nam.

Chia sẻ với các chủ đầu tư khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại sự kiện Meet the Experts tối qua ở TP. HCM, ông Mauro Gasparotti cho biết, trong những năm qua, khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng trung bình 13,8%/năm, gấp ba lần của thế giới và hai lần của châu Á - Thái Bình Dương. 

Việt Nam chỉ mất ba năm, từ 2015 đến 2018 để tăng gấp đôi lượng khách từ 7 triệu lên 15 triệu lượt trong khi Thái Lan mất 11 năm để tăng số lượng khách quốc tế từ 8 triệu lượt năm 1999 lên 15 triệu vào năm 2010.

Nếu ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu sẽ thu hút được 30 triệu khách quốc tế vào năm 2025 thì nhu cầu khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, ông Mauro Gasparotti cho rằng, du lịch Việt Nam đang đối diện với không ít thách thức. Điển hình như kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại, từ đó ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam.

Một nguyên nhân nữa là có những điểm du lịch mới ở những nước lân cận sẽ thu hút khách du lịch khỏi Việt Nam. Thái Lan có rất nhiều điểm du lịch độc đáo và họ đã thành công trong việc thu hút khách du lịch quay trở lại.

Du lịch bứt phá, liệu kinh doanh khách sạn có hái ra tiền?
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương.

Nhà tư vấn ngoại này nhận xét, ở khía cạnh nào đó, Việt Nam chưa làm cho khách quốc tế cảm thấy quý mến để quay trở lại và cùng với việc xuất hiện nhiều điểm du lịch ở các nước lân cận sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng của Việt Nam như sân bay đang trong tình trạng quá tải.

Nguồn cung khách sạn tăng vọt

Ông Mauro Gasparotti dẫn số liệu thống kê của Savills Hotels cho thấy năm ngoái có khoảng 16.800 phòng khách sạn gia nhập thị trường Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng cung của thị trường. Có tới 90% số phòng mới tập trung ở những địa phương ven biển như Nha Trang, Phú Quốc, Nha Trang.

Savills Hotels dự báo nguồn cung khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, với khoảng 33 ngàn phòng.

Nhìn chung giá phòng tăng trưởng tốt nhưng công suất có sự sụt giảm. Nguyên nhân là do lượng cung gia nhập thị trường trong năm vừa qua lớn nên ảnh hưởng đến công suất của toàn thị trường.

Tại Đà Nẵng, nguồn cung từ năm 2019 đến 2022 chủ yếu là căn hộ khách sạn (condotel), chiếm tới 82% tổng cung mới. Ông Mauro cho rằng, nếu hoạch định tốt, những sản phẩm này sẽ hoạt động hiệu quả, còn ngược lại có thể tạo ra nhiều rủi do cho thị trường.

Trong thời gian tới nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng của khu vực và quốc tế thâm nhập thị trường Việt Nam, từ đó sẽ tạo ra dấu ấn và kéo khách quốc tế đến.

TP.HCM là thị trường có giá phòng tăng tốt nhất trong năm qua nhưng công suất giảm nhẹ. Những khách sạn mới ở thị trường TP.HCM những năm tới không còn tập trung ở Quận 1 mà phân bổ ở cả Quận 2, Tân Bình.

Công suất khách sạn ở Hà Nội khá tốt, đạt trên 80%, nhưng thị trường này đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn khách của Samsung.

Savills Hotels cho rằng TP. HCM và Hà Nội cần nhiều khách sạn hơn nữa, nhưng cần cẩn trọng với những thị trường ven biển. Thị trường cũng cần thêm nhiều sản phẩm ở phân khúc cao cấp.

Điểm nhấn Phú Quốc

Theo ông Mauro Gasparotti, Phú Quốc là thị trường sôi động nhất trong năm 2018 với nguồn cung khá lớn dẫn đến công suất phòng giảm.

Doanh thu không đat được như mong đợi, chi phí lại tăng cao nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc.

Ở Khánh Hòa có dự án condotel đang xây dựng quy mô với khoảng 5.000 phòng, chiếm 83% nguồn cung tại địa phương này. Một khi dự án này đi vào hoạt động không biết sẽ tác động thế nào đến thị trường mà còn phải chờ thêm.