Tập đoàn đứng sau dịch vụ xe đạp công cộng trải dài từ Nam ra Bắc

Việt Hưng - 11:16, 16/08/2023

TheLEADERTrước khi triển khai hàng ngàn chiếc xe đạp công cộng phục vụ người dân cả nước, Tập đoàn Trí Nam chủ yếu kinh doanh và phát triển các giải pháp công nghệ như: Giao thông thông minh, Thu phí không dừng, Đào tạo trực tuyến, Chính phủ điện tử...

Hàng nghìn chiếc xe đạp công cộng phục vụ người dân cả nước

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ của TP. Hà Nội cho biết, Đề án xe đạp công cộng tại Thủ đô dự kiến sẽ bắt đầu phục vụ người dân từ tháng 9/2023. Đề án có tổng mức đầu tư là hơn 130 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Việc hoàn vốn dự án sẽ thông qua thu phí cho thuê xe.

Doanh nghiệp được phê duyệt triển khai thí điểm đề án là Tập đoàn Trí Nam, hiện đã bố trí hơn 600 xe đạp công cộng tại 6 quận nội thành Hà Nội là Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.

So với kế hoạch ban đầu, đề án này triển khai khoảng 9 tháng, khi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ đầu năm 2021. Giai đoạn 1, Trí Nam có trách nhiệm triển khai 1.000 xe trước 15/12/2022, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2024), đề án sẽ mở rộng vùng phục vụ với quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp.

Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam giải thích, ban đầu đề án chỉ dự định sử dụng xe đạp thông thường, nhưng do doanh nghiệp muốn phát triển thêm sản phẩm xe đạp điện trợ lực, có tay ga nên cần thêm thời gian cân đối nguồn vốn và thử nghiệm.

"Dự án triển khai xe đạp công cộng ở Hà Nội là mô hình mới so với các tỉnh khác, sử dụng cả xe đạp có trợ lực điện. Do đó, phải nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu về cả kỹ thuật, quản lý lẫn vận hành", lãnh đạo Trí Nam nhấn mạnh.

Theo ghi nhận, Trí Nam đã 4 lần đưa các mẫu xe đạp điện về để kiểm tra, vận hành thử nghiệm. Các trạm cho thuê xe đạp công cộng cũng đã được thay đổi thiết kế, không khoá xe vào thiết bị hay trên mặt đất mà chỉ khoá bánh, bảo đảm tiết kiệm mức đầu tư nhất.

Giá thuê một chiếc xe đạp công cộng thông thường sẽ là 5.000 đồng/30 phút; đối với xe đạp điện là 10.000 đồng/30 phút.

Người dân có thể tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng là TNGo (vận hành bởi Công ty Dịch Vụ Vận tải số Trí Nam), nạp tiền trước vào tài khoản để trả tiền thuê. Ngay cả khi đang sử dụng mà không còn đủ tiền trong tài khoản để trừ theo thời gian thực, người dân vẫn có thể sử dụng tiếp và trả bù vào lần sau.

Các địa điểm được chọn làm trạm cho thuê xe đạp đều có thể dễ dàng kết nối giao thông công cộng, xe buýt, tàu điện, đặc biệt tại những nơi có trường học, khu vui chơi, các khu du lịch, tham quan thắng cảnh và nơi đông dân cư để dễ dàng sử dụng dịch vụ.

Trước Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam từng triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại nhiều tỉnh thành phố, như: TP. HCM (500 xe), Vũng Tàu (100 xe), Quy Nhơn, Đà Nẵng (300 xe) và Hải Phòng (500 xe).

Tập đoàn tư nhân đứng sau dịch vụ xe đạp công cộng trải dài từ Nam ra Bắc
Dịch vụ xe đạp công cộng thí điểm tại Hà Nội do Tập đoàn Trí Nam triển khai

Bức tranh Tập đoàn Trí Nam

Dù đang triển khai dịch vụ xe đạp công cộng trải dài từ Nam ra Bắc, nhưng đây thực chất là mảng kinh doanh mới được Trí Nam bắt đầu thực hiện từ năm 2021.

Mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này là phát triển các giải pháp công nghệ thông tin, bao gồm giải pháp: Giao thông thông minh, Thu phí không dừng, Đào tạo trực tuyến, Hệ thống thông tin quản lý và CSDL Quốc Gia, Chính phủ điện tử...

Tập đoàn Trí Nam được thành lập năm 2009, bắt đầu bằng hợp tác với Viện CNTT Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chỉ 2 năm sau đó, Trí Nam trở thành đối tác triển khai các cổng thông tin và dịch vụ công cho rất nhiều cơ quan nhà nước. Đến nay đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ là đối tác của tập đoàn.

Giai đoạn 2011 - 2014 đánh dấu bước ngoặt của Trí Nam, khi đơn vị này thành công tiến vào mảng giải pháp giao thông thông minh và đào tạo trực tuyến.

