Thêm nhà đầu tư săn đón điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận

Nguyễn Cảnh - 09:52, 06/02/2022

TheLEADERĐầu năm 2022, tỉnh Bình Thuận đón nhận quan tâm, đề xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực điện gió ngoài khơi trên địa bàn.

Thêm nhà đầu tư săn đón điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận
Điện gió ngoài khơi hứa hẹn sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, sau khi lần lượt T&T group, Orsted... cụ thể hóa chiến lược phát triển

Theo đó, tháng 1/2022, ngay trước Tết Nguyên đán, lần lượt liên danh Công ty UPC Vietnam (Singapore) – Công ty CP Tập đoàn IPC và Công ty TNHH Việt Thắng đề xuất với tỉnh Bình Thuận cho phép nghiên cứu, khảo sát vùng biển ngoài khơi tỉnh Bình Thuận để phát triển điện gió.

Nội dung này, sau khi được Sở Công thương báo cáo, UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ: Việc cho phép nghiên cứu, khảo sát để thu thập thông tin, số liệu lập hồ sơ đề xuất quy hoạch và đầu tư dự án điện gió ngoài khơi thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và các Bộ, ngành Trung ương.

‘Đây chưa phải là giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu đơn vị này khảo sát xong thì đơn vị khác vẫn tiếp tục được khảo sát, còn việc chấp thuận đầu tư sẽ thực hiện theo đúng quy định hiện hành.’, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh xác định.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, việc UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng, Bộ, ngành Trung ương xem xét cho phép khảo sát, nghiên cứu để chuẩn bị các thông tin, số liệu lập hồ sơ dự án là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với thông tin, số liệu, để nghiên cứu tính khả thi và lập hồ sơ đề xuất bổ sung quy hoạch và đầu tư dự án.

Do vậy, UBND tỉnh giao Sở Công thương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải quyết (như trường hợp của Liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T và Tập đoàn Ørsted trước đây) cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi nghiên cứu dự án đầu tư trên địa bàn.

Hiện tại, chưa ghi nhận diễn biến mới từ các sở ngành, địa phương đối với đề xuất của các nhà đầu tư nêu trên.

Được biết, T&T Group và Tập đoàn UPC đã ký biên bản ghi nhớ cùng nhau hợp tác đầu tư các dự án điện gió (trên bờ, gần bờ), điện mặt trời tại các tỉnh Ninh Thuận, Đăk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.

UPC được biết đến là nhà phát triển, sở hữu, vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới, với hơn 20 năm kinh nghiệm trên toàn cầu trong việc tiên phong xây dựng các dự án năng lượng gió, mặt trời. UPC đã đầu tư, đưa vào vận hành các dự án điện gió, mặt trời có tổng công suất lắp đặt hơn 3.500 MW với giá trị đầu tư trên 5 tỷ USD và đang có kế hoạch phát triển lên đến hơn 5.000 MW.

Sau gần 10 năm tham gia thị trường năng lượng tái tạo, Tập đoàn IPC với đại diện là IPC E&C (“IPC”), đã đảm nhiệm vai trò là tổng thầu EPC của hàng trăm dự án năng lượng: từ các dự án điện mặt trời trên mái nhà có công suất vài MW đến các nhà máy điện mặt trời, điện gió công suất lớn tại Ninh Thuận, Gia Lai, Sóc Trăng…Đến nay, IPC đã trở thành Tổng thầu EPC hàng đầu tại Việt Nam với tổng số 1GW công suất điện: 650MW điện mặt trời trang trại, 50MW điện mặt trời áp mái, 650MW trang trại điện gió, trạm biến áp đến 220KV.

Như TheLEADER đã thông tin, tại khu vực ngoài khơi tỉnh Bình Thuận mới đây chứng kiến ‘cuộc chiến’ giữa Ørsted, HLP và Xuân Thiện khi 3 dự án điện gió ngoài khơi trị giá hơn 32 tỷ USD chồng lấn một phần diện tích lên tới hơn 40.000ha.

Trước đó, dự án điện gió ngoài khơi Thang Long Wind với công suất 3.400MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD, có vị trí cách mũi Kê Gà từ 20 – 50km, do Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) đề xuất triển khai là dự án duy nhất được Thủ tướng cho phép nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát (vào tháng 1/2019).

Riêng tập đoàn Ørsted đang dần cụ thể hóa kế hoạch đầu tư, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khi bắt tay Tập đoàn T&T cam kết trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Tập đoàn đến từ Đan Mạch hồi cuối năm 2021 cũng thể hiện rõ mong muốn đầu tư khi đề xuất nghiên cứu khảo sát dự án điện gió ngoài khơi tại Hải Phòng công suất 3.900MW, với tổng mức đầu tư từ 11,9 - 13,6 tỷ USD.

Để cụ thể mục tiêu này, Ørsted cùng T&T Group và các đơn vị cung ứng hàng đầu thế giới đã và đang xây dựng kế hoạch dài hạn hình thành chuỗi cung ứng cạnh tranh, đáp ứng không chỉ thị trường trong nước mà còn có thể đáp ứng nhu cầu thị trường khu vực Châu Á và trên thế giới.