Thiếu sót về nhận thức và thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Phạm Sơn - 15:30, 27/04/2021

TheLEADERDoanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có những nhận thức và hành động bước đầu về kinh doanh có trách nhiệm.

Bà Sitara Syed, Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận xét, trong bối cảnh Covid-19, những thách thức đặt ra cho kinh doanh, kinh tế cũng là cơ hội tốt hơn để thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hướng tới tăng trưởng kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng tới môi trường.

Trong bối cảnh đó, thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) được đặt ra như một yếu tố sống còn, giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu dài hạn thay cho lợi ích trước mắt.

Thực tế, những năm gần đây, yếu tố trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang dần trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều chính sách, hành lang pháp lý cũng đã được ban hành để hướng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế, môi trường và xã hội, ví dụ như Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Lao động, chiến lược tăng trưởng xanh…

Đặc biệt, các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng hướng sự quan tâm sang cả các vấn đề về lao động và môi trường, tạo sức ép khiến doanh nghiệp bắt buộc phải nhìn nhận lại quy trình hoạt động nếu muốn “đi ra biển lớn”.

Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển nhận xét, các dooanh nghiệp thành công là doanh nghiệp đưa quyền con người, trách nhiệm với xã hội, môi trường là một phần trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Khoảng cách từ chính sách đến thực thi

Đánh giá về tình hình kinh thực hành RBP của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, bà Ann cho biết, hành lang pháp lý và chính sách của Việt Nam tương đối cụ thể và rõ ràng. Các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới của Việt Nam cũng bao hàm nhiều giá trị hướng tới sự bền vững.

Tuy nhiên, thực tế mức độ thực thi cũng như nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn chưa cao do thiếu cơ chế về thực thi và giám sát.

Cụ thể, theo UNDP, RBP cần được hiểu rộng là sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đánh giá tác động tới môi trường, xã hội, từ đó có biện pháp, giải pháp thích hợp. Như vậy RBP bao gồm cả việc đáp ứng nhiều hơn so với quy định của pháp luật quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.

Thiếu sót về nhận thức và thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Doanh nghiệp chưa đưa thực hành kinh doanh có trách nhiệm vào hành động thực tế. Ảnh: UNDP.

Tuy nhiên, theo khảo sát có đến 6,8% doanh nghiệp coi RBP là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và 35,7% coi RBP đơn thuần chỉ là tuân thủ các quy định của pháp luật.

Từ những thiếu sót trong nhận thức, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp cũng chủ yếu dừng lại ở việc tuân thủ các quy định của pháp luật, với tỷ lệ 62% doanh nghiệp được khảo sát. Chỉ có 11% doanh nghiệp mở rộng áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế.

Mặt khác, việc thực hành RBP cũng chủ yếu thể hiện trong chiến lược, chính sách, cụ thể là đưa vào các tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi hoặc cao hơn là hệ thống theo dõi, giám sát, xây dựng chỉ số đánh giá. Trong khi đó, mới chỉ 11% doanh nghiệp đưa vào các biện pháp thực tế.

Tỷ lệ nhận thức và thực thi RBP giữa các nhóm doanh nghiệp cũng thể hiện sự khác biệt. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp nhà nước có mức độ nhận thức đầy đủ nhất, còn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài không có sự chênh lệch lớn.

Nhận thức và thực thi RBP về doanh nghiệp chưa cao, tuy nhiên ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng nhóm nghiên cứu nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đầu chủ động ban đầu, đặc biệt là trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn mang tính quốc tế.

Theo đó, đã có 4% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã thực hiện các tiêu chuẩn thuộc Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người (UNGPs) và 11% doanh nghiệp lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) vào hoạt động.

Theo nhóm nghiên cứu, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế do chưa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, trong tương lai, dưới những lợi thế từ tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp này hoàn toàn có cơ hội tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tạo ra động lực để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Cần có một chương trình hành động quốc gia?

Khảo sát chỉ ra, doanh nghiệp thực thi RBP không gặp khó khăn do thiếu chuyên môn, kinh nghiệm, kiến thức hay hạn chế nguồn nhân lực, mà thường bị cản trở do vấn đề tài chính cũng như các khó khăn gặp phải từ đại dịch Covid-19.

Mặt khác, giống với nhận định ban đầu của các chuyên gia UNDP, việc thiếu cơ chế, chế tài thực thi của pháp luật cũng là rào cản đặt ra cho các doanh nghiệp.

Để thực thi tốt RBP trong tương lai, cộng đồng doanh nghiệp cho biết rất cần có sự chung tay của Chính phủ, các tổ chức xã hội cũng như người lao động và người tiêu dùng. Đặc biệt, kỳ vọng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất là có một chương trình hành động quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm.

Thực tế, kế hoạch quốc gia về kinh doanh có trách nhiệm đang dần trở nên phổ biến trên khắp thế giới. Tại khu vực ASEAN, Thái Lan đã ban hành kế hoạch hành động này, trong khi Indonesia và Malaysia đang trong quá trình xây dựng và tham vấn rộng rãi.

Bà Ann Mawe nhận xét, kế hoạch hành động quốc gia sẽ tạo ra một thông điệp mạnh mẽ từ Chính phủ tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo ra sức ép khiến doanh nghiệp thực hiện RBP một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Điều này sẽ là cơ sở để xây dựng những nền tảng tốt, phục vụ hữu ích cho công cuộc phát triển bao trùm và bền vững.