Tản mạn về môi trường xanh, doanh nghiệp xanh

Nhà văn Sương Nguyệt Minh - 08:46, 13/02/2024

TheLEADERMỗi doanh nghiệp phải là một doanh nghiệp ESG như một tế bào cường tráng trong một cơ thể kinh tế quốc dân mạnh khỏe. Phải là con bướm đập cánh tạo nên hiệu ứng doanh nghiệp ESG tăng trưởng xanh, quốc gia xanh và nhân loại cũng xanh.

Tản mạn về môi trường xanh, doanh nghiệp xanh
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại Ninh Thuận. Ảnh: Hoàng Anh

“Một con bướm có thể vỗ cánh trên một bông hoa ở Trung Quốc và gây ra một cơn bão ở biển Caribbean” là câu nói của nhân vật nam chính do Robert Redford thủ vai trong phim Havana của đạo diễn Sydney Irwin Pollack sản xuất vào năm 1990. Nhưng trước đó đã có câu: “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil cũng có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”.

Nhà toán học Edward Norton Loenz trong khi thực hiện mô phỏng các hiện tượng thời tiết đã khám phá ra “hiệu ứng cánh bướm” là một khái niệm trong “lý thuyết hỗn loạn về độ nhạy cảm của hệ đối với điều kiện gốc”. 

Động năng đập cánh của con bướm vô cùng nhỏ, sẽ bị biến mất bởi tiếng đập cánh của con bướm khác, hay con côn trùng khác, nó không thể tác động trực tiếp đến cơn lốc ở Texas. 

Nhưng một cái đập cánh của con bướm rất có thể là cội nguồn đầu tiên cho hàng loạt biến đổi khác về động năng, cường độ kế tiếp của hàng triệu triệu biến cố tạo nên thời tiết thay đổi.

Viết đến đây, tôi lại nghĩ đến một con người hành động cũng giống như “một con bướm vỗ cánh trên một bông hoa ở Trung Quốc”, một doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh cũng giống như “một con bướm đập cánh ở Brazil”. Từ con người đầu tiên, từ doanh nghiệp đầu tiên có thể là khởi đầu cho hàng triệu biến cố tạo nên biến đổi sinh thái theo hướng xanh sạch, hoặc thảm họa ô nhiễm môi trường.

Con người xa xưa dường như không phải sản xuất là chỉ hái lượm, săn bắn quanh mình để sống. Là một thành tố hài hòa, thân thiết trong thế giới tự nhiên, con người tạo thành văn hóa bản địa chung sống chan hòa với thiên nhiên. 

Chỉ đến khi khai thác thiên nhiên, khai thác đến kiệt quệ, xơ xác, kiếm lời thực dụng thì cũng là lúc con người quay lưng lại với văn hóa bản địa nhân văn và trở thành con người thuần kinh tế, chỉ có ý nghĩa khi giao dịch tiền tệ. 

Xã hội càng hiện đại, tài nguyên càng bị khai thác, thì Bà Mẹ Trái Đất càng xơ xác, trọng thương. Nguy hiểm hơn, khi con người thực dụng kiếm lời thì bất chấp được mất, đã tàn phá, đầu độc hành tinh và tự đầu độc tàn phá cả đồng loại nữa. Đến khi nhận ra Bà Mẹ Trái Đất đang trầy vi tróc vảy, lở loét, nham nhở và nhiễm độc thì đã muộn màng.

Muộn màng vẫn phải hành động để ngăn chặn, sửa chữa ứng xử sai lầm với tự nhiên, còn hơn là không làm để đến lúc tuyệt chủng giống loài và diệt vong.

Từ lâu, người ta nói nhiều đến vấn nạn toàn cầu biến đổi thời tiết, khí hậu, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu đã làm cho nhiệt độ trái đất nóng lên 1,1 độ C, dự đoán trong hai thập kỉ tới sẽ là 1,5 độ C. 

Hậu quả của nó sẽ là nước biển dâng lên, sóng nhiệt kéo dài, nhiều vùng đất chìm xuống nước và rất nhiều giống loài tuyệt chủng. Lúc đó không còn là ác mộng của loài người nữa, mà sẽ là hiện thực trần trụi với thảm họa khốc liệt. 

Đó đây, ta vẫn hay bắt gặp các hình ảnh, các câu chuyện về ô nhiễm môi trường trên tivi, trên báo chí: Dầu loang trên biển năm 2010 do xảy ra vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon làm hơn 6 triệu tấn dầu tràn ra vịnh Mexico, các nhà máy hóa chất, chế biến thực phẩm xả thải ra đồng ruộng, sông ngòi, các cánh rừng bị cháy, những ống khói vươn lên trời xanh thả bụi vào môi trường… gây ra những thảm họa khôn lường.

