Tản mạn về tình yêu

Thảo Phương Ngô - 11:10, 02/02/2019

TheLEADERMuốn hiểu “con chó của tâm” một cách sáng tỏ, thì quan sát cách mình đã yêu như thế nào, sẽ thấy.

Tản mạn về tình yêu
2019 sẽ là năm nói về tình yêu

Một

Nếu nói rằng “con chó của tâm” là một cụm từ diễn tả bản chất của tình cảm con người, thì “yêu” có thể là cục xương hấp dẫn nhất. Nói “hấp dẫn nhất” là bởi vì nó tạo ra buồn đau, hạnh phúc của nhân loại nhiều hơn hết thảy, nó gây nghiện và huỷ hoại tâm trí của loài người nhiều hơn hết thảy. Nó chi phối loài người nhiều đến mức những kiệt tác văn chương, nghệ thuật của loài người đều là để ca tụng nó, nhận chân nó, định nghĩa nó. Loài người bị dính mắc vào cục xương này và thường nuốt không trôi, hết lần này tới lần khác.

Muốn hiểu “con chó của tâm” một cách sáng tỏ, thì quan sát cách mình đã yêu như thế nào, sẽ thấy.

Kẻ nào đã vật vã, đớn đau vì bị phản bội trong tình yêu, kẻ đó sẽ nhận ra mình mù quáng như thế nào. Nhưng sâu hơn, kẻ đó sẽ nhận ra mình đã kỳ vọng vào tình yêu đó, vào người đó như thế nào. Và vì vậy, thứ đau đớn dày vò họ đó, không phải là tình yêu của họ dành cho người đó, không phải ký ức đã có giữa hai người, cũng không phải nỗi mất mát khuyết mẻ trái tim gì cả, mà là sự kỳ vọng. Cái duy nhất họ mất, chỉ là một tương lai đã tưởng tượng mà không thể diễn ra, như kỳ vọng.

Kẻ nào không thể có được người mình yêu, phải yêu đơn phương trong thầm lặng, thường phải dằn vặt giữa những lằn ranh có - không. “Con chó của tâm” cứ nhảy chồm chồm lên khi “cục xương có”, một tin nhắn của người đang mong đợi ấy, hiện ra trên điện thoại, và rồi lại nhảy chồm lên hụt hẫng nữa, khi “cục xương không”, nội dung tin nhắn đó chẳng phải là nội dung mà họ đang mong đợi. Vui - buồn cứ thế trồi lên tuột xuống- nhảy tới nhảy lui- lượn qua lượn lại, cho đến hết cuộc đời. Cái duy nhất khiến cho họ hoài nghi, chờ đợi, khắc khoải đó, chẳng phải là con người mà họ đang yêu đó, hay tình yêu của người đó, mà là sự kỳ vọng về đáp lại tương ứng của một cảm xúc đang ngân lên trong lòng, một sợi dây hoà điệu. Đó là vì, bản nhạc cô đơn mà họ đang chơi đó, vẫn còn khuyết một sợi dây. Đó vẫn là nỗi kỳ vọng về một sợi dây.

Kẻ nào đang ở trong tình yêu mà vẫn cảm thấy chưa đủ, chưa hài lòng với tình yêu của mình, là bởi vì tình yêu họ đang có đó, chưa phải là miếng bánh đủ vị mà họ đã từng mơ tưởng. Nỗi trống trải chán chường trong khi ăn miếng bánh này mà biết một độ ngon khác của miếng bánh vẫn còn nằm ở đâu đó trong không gian thăm thẳm hay thời gian thăm thẳm bất định kia, khiến cho miếng bánh đang ăn trở nên nhạt nhẽo, sống sượng. Đó đâu phải là tại chiếc bánh dở, mà tại nỗi kỳ vọng về một chiếc bánh ngon đã che lấp mất hương vị vốn có của chiếc bánh này.

