Thêm chế tài với nhà đầu tư không làm đúng cam kết

An Chi - 08:58, 27/05/2020

TheLEADERNhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án Luật Đầu tư sửa đổi cần bổ sung chế tài với nhà đầu tư không thực hiện cam kết.

Thêm chế tài với nhà đầu tư không làm đúng cam kết
Việt Nam đang thu hút nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài

Chiều ngày 26/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Theo đó, về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào 3 lĩnh vực ưu đãi: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi về tài chính, đất đai.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đánh giá, thực tế thời gian qua, các ưu đãi đã bộc lộ nhiều bất cập như các văn bản pháp luật còn chồng chéo nên gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. 

Bên cạnh đó, việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách về thuế phức tạp, dễ tạo cho các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm thuế, gây mất công bằng trong việc huy động thuế giữa các đối tượng phải nộp. 

Ngoài ra, chính sách ưu đãi không ổn định nên doanh nghiệp không tính trước được hiệu quả kinh doanh trong trung và dài hạn cũng là nguyên nhân hạn chế việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, thúc đẩy nền phát triển nền kinh tế.

Với bất cập trên, bà Tuyết cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung quy định rõ về nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định mà phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô, sự ổn định và minh bạch, cụ thể hóa các luật, tránh sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, mức đầu tư giữa các vùng miền không nên có sự cào bằng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án mới ở các địa phương nhưng phải có sự kiểm soát chắt chẽ.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, bên cạnh những quy định, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư thì dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần đề cập tới việc nghiên cứu, bổ sung chế tài với nhà đầu tư không thực hiện cam kết thì phải thực hiện thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng. 

Mặt khác, cần tiếp tục rà soát về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để việc thực hiện đúng đối tượng một cách hiệu quả. 

Về danh mục ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, chứ không nên để Chính phủ có thể sửa đổi những danh mục này.

Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Cũng tại phiên thảo luận, góp ý kiến về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh đề cập đến dịch vụ đòi nợ trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bởi trong thời gian qua, hoạt động này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo ông Tiến, do quy định của Luật Đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh đầu tư có điều kiện đang hoạt động. Đến nay, nếu như dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) xóa bỏ danh mục trên sẽ tác động không nhỏ tới loại doanh nghiệp này. 

Do đó, ông Tiến đề nghị trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần phải có sự đánh giá tác động của việc xử lý loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ; nghiên cứu chính sách bù đắp, hỗ trợ cho loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi chấm dứt hoạt động.

Còn theo đại biểu Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên-Huế), nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì bên vay và bên cho vay là quan hệ dân sự đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, thiết chế để đảm bảo thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên theo nguyên tắc của Nhà nước và pháp quyền. Các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật. 

Trong trường hợp về nợ không thể hòa giải, thương lượng, các bên có quyền khởi kiện, nhờ người có chuyên môn pháp luật thông qua khởi kiện để buộc trả nợ và thông qua cơ quan thi hành án để thực thi việc trả nợ.

Theo ông Hiệp, thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng việc thu hồi nợ để biến tướng thành các băng nhóm xã hội đen, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn đến nhiều hậu quả xấu, thậm chí đe dọa đến tính mạng con người và thúc đẩy nhiều loại hình tội phạm. Vì vậy việc Quốc hội cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoàn toàn hợp lý.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, Luật Đầu tư sửa đổi cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen. Điều này gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.