Thiếu cơ chế thúc đẩy ngân hàng xanh

Hoàng Đông - 08:19, 10/09/2023

TheLEADERCó nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích nhưng cơ chế tài chính xanh vẫn chưa thực sự được phát triển do các vướng mắc chưa được giải quyết.

Vốn là một trong những yếu tố mang tính thiết yếu được đặt ra cho công cuộc chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Bởi lẽ, chuyển đổi xanh đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cũng như Nhà nước phải đầu tư đổi mới về công nghệ, quy trình sản xuất, quản lý theo hướng tối ưu hóa hiệu quả và giảm thiểu phát thải.

Ngân hàng xanh là giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn vốn cho chuyển đổi xanh. Theo ông Phạm Minh Tú, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, ngân hàng xanh sẽ giúp định hướng dòng vốn, tín dụng vào những lĩnh vực, khía cạnh giúp xanh hóa nền kinh tế.

Mặt khác, ngân hàng xanh cũng đặt ra yêu cầu các ngân hàng thương mại phải đảm bảo tính “xanh” trong toàn bộ hệ thống, từ đó tạo ra tác động lan tỏa.

Nhận thức được vấn đề này, từ cách đây hơn 10 năm, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát với những chủ trương của Chính phủ, thông qua việc chủ động cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ bằng những kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước, xây dựng đề án về ngân hàng xanh, tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn, đoàn công tác giúp nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho các tổ chức tín dụng…

Tuy nhiên, những chính sách đó là chưa đủ. Trao đổi tại Hội thảo Tín dụng xanh - Việt Nam không thể chậm chân với "net zero", ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Ban tài trợ dự án của BIDV, cho biết, đến nay vẫn chưa có tiêu chí cụ thể và hướng dẫn về việc phân loại, xác định xem các dự án như thế nào được coi là "xanh".

Điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá cũng như giám sát việc sử dụng tín dụng xanh của các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt khi tăng trưởng xanh đang trở thành xu thế và ngày càng có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tự nhận rằng "xanh" nhưng chưa chứng minh hiệu quả của các hoạt động, dự án đối với môi trường.

Một vướng mắc khác được đại diện BIDV nêu ra là phần lớn nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng là vốn ngắn hạn. Trong khi đó, các dự án xanh như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, trồng rừng… lại có thời gian hoàn vốn dài và có rủi ro rất cao.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự thẩm định tín dụng vẫn còn hạn chế kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững cũng là một trong những khó khăn khiến hoạt động ngân hàng xanh chưa thực sự phát triển.

Đánh giá cao những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành liên quan, tuy nhiên, ông Hưng nhận xét, những chính sách mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích chung, chưa tạo ra nhiều cơ chế thực sự mang tính hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng xanh.

Từ đó, ông Hưng đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành, cơ quan liên quan sớm hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh, tín dụng xanh theo chuẩn quốc tế, đặc biệt hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong đó, chính sách cần thiết nhất trước mắt là tiêu chí để phân loại dự án xanh và chính sách hỗ trợ ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các hoạt động phát triển bền vững.

Đại diện BIDV đề nghị, cần đưa hiệu quả thực hiện tín dụng xanh vào một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng thực hiện tốt việc triển khai tín dụng xanh nên nhận được chính sách hỗ trợ, ưu tiên từ phía Nhà nước, từ đó tạo ra động lực để các ngân hàng, tổ chức tín dụng triển khai tài chính xanh một cách đồng đều và thiết thực.