Thấu hiểu pháp lý để vượt khó hậu Covid cho doanh nghiệp và người lao động

Tùng Anh - 08:14, 25/07/2020

TheLEADERHội Nghị Luật Lao động Việt Nam do Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức gồm các chủ đề mang tính thời sự, sâu sát với thực tiễn cung cấp cho các lãnh đạo doanh nghiệp, những người làm công tác nhân sự và cả người lao động hành trang vững chắc về pháp lý.

Thấu hiểu pháp lý để vượt khó hậu Covid cho doanh nghiệp và người lao động
Hội Nghị Luật Lao động Việt Nam do VNHR tổ chức ngày 24/7/2020 tại Hà Nội

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến người lao động, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung. 

Theo nhận định của ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc và luật sư điều hành Phuoc & Partners LLP, hiểu luật và áp dụng luật luôn đi đôi với nhau. Để áp dụng pháp luật một cách hữu hiệu cũng như tuân thủ theo đúng quy định pháp luật thì người áp dụng buộc phải thấu hiểu quy định pháp luật một cách trọn vẹn nhất. 

Ông Phước cho rằng, trên tinh thần “Hiểu luật để sống hạnh phúc” đã được Bộ trưởng Bộ tư pháp đề cập vào ngày Pháp luật Việt Nam, nếu đối với Nhà nước là công cụ để quản lý, thì đối với các doanh nghiệp vừa là quyền và vừa là nghĩa vụ. 

Chẳng hạn, trên bối cảnh áp dụng Bộ luật Lao động 2019, từ thời điểm bắt buộc thi hành từ 1/1/2021, các doanh nghiệp ngoài nghĩa vụ về ban hành nội quy lao động thì còn có quyền mở rộng mức trần thời gian làm thêm giờ lên đến 40 giờ/tháng thay vì là 30 giờ như quy định tại Bộ luật Lao động 2012. 

"Để nắm vững các quy định pháp lý, chủ động được biết và thực hiện quyền một cách tốt nhất trong bối cảnh thay đổi pháp luật hiện nay, đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019 sắp đến, các doanh nghiệp cần chủ động phổ cập pháp luật trong phòng nhân sự bằng cách tham gia các diễn đàn, hội thảo về cập nhật quy định mới của pháp luật, nhờ sự tư vấn của luật sư trong lĩnh vực lao động, đăng ký thành viên của các câu lạc bộ về nhân sự để được cập nhật thường xuyên các tin tức liên quan đến quy định một cách chủ động", ông Phước nói. 

Chính vì vậy, Hội nghị Luật Lao động Việt Nam 2020 do Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức đã mang đến cho hơn 150 nhà quản trị và chuyên gia công tác trong lĩnh vực nhân sự những cập nhật và lưu ý quan trọng liên quan đến vấn đề pháp lý trong công tác nhân sự.

Năm 2020 cũng đánh dấu lần đầu tiên Hội nghị Luật Lao động Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, kết nối cộng đồng nhân sự miền Bắc vào ngày 24/7/2020.

Với hình thức tổ chức đổi mới như phiên tòa giả định, tọa đàm, nội dung hội nghị năm nay của VNHR gồm các chủ đề mang tính thời sự, sâu sát với thực tiễn. 

Trong đó bao gồm: phục hồi sau Covid-19 dưới góc độ pháp lý, chấm dứt hợp đồng lao động sai – rủi ro pháp lý và lời khuyên, phong trào #Metoo và ứng dụng tại Việt Nam, các cập nhật Bộ Luật Lao động mới bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020, 2021, và các nội dung khác được thiết kế chuyên biệt. 

Đặc biệt, Hội nghị Luật Lao động Việt Nam 2020 lần đầu tiên tổ chức “phiên tòa giả định”. Đây là một hình thức hoàn toàn mới, đem đến cho doanh nghiệp trải nghiệm thực tế về một trong những tình huống lao động khó tại tòa liên quan đến tình huống đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. 

Từ hình huống giả định rất thực tiễn, luật sư điều phối đã phân tích, đưa lời khuyên cho đại diện doanh nghiệp tại tòa và giới thiệu một số vấn đề trong thủ tục tố tụng dân sự về thu thập chứng cứ, giấy ủy quyền,..

Qua 20 năm xây dựng và kết nối cộng đồng, hiện VNHR có hơn 1.200 hội viên từ 800 doanh nghiệp tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mỗi năm VNHR tổ chức hơn 50 chương trình với đa dạng các hình thức và nội dung trong lĩnh vực nhân sự và quản trị. 

Các chủ đề và hoạt động nổi bật như tuyển dụng, đào tạo, lương và phúc lợi, pháp luật lao động, quản lý tổ chức, xây dựng và quản lý chiến lược; thành lập các nhóm trao đổi, tư vấn, hỏi đáp giữa các hội viên; xuất bản nhiều đầu sách nhân sự được biên soạn kĩ lưỡng từ chia sẻ của các chuyên gia giàu kinh nghiệm các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà quản trị nhân sự cấp cao trong nước và khu vực.