Có một nhà thơ đã từng viết rằng: “Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng/ Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất/ Thử chịu bão giông, thử sâu rày, khô khát/ Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng/ Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương/ Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối/ Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói/ Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên/ Nếu đổi được kiếp này, tôi xin làm không khí/ Thử khói bụi ngày đêm, thử ngột ngạt trưa hè…”.

Dư luận lên tiếng về ô nhiễm môi trường sinh thái và đã vào thơ ca ai oán như thế, hẳn là chuyện không hề nhỏ.

Không chỉ báo chí, truyền thông và thơ ca lên tiếng mà các nhà khoa học và Liên hiệp quốc cũng đã kêu gọi các quốc gia hợp tác chống biến đổi khí hậu, giữ cho ngôi nhà chung trái đất bình yên, xanh tươi. 

Một bộ tiêu chuẩn được hiệp ước toàn cầu đặt ra vào năm 2004 là cụm từ viết tắt ESG, gồm: Environmental (Môi trường); Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). ESG như là tiêu chuẩn định giá các yếu tố tác động đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của tổ chức với cộng đồng. Một tổ chức được gọi là ESG có điểm số càng cao thì phát triển càng bền vững, uy tín càng lớn. Doanh nghiệp ESG sẽ thu hút dòng đầu tư mạnh mẽ, cổ phiếu xanh ESG cũng có sức mời gọi hấp dẫn.

Nhưng dường như kết quả đến giờ vẫn rất khiêm tốn, không được như mong muốn. Gần đây, vào năm 2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (The United Nations Climate Change Conference of the Parties - COP26), 197 quốc gia đã thống nhất với Hiệp ước Khí hậu Glasgow để giữ cho mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C tồn tại; đẩy nhanh mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ở mỗi quốc gia, hướng đến tăng trưởng xanh (tại hội nghị này, Việt Nam chính thức đưa ra cam kết Net Zero vào năm 2050). Mục tiêu Net Zero là lý tưởng của bất cứ quốc gia nào, tổ chức nào, nhưng không dễ thực hiện.

Xã hội càng phát triển, thì con người càng tác động vào thiên nhiên. Thiên nhiên chính là môi trường sinh thái, là khí quyển sinh thái. Rồi đến lượt sinh thái môi trường lại tác động trở lại với con người. Cái quy luật nhân quả này diễn ra ở tự nhiên và cả xã hội. 

Khoa học kĩ thuật và công nghệ càng chuyên sâu thì càng phân ngành nhỏ. Dân chúng được hưởng lợi từ trí tuệ sáng tạo mới, nhưng cũng gánh hậu quả của những tác động tiêu cực vào tự nhiên. Vì vậy, xã hội cũng vận động, biến đổi theo để điều chỉnh và thích nghi. 

Chẳng hạn vài chục năm gần đây chính quyền có thêm Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Thông tin truyền thông để quản lý nhà nước về các vấn đề mới mẻ đó. Chẳng hạn, Bộ Công an có thêm Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát An ninh mạng để ngăn chặn tội phạm về các lĩnh vực mới đó.

Văn học cũng có văn học sinh thái, và phê bình sinh thái. Văn hào Honoré de Balzac (1799-1850) từng nói: “Nhà văn phải là thư ký trung thành của thời đại.” Thánh thần, chiến tranh, dịch bệnh, các mối quan hệ nhằng nhịt của con người, doanh nghiệp, doanh nhân…, cái gì cũng có thể là đối tượng sáng tác của nhà văn. Vì vậy, nhà văn cũng không bỏ qua vấn nạn ô nhiễm môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu. 

Khoảng vài chục năm nay, thuật ngữ “phê bình sinh thái” được dùng khá phổ biến trong đời sống văn chương là bởi có một dòng văn học sinh thái. Dòng văn học sinh thái ra đời từ yêu cầu hiện thực khách quan.

Trái đất đang lở loét, đang ngày càng nóng lên, hiệu ứng nhà kính, chất thải công nghiệp, thảm họa lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần, lở đất, cháy rừng, sa mạc hóa, bệnh tật… đang uy hiếp con người. Nhà văn không chỉ là thư ký trung thành của thời đại mà còn là nhà tư tưởng có tính phát hiện và dự báo đời sống xã hội, tự nhiên.

