Tách bạch vai trò để hút đầu tư tư nhân vào ngành điện

Phương Anh - 18:20, 17/09/2020

TheLEADERMặc dù dấu ấn của đầu tư tư nhân trong ngành điện đã tăng lên thời gian qua, Việt Nam vẫn cần sự điều chỉnh hơn nữa để thu hút dòng vốn này như thực hiện cơ chế đấu thầu, xem xét lại vai trò của tư nhân và Nhà nước trong một số hoạt động.

Dấu ấn tư nhân trong ngành điện

Thời gian qua, rất nhiều dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Tỷ lệ nguồn điện được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) và IPP (dự án điện độc lập không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) trong cơ cấu nguồn điện toàn quốc đã tăng lên đáng kể, từ 14,41% (tương đương 4.344 MW) vào năm 2010 lên mức 27,29% (tương đương 15.591 MW) vào năm 2019, chưa kể đến các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành và đang xây dựng trong năm nay.

Thông tin trên được ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương, cho biết mới đây tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2020.

Vị này nhận định kết quả tỷ lệ tham gia đầu tư tư nhân trong lĩnh vực điện lực ngày càng tăng là nhờ những chính sách, chiến lược đúng đắn trong thúc đẩy phát triển đầu tư tư nhân.

Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, tính tới thời điểm tháng 7/2020, hệ thống điện quốc gia có tổng cộng 99 nhà máy điện mặt trời vận hành với tổng công suất là 5.053MW, 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429MW và 325MW điện sinh khối, gần 10MW điện chất thải rắn.

Tính chung, tổng công suất điện gió và mặt trời đã đạt 5.482MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất nguồn đặt của hệ thống. Riêng đối với điện mặt trời mái nhà, tính đến hết tháng 8/2020, trên 47.000 hệ thống đã được lắp đặt với tổng công suất 1.128 MWp.

Thông thường đối với các dự án điện than, điện khí đầu tư theo hình thức BOT, hay các dự án điện khí đang đề nghị đầu tư thường yêu cầu có bảo lãnh chính phủ trong triển khai dự án.

Tuy nhiên, hiện nay các dự án điện mặt trời, điện gió triển khai đầu tư hoàn toàn không có bảo lãnh chính phủ. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, việc các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển nguồn điện mà không cần bảo lãnh chính phủ là điểm tích cực trong thu hút đầu tư vào ngành điện”.

Tách bạch vai trò để hút đầu tư tư nhân vào ngành điện
Điện mặt trời đang có những đóng góp ngày càng quan trọng đối với hệ thống điện quốc gia.

Doanh nghiệp tư nhân không chỉ đầu tư mà còn tích cực tham gia thực hiện dự án như tư vấn thiết kế, quản lý dự án; sản xuất thiết bị, cung cấp vật tư; xây dựng, lắp đặt và vận hành.

Bên cạnh việc đầu tư nguồn điện, các doanh nghiệp tư nhân còn tích cực đầu tư các dự án lưới điện như trạm biến áp và đường dây phục vụ đấu nối, ví dụ trạm biến áp 500 kV và đường dây do Tập đoàn Trung Nam đầu tư.

Các dự án đầu tư nguồn điện theo hình thức BOT được xem như là một trong những biện pháp quan trọng nhằm huy động vốn để phát triển kết cấu hạ tầng ngành điện. Hình thức này không những góp phần làm giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng, giảm bớt gánh nặng đầu tư cho nhà nước mà còn đem lại các lợi ích khác như chuyển giao công nghệ, sử dụng vốn, sáng kiến, bí quyết công nghệ, trình độ quản lý và nhiều mục tiêu khác.

Tách bạch vai trò, mở đường cho tư nhân vào truyền tải điện

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công thương đã trình phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, điện mặt trời theo biểu giá bán điện cố định (giá FIT) trong 20 năm. Cơ chế khuyến khích phát triển thời gian qua đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió mà chủ yếu là các nhà đầu tư tư nhân phát triển.

Việc phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo cũng đã góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và dịch vụ về điện mặt trời; khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút được lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.

Tuy vậy, sự phát triển “nóng” của khu vực này trong thời gian ngắn đã khiến nhiều dự án đã đăng ký đấu nối nhưng chưa thể vận hành thương mại vì vượt quá khả năng giải tỏa công suất.

Ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết thêm rằng công suất phát của hệ thống điện không ổn định, khó dự báo chính xác, từ đó đỏi hỏi phải đẩy nhanh, bổ sung quy hoạch và thực hiện đầu tư lưới điện; thuê tư vấn nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cần có ứng với các mức độ tăng dần của tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện.

Tách bạch vai trò để hút đầu tư tư nhân vào ngành điện 1
Tốc độ phát triển nhanh chóng của sản lượng điện từ năng lượng tái tạo đã gia tăng áp lực nên hệ thống truyền tải điện. Ảnh: EVNSPC.

Theo vị đại diện Bộ Công thương, kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho thấy để có thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới thì cần tập trung vào các nội dung chính là chính sách, hạ tầng truyền tải và điều vận hành hệ thống điện.

Về chính sách, các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất.

“Thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã ban hành Luật số 64/2020/QH14 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hiệu lực từ 1/1/2021), trong đó lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công tư) bao gồm lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định.

Như vậy, mặc dù Luật PPP quy định đầu tư lưới truyền tải, nhưng vẫn loại trừ các trường hợp độc quyền theo quy định Luật Điện lực.

Do đó, vị đại diện Bộ Công thương cho rằng để thực hiện đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải vẫn phải sửa nội dung của Luật Điện lực về quy định độc quyền trong hoạt động truyền tải điện, có thể chỉ xem xét một số hoạt động độc quyền nhà nước như quản lý, vận hành lưới điện truyền tải.

Bên cạnh đó, cần tách bạch đầu tư xây dựng với độc quyền nhà nước (quản lý, vận hành) truyền tải điện.

Ngoài ra, để đảm bảo về an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng, ông Tuấn Anh cho rằng cần phải xác định phạm vi đầu tư lưới điện truyền tải nào được thực hiện PPP.

Đối với lưới điện truyền tải quốc gia mang tính chất xương sống, huyết mạch của hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước cần thực hiện từ đầu tư đến quản lý, vận hành, đảm bảo quá trình này phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối cũng như đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy của hệ thống.