Thêm hấp lực cho du lịch Quảng Ninh

Tiêu Hạ - 10:49, 14/12/2023

TheLEADERBên cạnh việc tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch, dịch vụ, Quảng Ninh cũng có thêm những tài nguyên để thúc đẩy du lịch trong thời gian tới.

Thêm hấp lực cho du lịch Quảng Ninh
Không gian văn hóa Nhật Bản tại Sunworld Hạ Long

Công nhận thêm 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới

Theo quyết định mới được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ban hành, Quảng Ninh có thêm hai nghệ thuật trình diễn dân gian và ba lễ hội truyền thống vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới ở Quảng Ninh được công nhận gồm: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soọng Cô của người Sán Dìu, lễ hội đình Đầm Hà (huyện Đầm Hà), lễ hội đình Vạn Ninh (TP. Móng Cái) và lễ hội xuống đồng (TX. Quảng Yên).

Trước đó, Quảng Ninh đã có bảy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; hát Nhà tơ (hát cửa đình); lễ hội đền Cửa Ông; lễ hội Tiên Công; lễ hội đình Trà Cổ; lễ hội đình Quan Lạn và lễ hội Bạch Đằng.

Thống kê của Cục Du lịch quốc gia cho thấy, Quảng Ninh hiện có 632 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh và hơn 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê.

Tính đến hiện tại, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và 12 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trong đó, riêng thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Thêm 4 vùng vui vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long đủ điều kiện

Bốn vùng hoạt động vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long vừa được xác nhận đủ tiêu chuẩn gồm: Khu vực Hang Luồn, khu vực làng chài Cửa Vạn, khu vực Hồ Động Tiên - Hang Trinh Nữ, khu vực Cống Đỏ. 

Bốn khu vực khác lâu nay vẫn đón khách với các hoạt động chèo thuyền nan, kayak, gồm: Vung Viêng, Ba Hang, Cống Ngang, Tùng Sâu không có trong danh sách công bố các vùng được phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long do thiếu một số điều kiện.

Việc công bố các vùng hoạt động vui chơi giải trí trên vịnh Hạ Long là căn cứ vào một loạt các quy định, trong đó có Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 5/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Khởi động công năng xuất nhập cảnh hành khách qua qua cầu Bắc Luân II

Ngày 29/11, TP. Móng Cái (Việt Nam) và TP. Đông Hưng (Trung Quốc) chính thức công bố khởi động công năng xuất nhập cảnh hành khách, triển khai làm thủ tục xuất nhập cảnh cho khách du lịch và khách bằng hộ chiếu qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II) thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc).

Đây là sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của hai địa phương và hai nước, giảm tải lượng khách thông qua cầu Bắc Luân I, tạo môi trường thông thoáng cho khu vực xuất nhập cảnh, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hai bên cũng đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai dịch vụ du lịch bằng xe tự lái qua cầu Bắc Luân II, cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Năm 2023, lượng hành khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) dự kiến khoảng trên 3,5 triệu lượt khách. Việc khởi động công năng xuất nhập cảnh hành khách qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (khu vực cầu Bắc Luân II) là điều kiện thuận lợi cho hai địa phương của hai nước có lối thông quan riêng nhanh chóng thuận tiện. 

Bùng nổ trở lại của du khách Trung Quốc

Cuối tháng 11 vừa qua, siêu du thuyền Zhao Shang Yi Dun chở gần 1.000 khách Trung Quốc đã cập cảng quốc tế Hạ Long. Đây là chuyến tàu đầu tiên đưa khách ở thị trường Trung Quốc tới TP. Hạ Long trong mùa tàu biển 2023.

Theo lịch đăng ký dự kiến đến hết năm 2023 sẽ có 5 chuyến tàu Zhao Shang Yi Dun đưa hơn 4.000 khách từ Trung Quốc tới thăm vịnh Hạ Long. Nếu tính tới hết mùa tàu biển năm nay (tới tháng 3/2024), siêu du thuyền này sẽ quay trở lại Hạ Long 14 lần, ước tính đưa hơn 12.000 lượt khách tới tỉnh Quảng Ninh.

Chuyến tàu khách đầu tiên từ Trung Quốc trở lại TP. Hạ Long có ý nghĩa rất lớn đối với du lịch tỉnh Quảng Ninh. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường khách du lịch Trung Quốc sau dịch Covid-19 và sau các hạn chế trong chính sách xuất nhập cảnh thời gian trước.

Tín hiệu mới từ thị trường khách Ấn Độ và Hồi giáo 

Quảng Ninh từ lâu đã chuẩn bị và thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch nhằm đón dòng khách đặc biệt này. 

Ngày 22/8 vừa qua đoàn 32 khách du lịch Ấn Độ và Hồi giáo đã đến tỉnh Quảng Ninh, có 2 ngày ở TP. Hạ Long. 

Quảng Ninh xác định Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng cần xúc tiến, đẩy mạnh hợp tác. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành của Ấn Độ với các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, đồng thời tổ chức, tham gia các sự kiện kích cầu, hội thảo giới thiệu điểm đến Quảng Ninh bằng nhiều hình thức như trực tiếp và trực tuyến; quảng bá cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đa dạng của dòng khách Hồi giáo.

Số hóa các di sản

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam vừa thực hiện quay phim, chụp ảnh, số hóa 3D không gian văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, các bảo vật quốc gia tại tỉnh Quảng Ninh.

Trong đó, tại Quảng Ninh, đề án này tập trung vào di tích và danh thắng Yên Tử và không gian khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại TX. Đông Triều. 

Việc số hóa 3D các không gian văn hóa, di tích và hiện vật giúp du khách trước khi đến có thể tìm hiểu các không gian văn hóa, hiện vật trên môi trường thực tế ảo. 

Thậm chí, việc số hóa sẽ tạo cơ hội cho du khách chiêm ngưỡng nhiều thông tin, hình ảnh chi tiết, sắc nét những hiện vật này mà không cần đến bảo tàng, di tích.