Tôi đã từng viết một truyện ngắn đại ý: Ở vùng cửa sông có cồn Nổi rất trù phú, sa bồi màu mỡ, màu xanh ngằn ngặt của bần chua, sú vẹt, vô vàn cua cáy, cá tôm, ngao sò… và le le, vịt trời, mòng biển, cò thìa chấp chới cánh trắng trong nắng chiều. 

Khách du lịch các nơi kéo nhau về đông nghìn nghịt hít thở không khí biển trời thanh sạch, ngắm nhìn thảm diệp lục mát mắt và các giống loài cửa sông, thì bỗng nhiên một ngày màu xanh thành màu xám ngoắt, ngao sò, cá và các động vật giáp xác chết nổi, chim cò gọi nhau bỏ đi hết. 

Cả một vùng cửa sông sa bồi bình yên trù phú hoang sơ mênh mông trở thành một vùng chết chóc. Thì ra ở thượng nguồn người ta chế biến miến dong, bột sắn trong các cơ sở nhếch nhác, mất vệ sinh rồi dẫn nước thải ra sông. Dòng sông đen xàu bọt. Ở trung nguồn là nhà máy sơn, nhà máy mía đường, nhà máy chế biến lâm sản dẫn nước thải theo cống ngầm ra đáy sông. Còn gần cửa sông là những lò gạch thủ công phun khói lên trời xanh, lá cây tướp táp như bị hơ qua lửa. 

Hậu quả là tác hại lâu dài của ô nhiễm môi trường, về biến đổi hệ sinh thái, về vật chất lơ lửng như phù sa, hạt sét, các mảnh vụn hữu cơ lắng đọng làm nền đáy biến đổi, trầm tích kim loại nặng và ô nhiễm đến tận cửa sông. Con người bị trả giá cho những việc làm ngu ngốc và lòng tham lam của mình.

Công việc viết văn viết báo có dịp đưa tôi đến nhiều doanh nghiệp ESG lớn. Doanh nghiệp nào cũng nói đến bộ tiêu chuẩn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nói đến cam kết thực hiện mục tiêu Net Zero với cộng đồng và lấy đó làm thước đo giá trị của doanh nghiệp tăng trưởng xanh. 

Dường như, doanh nghiệp ESG đang ngày càng nhiều hơn, lớn hơn và được người tiêu dùng tin tưởng, được các nhà đầu tư quan tâm bởi tính phát triển bền vững. Người ta có thể đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất, chế biến tăng trưởng xanh, chứ không thể đầu tư vào tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp bị điều tiếng, bị pháp luật gọi tên vì hủy hoại sinh thái, và xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường. 

Chỉ cần một vụ xảy ra sự cố tràn dầu Deepwater Horizon ở vịnh Mexico vào năm 2010 thì các nhà đầu tư sẽ quay lưng. Bài học đau đớn và tiêu diệt tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2018 của Tập đoàn xe hơi Volkswagen của Liên bang Đức chính là vụ bê bối gian lận khí thải. Volkswagen cũng phải mất 9,5 tỷ USD để thương lượng, dàn xếp vụ kiện tại Mỹ. Có nhà đầu tư nào dám rót tiền vào những doanh nghiệp để xảy ra sự cố này không?

Nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào doanh nghiệp giá trị xanh bền vững. Đầu năm 2022, Microsoft tuyên bố đạt mục tiêu “âm carbon” vào năm 2023; còn Unilever cam kết “không phá rừng” và sẽ đạt mục tiêu cân bằng khí thải tạo ra và khí thải lấy khỏi khí quyển với tất cả sản phẩm, cam kết thải khí “net-zero” vào năm 2039 sẽ được tin tưởng hơn là các doanh nghiệp không hành động, hoặc đang khủng hoảng về sự cố sinh thái, môi trường.

Ở Việt Nam, Vinamilk với các trang trại hệ tiêu chuẩn Organic châu Âu, GlobalG.A.P với hàng trăm ha đất hữu cơ, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại với kết hợp năng lượng mặt trời, CNG, Biomass; doanh nghiệp này cũng đã có 1 trang trại, 1 nhà máy đầu tiên đạt tiêu chuẩn trung hòa carbon… sẽ là nơi hấp dẫn, mời gọi các nhà đầu tư, và người tiêu dùng. 

Vinfast sản xuất ô tô, xe máy bằng điện giảm thiểu khí thải với sản phẩm “xe xanh” mới mẻ ở Việt Nam hướng đến sự bền vững hiện tại và tương lai cũng có sức hút lớn nhà đầu tư, và người tiêu dùng.