Vậy đó, “con chó của tâm” cứ đi từ kỳ vọng này sang kỳ vọng khác, nhào tới nhào lui trong tình yêu, khiến một ngày làm cho thân chủ trở nên bấn loạn. Càng kỳ vọng thì càng bấn loạn.

Vậy nên hiểu được cơ chế hoạt động của “con chó”, sẽ hiểu được toàn bộ những gì khiến cho ta bấn loạn như vậy, buồn khổ như vậy, cô đơn như vậy, chán nản như vậy. Bởi việc của con chó là nhảy chồm chồm khi trông thấy cục xương, mà ở đây, đã nhìn thấu suốt bản chất của tất cả các cục xương, là kỳ vọng, thì sẽ biết cách bỏ xuống sự kỳ vọng.

Nhưng vì sao lại có sự kỳ vọng? Vì sao mình kỳ vọng cái này với người này chứ không kỳ vọng với người khác? Sao không yêu đại ai đang yêu mình hoặc rất phù hợp với mình mà phải yêu một kẻ tréo nghoe cẳng ngỗng? Vì sao?

Là vì thiếu. Người mà bạn yêu đến mê mệt điên cuồng này, đang có thứ mà tâm bạn đang thiếu.

Kẻ chín chắn sâu sắc thường yêu một kẻ hồn nhiên vô lo, kẻ đau đớn tổn thương rã rời rồi thường yêu một kẻ sạch trơn chưa từng vấp ngã. Kẻ giản đơn đếm đo dễ dàng thường yêu thương một người rối rắm phức tạp. Có khi kẻ rối rắm phức tạp cũng yêu một kẻ rối rắm phức tạp khác, vì cần một sự đồng điệu, mà họ đang thiếu. Kẻ hỗn loạn ngổn ngang thường yêu một kẻ ngay ngắn thẳng tắp, kiểu kiểu vậy thôi.

Biết vậy rồi làm sao? Làm sao cho hết khổ? Làm sao cho dứt cái cục nhớ nhung hờn trách ra khỏi trái tim mình?

Đâu có cách gì đâu.

Người đến thì cứ yêu. Nhớ thương thì cứ nói. Hết nhớ thì biết là hết nhớ. Yêu quá thì cứ biết là yêu quá. Rồi thôi.

Dạy “con chó của tâm” thiệt khó lắm nhưng chỉ gói gọn trong 5 từ: bỏ xuống sự kỳ vọng. Bất cứ khi nào bọn kỳ vọng nhảy xổ ra chào, hãy lặng lẽ chào nó, rồi biểu nó lui. Ta cần yên tĩnh, cho ngươi lui. Miễn gặp lại. Cảm ơn.

Vậy đó và rồi thì sẽ qua. Đời người ngắn ngủi, có vài mươi năm tỉnh thức, mà thôi.

Hãy để “con chó của tâm” nghỉ ngơi, ánh sáng của tình thương vô điều kiện sẽ rọi tới. Khi đó, yêu một người hay không yêu một người, đều có nghĩa là thương.

Hai

Luôn canh giữ cái tôi của mình để nó không ngoi lên làm thầy ai cả, và là học trò của tất cả, là một việc khó làm.

Không phải khó vì không ý thức được, mà khó vì không biết. Chúng ta thường không biết mình đã bị biến thành ông thầy bà thầy trịch thượng từ lúc nào, vì cái tôi đó leo lên đầu mình ngồi từng chút từng chút một, như kẻ xâm lăng chiến lược chỉ chăm chăm chờ mình sơ hở để chiếm chỗ.

Là nó, chứ không ai khác, chính là kẻ làm cho mình khác đi, làm cho mình trở thành một ai đó khác, có khi còn xa lạ với chính mình.

Những việc ngu ngốc trên đời mà mình gây ra cho bản thân, là tại nó. Nên chính nó, mới là thứ cần phải học nhiều nhất, không phải các loại kỹ năng thần thánh nào cả.

