Thị trường fintech Việt Nam hấp dẫn công ty ngoại

Việt Hưng - 15:54, 07/07/2020

TheLEADERVới việc mở rộng sang Việt Nam, Zeta trở thành một trong những công ty fintech Ấn Độ đầu tiên ra mắt hoạt động kinh doanh tại khu vực ASEAN.

Công ty khởi nghiệp fintech Zeta có trụ sở tại Bangalore (Ấn Độ) mới đây đã tuyên bố mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á. Startup này ra mắt nền tảng dịch vụ công nghệ tại Philippines và Việt Nam với Sodexo là khách hàng đầu tiên tại hai quốc gia này.

Nền tảng Zeta sẽ cung cấp các chương trình phúc lợi và phần thưởng cho nhân viên của Sodexo, cho phép đưa ra các giải pháp kỹ thuật số tùy biến cho các doanh nghiệp và nhân viên của mình tại hai quốc gia này.

Ông Bhavin Turakhia, đồng sáng lập và CEO Zeta cho hay: "Đây là một cột mốc lớn của công ty và chúng tôi cảm thấy vô cùng phấn khích. Sau khi xây dựng nền tảng này ở Ấn Độ, chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn để mở rộng sang các thị trường nước ngoài. Nhờ mối quan hệ chặt chẽ với Sodexo, Zeta rất vui khi tiếp tục cung cấp dịch vụ cho Sodexo ở các quốc gia khác. Việt Nam và Philippines là những thị trường Sodexo đầu tiên được phát hành trực tuyến trên nền tảng Zeta".

Với sự mở rộng này, Zeta đã trở thành một trong những công ty fintech Ấn Độ đầu tiên ra mắt hoạt động kinh doanh tại khu vực ASEAN.

Thị trường fintech Việt Nam hấp dẫn tay chơi ngoại
Zeta ra mắt nền tảng fintech tại Việt Nam với Sodexo là khách hàng đầu tiên

Thành lập vào năm 2015 bởi Bhavin Turakhia và Ramki Gaddipati, Zeta cung cấp hệ thống công nghệ phần mềm lõi ngân hàng đầy đủ tính năng với công nghệ điện toán đám mây và Giao diện lập trình ứng dụng (API) cho các ngân hàng truyền thống để phát hành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và trả trước; đồng thời cung cấp công cụ thanh toán cho các tổ chức fintech và các doanh nghiệp khác để phát triển các sản phẩm fintech bán lẻ.

Startup hiện đang phục vụ khoảng 15.000 khách hàng và 2 triệu người dùng trên nền tảng của mình. Gần đây, Zeta đã thâm nhập vào lĩnh vực ngân hàng và tung ra ba sản phẩm mới có tên là Tachyon, Fusion và Crypt.

Tại Ấn Độ, Zeta nắm giữ cổ phần tối thiểu trong công ty liên doanh với Sodexo BRS Ấn Độ nhằm bán các giải pháp đa chức năng cho các doanh nghiệp.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm qua, số lượng công ty fintech đã tăng gần 4 lần. Hiện cả nước có hơn công ty 150 fintech, trong khi 3 năm trước, con số này mới dừng lại ở 40. Trước đó, thị trường fintech Việt Nam đạt 4,4 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2017 và được dự kiến sẽ đạt đến 7,8 tỷ USD vào năm 2020.

Trong đó, 2 lĩnh vực lớn mạnh nhất là Ví điện tửCho vay ngang hàng với số lượng thành viên lần lượt là 28 (được cấp phép, trừ NAPAS) và hơn 70 (không chính thức).

Trong 9 tháng đầu năm 2019, các công ty công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam nhận về 410 triệu USD vốn đầu tư. Số vốn này tương đương 36% tổng lượng đầu tư vào thị trường Đông Nam Á, theo thống kê của Crowdfundinsider.

Điều này đã phần nào phản ánh được tiềm năng của lĩnh vực fintech, cũng như giải thích cho nguyên nhân hàng loạt fintech trong và ngoài nước thời gian qua đổ bộ vào thị trường Việt Nam.