Thế Giới Di Động, FPT Retail thử nghiệm trong lúc chờ 'món chính'

Trần Anh - 16:11, 17/07/2019

TheLEADERNhững tín hiệu tích cực từ mảng kinh doanh mới của Thế Giới Di Động hay hoạt động kết hợp của FPT Retail dường như mang tính giải quyết tình thế trong bối cảnh chờ Bách hóa Xanh, Long Châu thành công.

Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty Thế Giới Di Động (TGDĐ) chính thức mở cửa hàng bán mắt kính thời trang tại TPHCM. Mặt hàng mới sẽ được trưng bày bên trong cửa hàng Thế Giới Di Động bên cạnh những chiếc điện thoại vốn làm nên tên tuổi của chuỗi bán lẻ này.

Từ đầu năm đến nay, doanh thu của Thế Giới Di Động đạt gần 43 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1,8 nghìn tỷ đồng, tăng 39%. Mặc dù vậy, đã từ lâu, nguồn thu lớn nhất của Thế Giới Di Động không còn đến từ mảng bán điện thoại truyền thống.

Hiện tại, chuỗi bán lẻ hàng điện lạnh Điện máy Xanh đóng góp lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của công ty, chiếm 59%. Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên khi các cửa hàng bán lẻ Thế Giới Di Động tốt nhất đang được chuyển dần thành Điện máy Xanh.

Thị trường smartphone bão hòa khiến Công ty phải tìm kiếm những động lực mới để duy trì tăng trưởng. Hơn 1.000 cửa hàng Thế Giới Di Động còn lại cũng phải tìm cách tăng cường doanh thu thông tiến hành thử nghiệm nhiều loại sản phẩm mới như đồng hồ đeo tay và kính mắt.

Theo lãnh đạo Thế Giới Di Động, thị trường mắt kính Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD. Con số này chưa là gi so với quy mô 5 tỷ USD của mặt hàng công nghệ, song đây lại là thị trường nhiều tiềm năng ít được khai phá.

Trước đó, Công ty đã thử nghiệm đưa đồng hồ đeo tay vào 18 cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh và thu được kết quả khả quan. Trung bình mỗi tháng, một cửa hàng bán ra trên 500 đồng hồ, tương ứng với mức doanh thu từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng.

Tín hiệu thành công từ những cuộc thử nghiệm trở thành điểm nhấn trong báo cáo hàng tháng của Thế giới di động, dù đóng góp của các mảng kinh doanh này vẫn còn rất nhỏ bé.

“Bán những gì chưa bán” đi cùng chiến lược “tiếp cận nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận”, Thế Giới Di Động liên tục thử nghiệm bán các sản phẩm mới theo mô hình shop – in – shop, bán đồng hồ, mắt kính tại các cửa hàng Thế Giới Di Động, bán xoong nồi, chén, chảo tại cửa hàng Điện máy Xanh hay đồ gia dụng tại Bách hóa Xanh.

 FPT Shop


Không riêng Thế Giới Di Động, đối thủ lớn nhất của công ty này trên thị trường bán lẻ công nghệ, FPT Retail cũng phải gấp rút chuyển mình. Là chuỗi bán lẻ thuần công nghệ, FPT Retail chịu ảnh hưởng rất lớn khi thị trường smartphone bão hòa.

Công ty đã đưa ra một số biện pháp để thúc đẩy doanh số điện thoại như trả góp Subsidy hay mua hàng ưu đãi F.Friends. Tuy nhiên, việc đóng góp từ 2 chương trình này có dấu hiệu chững lại cho thấy tối đa hóa nguồn thu trên chỉ là biện pháp giải quyết vấn đề trong ngắn hạn. Trong dài hạn, FPT Retail vẫn phải tìm đến những thị trường bán lẻ phi công nghệ giàu tiềm năng hơn.

FPT Retail cũng đã đi tìm mảng mới cho riêng mình là mảng bán lẻ dược phẩm. Sau khi mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu, công ty tiến hành hoạt động tái cơ cấu và thử nghiệm mô hình để có thể nhân rộng số lượng lớn.

Ngoài kế hoạch với Long Châu, FPT Retail cũng thử sức với một số lĩnh vực mới.

Công ty đẩy mạnh mảng bán hàng online khi hợp tác với Nguyễn Kim và Fado. Các sản phẩm điện máy của Nguyễn Kim sẽ được bày bán trên website của FPT Shop. Website cũng có 1 khu vực riêng dành cho hàng hóa mua online từ Amazon, trong hợp tác với Fado – một đơn vị kinh doanh hàng xuyên biên giới.

"Trong quá trình thử nghiệm, lĩnh vực nào có quy mô đủ lớn thì FPT Retail sẽ đầu tư một cách nghiêm túc. Ví dụ như trường hợp bán hàng cho Nguyễn Kim, FPT Retail có sẵn dữ liệu khách hàng, hạ tầng, hệ thống phân phối… lúc này ngành hàng điện máy giống như một ngành thêm của Công ty", bà Nguyễn Bạch Điệp, CEO của công ty nói.

