Thỏa hiệp về hiệp ước khí hậu Glasgow

Phạm Sơn - 15:38, 14/11/2021

TheLEADERToàn bộ 197 quốc gia tham gia vào Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, sau khi dự thảo tuyên bố chung sửa đổi từ “xóa bỏ dần than” thành “giảm dần than”.

Thỏa hiệp về hiệp ước khí hậu Glasgow
Hiệp ước khí hậu Glasgow được đồng thuận bởi 197 quốc gia sau 2 tuần làm việc. Ảnh: Reuters

Theo thông tin từ Reuters, các bên tham gia đàm phán cuối cùng cũng đã đạt được một thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), sau khi phải kéo dài thời gian đàm phán thêm một ngày.

Trước đó, COP26 dự kiến sẽ kết thúc vào tối ngày 12/11, nhưng phải tổ chức thêm vào 13/11 do dự thảo cam kết không nhận được đồng thuận của nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có lượng phát thải cao.

Thỏa thuận mới đạt được là Hiệp ước khí hậu Glasgow, đưa ra những quy tắc về phát thải khí nhà kính, với những cơ chế đầu tư hàng ngàn tỷ USD để chuyển đổi năng lượng tái tạo cũng như các dự án phòng ngừa và chống chịu với biển đổi khí hậu.

Bảo vệ rừng là lĩnh vực mới được đưa vào nội dung hiệp ước, được xem là bước đột phá quan trọng của COP26.

Đối với nhiệt điện than và nhiên liệu hóa thạch, hiệp ước đề nghị các nước giảm dần tỷ trọng điện than, không trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và không sử dụng công nghệ thu giữ các bon. Đây là lần đầu tiên các nhiên liệu hóa thạch được nhắc tới trong một tuyên bố chung của Liên hợp quốc về khí hậu.

Thực tế, yếu tố mấu chốt để các quốc gia đồng thuận với Hiệp ước khí hậu Glasgow chính là việc thay đổi từ “xóa bỏ dần than” thành “giảm dần than”.

Về trợ cấp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các quốc gia phát triển đồng ý tăng gấp đôi mức hỗ trợ cho các nước đang phát triển vào năm 2025. Khoản hỗ trợ này được sử dụng để phát triển những dự án sạch, không gây ô nhiễm cũng như những dự án tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu.

Các quốc gia cam kết vào năm 2030 sẽ cắt giảm 45% lượng khí thải các bon so với mức năm 2010 và tiến tới trung hòa các bon vào giữa thế kỷ. Các bên tham gia hiệp ước tái khẳng định mục tiêu cố gắng duy trì nền nhiệt tăng không quá 2 độ C, đồng thời quyết tâm nỗ lực để đạt mục tiêu duy trì nền nhiệt tăng không quá 1,5 độ C như Thỏa thuận Paris.

Trước đó, nhiều cam kết quan trọng cũng đã được các nhóm quốc gia thông qua. Trong đó, đặc biệt phải kể đến cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 với hơn 100 quốc gia đồng thuận; cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải mê tan đến năm 2030 với hưn 100 nước đồng thuận và thành lập một liên minh cam kết tiến tới ngừng sử dụng than, khí đốt với 40 thành viên.

Ông António Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng, là nền tảng cho “kiến thiết sự tiến bộ”, nhưng vẫn chưa đi đủ xa để đạt được những mục tiêu khí hậu như kỳ vọng. Đại diện Liên hợp quốc cho rằng điều này thể hiện sự xung đột giữa ý chí và quyền lợi trong mối quan hệ chính trị quốc tế.