Chừng nào hiểu được cách nó vận hành thì học cái nào cũng hiệu quả.

Ba

Đã ba năm trôi qua kể từ ngày mình thôi không nói gì về tình yêu nữa. Nhưng 2019 sẽ là năm nói về tình yêu.

Cũng giống như mạch nước ngầm dưới lòng đất, tình yêu chảy theo dòng của nó, nuôi dưỡng phần linh hồn của một con người. Nó không phải là tất cả linh hồn của con người, nhưng lại là phần đẹp nhất.

Có những khi người ta thay đổi dòng chảy của nó, hoặc thay đổi vị trí, tên gọi của nó. Người ta chuyển khối tình yêu lớn dành cho một người, trở thành tình thương cho nhiều người. Có khi người ta chuyển luôn cả tình yêu cho một người, thành tình thương lớn cho một người.

Có những người đã đủ đớn đau để chuyển hoá thành những tình thương ngọt lành không kèm theo gai góc (không phải hoa hồng). Tình thương của người đã đủ đớn đau chỉ như một trái gì đó ngọt. Và ngoài vị ngọt ra, nó không đòi hỏi và sản sinh thứ gì khác. Và vì vậy, không thể mặc cho nó cái áo của tình yêu, thứ tình cảm vẫn hỷ - nộ - ái - ố mỗi ngày.

Dù đó là tình yêu, giờ đây, họ đã yêu bằng một kiểu khác.

Thứ tình yêu kỳ lạ đó giờ đây là sản phẩm của tự do. Không còn nỗi sợ hãi nào, nên họ không yêu những thiếu khuyết của chính mình trong hình hài người khác. Không còn nỗi cô đơn nào, nên giờ đây họ không yêu nỗi cô đơn của mình trong nỗi cô đơn của người khác. Không còn nỗi hằn học nào, nên giờ đây, họ không yêu nỗi giận dữ của mình trong sự gai góc của người khác. Không còn tham vọng nào, nên giờ đây họ không yêu những tham vọng của mình qua khao khát của người khác. Kẻ tự do giờ không còn bị đốn ngã bởi bất kỳ điều gì khác, ngoài yêu.

Và vì hắn tự do, giờ đây hắn không còn có nhu cầu sở hữu một ai khác, bởi sở hữu ai đó giờ đây là gánh nặng của chính họ. Phải chịu đựng sự trói buộc về cảm xúc với bất kỳ ai là thứ không thể chấp nhận đối với một người đã tự do. Họ có thể thuận theo dòng chảy của tình yêu nhưng không lao theo nó. Họ yêu vì biết mình đang yêu nhưng không vì nó mà bỏ quên tự do của mình.

Lý do của tình yêu đối với một kẻ đã tự do, là họ thấy mình đang rung động, có nhu cầu gắn bó, và nhu cầu chở che, và nhu cầu chia sẻ. Những nhu cầu đó đến tự nhiên, và vì vậy, nó cũng (đã, sẽ) ra đi một cách tự nhiên. Kẻ đã tự do chỉ việc quan sát và thuận theo nó, chẳng cần phải cố gắng gì.

Khoảng cách giữa một kẻ tự do trong tình yêu và một kẻ luôn luôn sợ hãi, là rất mong manh. Kẻ sợ hãi không thể hiểu được tình yêu của một người tự do, và kẻ tự do hoàn toàn tha thứ cho những kẻ còn sợ hãi. Vì họ đã từng sợ hãi rất nhiều.

Và chỉ khi cho phép mình ngừng sợ hãi bằng cách chấp nhận là mình đang sợ hãi, bạn mới có thể được giải thoát khỏi tình yêu và bắt đầu yêu.

Khi bắt đầu yêu thực sự, mạch nước ngầm sẽ lại chảy mà không huỷ hoại ai cả, chỉ mang về quả ngọt mà thôi. 

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng