Startup Telio có thể huy động thêm 60 triệu USD

Việt Hưng - 17:47, 04/08/2022

TheLEADERTính đến tháng 9/2021, Telio đã huy động tổng cộng 51 triệu USD. Gần đây nhất, Telio được Công ty cổ phần VNG đầu tư 22,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series B.

Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, startup thương mại điện tử B2B là Telio đang huy động vòng gọi vốn mới với giá trị lên tới 50-60 triệu USD.

Khoản đầu tư mới được kỳ vọng sẽ bổ sung sức mạnh, cùng năng lực phục vụ cho công ty trong chiến lược vươn mình tới 45 tỉnh thành của Việt Nam, với 150.000 đại lý vào cuối năm 2022. Với quy mô hiện tại, Telio đã đứng số 1 trên thị trường B2B tại Việt Nam.

Tính đến tháng 9/2021, Telio đã huy động tổng cộng 51 triệu USD. Gần đây nhất, Telio được Công ty cổ phần VNG đầu tư 22,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series B.

Ngoài VNG, vòng gọi vốn này cũng có sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại là quỹ đầu tư toàn cầu GGV Capital và quỹ đầu tư Tiger Global.

Trước đó, Telio công bố nhận vốn 25 triệu USD trong vòng Series A, được dẫn dắt bởi Tiger Global, cùng các nhà đầu tư khác là Sequoia India, GGV Capital và RTP Global.

Được thành lập vào tháng 11/2018, Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên của Việt Nam liên kết các đơn vị bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung, giúp các cửa hàng bán lẻ có nhiều lựa chọn về hàng hóa hơn, giá cả tốt hơn và vận chuyển hiệu quả hơn.

Startup Telio có thể huy động thêm 60 triệu USD
Startup Telio có thể huy động thêm 60 triệu USD

Telio được vận hành đa nền tảng, bao gồm Web, App Telio và đặc biệt là gian hàng Telio trên Zalo giúp các đại lý dễ dàng, thuận tiện nhập đơn hàng cũng như theo dõi đơn hàng. 

Ngoài ra, Telio còn có ứng dụng Teliobooks để giúp Chủ đại lý tạp hóa quản lý công nợ, doanh thu với các tính năng hỗ trợ, tổng kết và nhắc nhở tự động qua SMS, Zalo.

Theo phân tích của nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện bị chi phối bởi các kênh phân phối truyền thống, nhiều tầng lớp, và phân tán.

Các cửa hàng bán lẻ, kinh doanh hộ gia đình chiếm trên 60% thị phần nhóm hàng Tiêu dùng nhanh tại khu vực đô thị và trên 90% ở khu vực nông thôn Việt Nam.

Các cửa hàng bán lẻ theo hình thức kinh doanh hộ gia đình thông thường cần liên hệ tới 50 đến 80 nhà bán buôn và nhà phân phối để đặt hàng, và thường mất khoảng một tuần để mua đầy đủ các mặt hàng cho cửa hàng của mình.

Xuất phát từ thực tế đó, Telio liên kết các đơn vị bán lẻ này với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn thông qua một nền tảng tập trung, giúp các cửa hàng bán lẻ có nhiều lựa chọn về hàng hoá hơn, giá cả tốt hơn và vận chuyển hiệu quả hơn.

Thương mại điện tử đang làm thay đổi xu thế phát triển của thị trường B2B ngày nay, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025 được dự báo là đạt 29%, với quy mô thị trường lên tới hơn 52 tỉ USD Mỹ và quy mô thị trường bán lẻ (tính trên các thị trường mà Telio đang hoạt động: Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Đồ Gia dụng, Y tế và Thời trang) đạt 50 tỉ USD Mỹ.