Trí Nam chính là đơn vị tư vấn hệ thống giám sát ATGT đường bộ bằng hình ảnh trên QL5, QL70. Đồng thời là doanh nghiệp triển khai lắp đặt các phân hệ cho dự án Long Thanh Dầu Giây CCTV, VDS, WIM, WOS, hệ thống bộ đàm, hệ thống tổng đài nội bộ, hệ thống truyền dẫn...

Hiện tại, Tập đoàn Trí Nam đã triển khai hệ thống giám sát thu phí quy mô toàn quốc tại các công trình nổi bật như: ETC Pháp Vân - Cầu Giẽ, ETC Hà Nội - Hải Phòng, Trạm Băng Dương tại QL14, Trạm Cái Chanh và trạm ĐăkSong tại QL14, BOT Đèo Cả Khánh Hòa tại QL1, Trạm thu phí Bàn Thạch, Trạm Mỹ Lộc, Trạm Tân Đệ,...

Trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến, Trí Nam là đối tác của nhiều trường đại học lớn trên toàn quốc như: Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc Gia, Đại học Vinh, Đại học Y Hà Nội, Đại học Nông nghiệp, Đại học Thăng Long...

Đồng thời, tập đoàn cũng phát triển thành công nhiều hệ thống đào tạo trực tuyến cho Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập Đoàn Viettel, SunGroup, Cục Hàng Không Việt Nam, MB Bank, VIB Bank, PVComBank...

Tập đoàn tư nhân đứng sau dịch vụ xe đạp công cộng trải dài từ Nam ra Bắc 1
Ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam

Ám ảnh với bài toán "lỗi thời" công nghệ

Trong một lần chia sẻ hiếm hoi tại Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, ông Đỗ Bá Dân - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam thừa nhận bản thân từng bị ám ảnh với bài toán "lỗi thời" công nghệ.

Vị doanh nhân sinh năm 1982 xuất thân là một học sinh chuyên Lý, và theo học Đại học Bách Khoa với niềm đam mê công nghệ. Ông Đỗ Bá Dân từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia, cùng nhóm nghiên cứu đoạt giải nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2007.

Sau khi thành lập Tập đoàn Trí Nam (trước đây là Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ Trí Nam), ông Dân lao vào sản xuất các thiết bị phần cứng dựa trên nền tảng công nghệ 3G, nhưng đã sớm trở nên lỗi thời khi công nghệ 4G đã ra tới thị trường.

Rút ra bài học kinh nghiệm, lãnh đạo Trí Nam bỏ hoàn toàn tham vọng làm phần cứng và chấp nhận mất trắng số vốn ban đầu. Thay vào đó, công ty tập trung toàn lực vào vào thế mạnh là thiết kế phần mềm và các giải pháp công nghệ thông tin.

"Bài toán lỗi thời sẽ luôn là quả bom nổ chậm để nhắc nhở chúng tôi phải luôn luôn sáng tạo, luôn luôn đổi mới. Đó là áp lực, nhưng cũng là thách thức đầy ma lực cho dân công nghệ", ông Dân kể lại.

Tới nay, sau hơn một thập kỷ, Trí Nam đạt quy mô 150 nhân sự vào năm 2020, phát triển được trên 100 sản phẩm. Hiện tập đoàn này đang hướng tới các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số như: dịch vụ giáo dục, giao thông, y tế và chính quyền điện tử.

Nói về dịch vụ xe đạp công cộng được Trí Nam triển khai gần đây trên báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Đỗ Bá Dân cho biết, các nước phát triển đã triển khai dịch vụ này từ lâu và duy trì đến giờ cho thấy sự thành công và cần thiết.

"Chúng ta đang gặp khó khăn trong di chuyển nội đô, chặng ngắn khó tiếp cận phương tiện công cộng nên để di chuyển thuận lợi để tiếp cận. Do đó, Trí Nam quyết tâm triển khai ở nước ta", ông Dân chia sẻ.

Theo lãnh đạo tập đoàn này, dịch vụ xe đạp công cộng có thuận lợi là được người dân hưởng ứng tích cực, và phần nào bù đắp được sự thiếu hụt phương tiện trong giao thông, lợi ích môi trường sức khỏe. Còn khó khăn lớn nhất là hạ tầng giao thông tại Việt Nam đang nhiều hạn chế.

Tuy nhiên, những hạn chế hiện tại theo ông Dân có thể dần dần khắc phục bằng yếu tố công nghệ, vốn là thế mạnh của tập đoàn.

"Mong muốn thực sự của chúng tôi là mở rộng mạng lưới, tạo ra mô hình kinh tế chia sẻ, người dân cùng tham gia bằng cách mua xe và hòa vào mạng lưới. Họ không chỉ nhận một khoản thu nhập thụ động mà cùng nhau giám sát, bảo vệ tài sản của mình", ông Đỗ Bá Dân nói về định hướng sau này của Đề án sau thí điểm.