Công ty vẫn nói không với mô hình shop – in – shop. Thử nghiệm bán sữa Vinamilk trong các cửa hàng FPT Shop năm 2016 cho thấy, không phải sản phẩm nào kết hợp với nhau cũng mang lại thành công. Điện thoại và sữa là một ví dụ như vậy.

 FPT Shop 1

Vẫn chỉ là món phụ trong lúc chờ “món chính”

Tuy cả Thế Giới Di Động lẫn FPT Shop đều tuyên bố hoạt động thử nghiệm nếu mang lại kết quả tích cực sẽ nghiêm túc đầu tư, song thực tế việc triển khai một mảng kinh doanh chủ lực hoàn toàn mới không đơn giản.

Năm ngoái, Thế Giới Di Động đã phải từ bỏ việc phát triển mảng bán lẻ thuốc để chọn tập trung nguồn lực vào Bách hóa Xanh. Năm nay, công ty cũng tuyên bố đóng cửa trang TMĐT Vuivui khi chưa để lại nhiều dấu ấn.

Những tín hiệu tích cực từ mảng kinh doanh mới của Thế Giới Di Động hay hoạt động kết hợp của FPT Retail dường như mang tính giải quyết tình thế trong bối cảnh chờ 'món chính' được đưa lên.

Với FPT Retail, cả thị trường điện máy lẫn bán hàng xuyên biên giới đều đang cạnh tranh rất khốc liệt, ngay cả khi FPT Retail có thể chuyển đổi lượng khách tăng thêm sang doanh thu của chính mình, đóng góp từ các hợp tác trên vào kết quả kinh doanh là không quá triển vọng.

Các công ty chứng khoán nhận định, tiềm năng lớn nhất của FPT Retail không còn đến từ chuỗi FPT Shop, mà đến từ chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Bà Điệp cho biết, về cơ bản đã xây dựng xong công thức bán lẻ thuốc của riêng mình. Dự kiến vài năm tới chuỗi bán lẻ dược phẩm sẽ đóng vai trò dẫn dắt chính cho tăng trưởng của FPT Retail.

Trong quý 1/2019, Chuỗi nhà thuốc Long Châu có thêm 6 cửa hàng mới, nâng tổng số cửa hàng lên 28. Doanh thu cả hệ thống đạt 53 tỷ đồng. Chuỗi này cũng đang mở rộng ra tỉnh, với 2 cửa hàng tại Đồng Nai và 1 cửa hàng tại Tiền Giang.

Chiến lược cạnh tranh số lượng chủng loại và giá thuốc là chủ đạo của Long Châu, nhất là tại thị trường tỉnh. Theo đó, Long Châu không áp dụng chính sách giá thống nhất trên toàn hệ thống mà sẽ bán với giá rẻ hơn tại các tỉnh thành nơi người dân có thu nhập trung bình thấp.

Tiên phong vào lĩnh vực giàu tiềm năng trị giá 4,5 tỷ USD, Long Châu cũng phải chuẩn bị đối mặt với áp lực cạnh tranh. Pharmacity, chuỗi bán lẻ thuốc đang mở rộng rất nhanh tại Việt Nam vừa khai trương cửa hàng thứ 200 sau 8 năm hoạt động.

Tương tự với trường hợp Thế Giới Di Động, đồng hồ và mắt kính có thể cho thấy tín hiệu khả quan, giúp cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng của hệ thống, song thành công của Bách hóa Xanh mới là yếu tố then chốt quyết định tương lai của doanh nghiệp này.

5 tháng đầu năm nay, Bách hóa Xanh đã tăng từ 405 cửa hàng lên 545 cửa hàng, tương đương với bình quân mỗi ngày mở gần 1 cửa hàng. Lựa chọn thị trường Nam Bộ và miền Tây, mục tiêu chính của Bách Hóa Xanh không phải là các chuỗi minimart đối thủ, mà là chiếm lấy miếng bánh từ chợ và tiệm tạp hóa. Những giải pháp mà Bách Hóa Xanh đang tiến hành là cần thiết để tạo lợi thế trong cuộc đấu này, để trở thành “ chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn”.

Dù đã bắt đầu thu về được những kết quả khả quan, song đóng góp doanh thu của Bách hóa Xanh vào toàn hệ thống vẫn của Thế Giới Di Động vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 7% tổng doanh thu. Mô hình minimart mà Bách hóa Xanh theo đuổi cũng cạnh tranh rất khốc liệt khi có sự xuất hiện của hàng loạt những đại gia lớn trong ngành như Satrafood, CoopFood hay Vinmart+.

Chứng khoán Rồng Việt ước tính, trong kịch bản khả quan nhất, đến năm 2022, Bách hóa Xanh sẽ có 1.500 cửa hàng tại TP HCM và 3.000 cửa hàng tại các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Biên Hòa. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 1,5 tỷ đồng/tháng, qua đó mới bắt đầu bùng nổ và đóng góp tỷ trọng đáng kể vào cơ cấu doanh thu của Thế Giới Di Động.