Thách thức về FDI và chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19

Phạm Sơn - 15:57, 30/09/2020

TheLEADERChuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu tạo ra những cơ hội lớn cho công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, những xu hướng mới nổi lên trước và trong đại dịch Covid-19 đã đặt ra yêu cầu cần phải xem xét lại phương án tiếp cận và tận dụng hiệu quả FDI.

Thách thức về FDI và chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bên cạnh việc tạo thuận lợi về thương mại cũng chứa đựng nhiều điều khoản thu hút FDI, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động từ đại dịch Covid-19 cùng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra nhiều biến chuyển về dòng vốn đầu tư quốc tế. Cùng với thành công trong công tác phòng chống sự lây lan của đại dịch, Việt Nam đang vụt sáng trở thành ngôi sao trong thu hút FDI khu vực và thế giới.

Theo các chuyên gia, lợi thế của Việt Nam đến từ nguồn lao động dồi dào, sáng tạo, những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cùng các hiệp định đầu tư song phương với hơn 60 đối tác.

Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bên cạnh việc tạo thuận lợi về thương mại cũng chứa đựng nhiều điều khoản thu hút FDI, tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ rệt.

Tại Diễn đàn thường niên Cải cách và phát triển Việt Nam 2020, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, vấn đề đặt ra với Việt Nam lúc này không phải là làm sao để thu hút thêm nhiều FDI hơn, mà là làm sao để tận dụng hiệu quả dòng vốn này.

Vấn đề đặt ra cho Việt Nam không phải là làm sao để thu hút thêm nhiều FDI, mà là làm sao để tận dụng hiệu quả dòng vốn này.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Đồng quan điểm với bà Turk, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã làm tốt trong suốt thời gian qua nhưng vẫn có thể và cần phải làm tốt hơn.

Điều này xuất phát từ những điểm mạnh như nền kinh tế có độ mở cao, khả năng thu hút vốn tốt nhưng cũng là yêu cầu đặt ra để giải quyết những rủi ro, thách thức đang đặt ra trong thời kỳ mới, với những biến động khó lường và phức tạp.

FDI là nguồn vốn đắt đỏ

TS. Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp thuộc Chương trình phát triển Liệp hợp quốc (UNDP) nhận định, FDI là động lực quan trọng giúp Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác gia nhập vào những công đoạn đem lại giá trị cao của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, khu vực FDI tạo ra nguồn hàng hóa xuất khẩu cũng như mở rộng nhu cầu nhập khẩu làm đầu vào, bên cạnh việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kỹ năng lao động và tăng tỷ lệ đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, TS. Pincus nhận định, FDI là một nguồn vốn khá “đắt đỏ”, khi nước nhận đầu tư cung cấp nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI nhưng lại vấp phải những rủi ro về nạn chuyển giá cũng như những hạn chế trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Điều này làm cho khu vực tư nhân phải chịu áp lực cạnh tranh lớn nhưng lại thiếu cơ hội nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh, không thể tham gia vào các công đoạn cao cấp hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thách thức về FDI và chuỗi giá trị toàn cầu hậu Covid-19 1
Bà Corolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2020. Ảnh: WB.

FDI giảm nhu cầu lao động giá rẻ

Các chuyên gia WB cho biết, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia (MNC) tới thị trường châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng vì mục đích tìm kiếm thị trường tiềm năng và giảm dần nhu cầu về lao động giá rẻ.

Đây là một thách thức lớn đặt ra khi nhân công giá rẻ vẫn luôn được xem là lợi thế quan trọng của Việt Nam nhằm thu hút luồng vốn đầu tư quốc tế.

Thực tế cho thấy, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trong năng suất lao động cao hơn so với những quốc gia tiềm năng thu hút FDI khác như Mexico, Chile và Colombia. Tuy nhiên, TS. Pincus chỉ ra rằng, đóng góp một phần không nhỏ trong mức tăng năng suất lao động đến từ khu vực nông nghiệp.

Điều này đặt ra yêu cầu cho Việt Nam cần phải tích cực đầu tư vào giáo dục để nâng cao tay nghề cho người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng có thể ảnh hưởng tích cực tới năng suất chung của ngành công nghiệp.

Các mối đe dọa khác

Biến đổi khí hậu là một vấn đề an ninh phi truyền thống đe dọa trực tiếp đến nhiều nước đang phát triển. Theo báo cáo của WB, Việt Nam xếp thứ 9 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, bà Carolyn Turk cũng đề cập tới những bất ổn về thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung cùng sự nổi dậy của những xu thế bảo hộ, song phương và khu vực hóa đang tạo thành những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.

Trước những thách thức này, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần tiếp tục giữ vững chính sách hội nhập kinh tế sâu rộng, tích cực nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, đồng thời đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và cải thiện thể chế theo hướng tinh gọn và minh bạch hơn để vượt qua những rủi ro, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng, hoàn thành mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.