Tăng trưởng xanh và cách xoá dấu chân các-bon

Phạm Sơn - 08:47, 20/01/2022

TheLEADERNgày càng nhiều doanh nghiệp tuyên bố những cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên vẫn còn khoảng trống không nhỏ giữa tuyên bố và thực tế.

Theo dõi diễn biến cuộc đàm phán của những nhà lãnh đạo toàn cầu tại COP26, nhiều người bị ấn tượng bởi những “điệp khúc” nhấn mạnh sự cấp thiết của những hành động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Những lời kêu gọi ấy cuối cùng được thể hiện bằng nhiều cam kết tham vọng về loại bỏ dần nhiệt điện than, trung hòa phát thải nhà kính hay khai tử xe nhiên liệu. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách giữa tuyên bố, cam kết với thực tế.

Choáng ngợp trước lời hứa của các nhà lãnh đạo tại Glasgow, ông Bart De Smet, Chủ tịch tập đoàn bảo hiểm Ageas vẫn không quá tin tưởng vào những thành quả thực sự của cam kết tại COP26.

“Vấn đề không nằm ở tham vọng mà nằm ở cách thức thực hiện, bao gồm cơ chế, lộ trình và các biện pháp khuyến khích”, ông Smet nhận định.

Câu chuyện tương tự nằm ở các doanh nghiệp. Ngày càng nhiều doanh nghiệp đưa ra tuyên bố về sản xuất và tiêu dùng bền vững, và không ít những lời cam kết đó chỉ mang tính chất “rửa xanh”. Một số chiến dịch bền vững chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, thực hiện được vai trò truyền thông rồi kết thúc trong âm thầm.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tuyên bố xuông. Đối với nhiều nhà lãnh đạo tầm cỡ, trách nhiệm với kinh tế, xã hội và môi trường như một sứ mệnh bắt buộc phải thực hiện, khi lợi nhuận đã không còn là điều quá quan trọng. Vấn đề nằm ở việc những nỗ lực bền vững của họ chưa thực sự hiệu quả.

Giải pháp tiêu dùng bền vững đúng nghĩa được thiết kế như thế nào?
Ông Bart De Smet, Chủ tịch Ageas.

Theo chủ tịch Ageas, mắt xích quan trọng nhất để hiện thực hóa những cam kết nằm ở người tiêu dùng. Những kế hoạch, chiến dịch hướng tới sự bền vững cần được thực hiện thông qua thay đổi hành vi tiêu dùng. Đây cũng là vai trò, chức năng quan trọng của doanh nghiệp.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã đặt người tiêu dùng làm mục tiêu tiên quyết của kế hoạch bền vững hóa chuỗi cung ứng, có thể kể đến mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng vào năm 2025 để đạt tham vọng tái chế 100% bao bì năm 2030 của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Bí quyết nằm ở việc tạo ra sự lựa chọn bền vững dễ dàng hơn cho khách hàng. Nhiều nghiên cứu đang chỉ ra sự sẵn sàng trả phí cao hơn cho những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, giống như doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo, cũng tồn tại khoảng cách giữa nói và làm của người tiêu dùng.

Câu trả lời cho hiện tượng này là bởi sự đắt đỏ và phức tạp của những lựa chọn bền vững, trong khi cuộc sống vốn dĩ đã không hề đơn giản. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng mượn nhãn “bền vững” để thổi giá sản phẩm lên mức cao.

Sản phẩm bền vững đúng nghĩa và có ý nghĩa, không chỉ dừng ở mức thuận tiện mà phải tạo động lực để người tiêu dùng hình thành thói quen tốt.

Ông Smet lấy ví dụ về sáng kiến của Ovo, một nhà cung ứng năng lượng đến từ nước Anh, đã phát triển một giải pháp sạc điện thông minh cho xe điện. Giải pháp này sử dụng thuật toán đề tìm ra thời điểm thích hợp nhất để sạc điện, từ đó vừa tiết kiệm năng lượng, giảm tải áp lực cho lưới điện, lại tiết giảm chi phí cho người sử dụng.

Một giải pháp hiệu quả khác đến từ P&G khi cải tiến bột giặt Tide để có thể giặt sạch quần áo bằng nước lạnh, giúp giảm 2/3 dấu chân carbon của sản phẩm, mặt khác cũng giúp người tiêu dùng giảm hóa đơn tiền điện so với việc bật chế độ làm nóng nước máy giặt.

Ý tưởng cho những sáng kiến bền vững đúng nghĩa sẽ đến từ chính sự thấu hiểu người tiêu dùng, thay vì những kinh nghiệm có phần chủ quan của doanh nghiệp.

“Bất cứ doanh nghiệp có sự hiểu biết sâu sắc với khách hàng đều có thể đưa ra những giải pháp bền vững hiệu quả. Bắt đầu bằng việc tìm hiểu nhu cầu, mong muốn và cả những điều có thể khiến người tiêu dùng thất vọng”, chủ tịch Ageas cho biết.