Tản mạn về môi trường xanh, doanh nghiệp xanh
Trang trại bò sữa của Vinamilk. Ảnh: Vinamilk

Doanh nghiệp ESG không chỉ tăng trưởng xanh, thu hút nhà đầu tư và người tiêu dùng mà còn có trách nhiệm với cộng đồng. 

Trước hết, sản phẩm phải sạch, phải an toàn vừa thu được lợi nhuận vừa nâng cao sức khỏe giống nòi. Sau đó là sạch và xanh hóa vùng nhiên liệu, vùng sản xuất để người dân cùng được hưởng lợi từ khí quyển trong lành, nước sạch và đất cũng sạch sẽ được chính quyền và nhân dân tin yêu ủng hộ. 

Sự cố doanh nghiệp gang thép Fomosa tháng 4 năm 2016 xả thải ra biển miền Trung làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dọc bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, làm cá chết hàng loạt, phải thừa nhận 53 sai phạm trong hoạt động bảo vệ môi trường và bồi thường thiệt hại cho người dân 500 triệu USD là bài học đau đớn của doanh nghiệp. 

Để khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường và đầu tư xử lý nước thải, khí thải, bụi thải và chất thải rắn đạt tiêu chuẩn Việt Nam, Fomosa đã phải chi hàng tỷ USD. Có thể nói: sự cố xả thải của Fomosa làm ô nhiễm môi trường biển Việt Nam còn là hồi chuông cảnh báo và là bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp để tránh đi vào “vết xe đổ” trên hành trình hướng tới doanh nghiệp ESG tăng trưởng xanh.

Tôi và nhiều bạn văn cũng đã từng viết về nỗi đau chất độc da cam. Những cánh rừng xanh rậm rạp bị phun chất độc da cam không chỉ phát quang làm trụi lá cây, mà còn để lại hậu quả quái thai, dị dạng, dị tật cho đời con đời cháu. 

Những vùng chiến trường xưa, hiện nay đã mọc lên nhiều lâm trường, nhiều doanh nghiệp làm ăn phát đạt, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân bản địa. 

Đó chính là kết quả quả nhiều năm tháng đầu tư, cần mẫn tháo gỡ vật liệu, chất nổ, chất độc chiến tranh, làm sạch đất.

Cách đây hơn 10 năm, trong dịp đến vùng biển xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tôi ngạc nhiên vô cùng bởi lần đầu tiên thấy những cái chong chóng khổng lồ đặt trên các cây trụ thép cao vươn giữa trời xanh, chả hiểu họ làm để làm gì? Để phục vụ khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm ư? Không! Hóa ra, là công trình điện gió tạo ra năng lượng sạch, cột tháp turbine bằng thép không rỉ đường kính 4m, cao 80m, còn cánh quạt bằng nhựa dài 42m. 

Nhìn từ xa, các cột tháp đứng im lìm trên biển mênh mông mặc sóng vỗ dìu dặt và cánh quạt quay dưới trời xanh mây trắng giống như một cánh đồng điện gió vừa hùng vĩ vừa lãng mạn. 

Thế rồi, một thời gian sau lại thấy nhiều doanh nghiệp đầu tư điện gió ở các vùng cao nguyên đầy nắng, các vùng đất cằn khô khát nắng gió. Các doanh nghiệp cũng đầu tư vào công trình điện mặt trời xuất hiện ở những địa phương có giờ nắng trong năm cao. Việc nghiên cứu, sử dụng kĩ thuật biến đổi ánh sáng mặt trời, và sức gió thành điện năng là một chu trình tái tạo năng lượng tự nhiên thay cho tài nguyên như than đá, dầu khí đang cạn dần và nhiều chất thải nguy hại. 

Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời là khôn ngoan, trước hay sau thì họ cũng sẽ là các doanh nghiệp ESG tăng trưởng xanh.

Nền kinh tế quốc gia hiện nay không thể là ốc đảo, mà phải là một bộ phận khăng khít của kinh tế toàn cầu. 

Chỉ cần nền tài chính Mỹ hay Trung Quốc “trái gió trở trời”, thậm chỉ chỉ cần phố Wall trung tâm tài chính Mỹ “lên đồng” cũng có thể làm cho kinh tế toàn cầu chao đảo. Cũng như, chỉ cần trái đất “hắt hơi sổ mũi” là mùa màng thất bát, an ninh lương thực báo động. 

Chính vì thế, mỗi doanh nghiệp phải là một doanh nghiệp ESG như một tế bào cường tráng trong một cơ thể kinh tế quốc dân mạnh khỏe. Phải là con bướm đập cánh tạo nên hiệu ứng doanh nghiệp ESG tăng trưởng xanh, quốc gia xanh và nhân loại cũng xanh.