Công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Phạm Sơn - 15:06, 02/11/2021

TheLEADERCác quốc gia đang và kém phát triển lại thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn đối với mục tiêu cắt giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, ngược lại với những "cam kết hời hợt" của các nước giàu.

Công bằng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
ASEAN cần 367 tỷ USD trong 5 năm tới để thực hiện các mục tiêu năng lượng.

Vài ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) tổ chức ở Glasgow, một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) được công bố, cho thấy sự đối lập trong chính sách khí hậu ở các quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, nghiên cứu này chỉ ra, các quốc gia đang phát triển, kém phát triển và quốc đảo, tức là những đối tượng dễ chịu tổn thương nhất từ biến đổi khí hậu, đang đẩy mạnh nỗ lực thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải. Trong khi đó, những quốc gia lớn, có lượng phát thải khổng lồ lại phản ứng chậm chạp hơn một cách rõ rệt.

Theo UNDP, 93% các nước kém phát triển và các quốc đảo đang phát triển đã đệ trình kế hoạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và có những kế hoạch rõ ràng về khí hậu.

Ngược lại, một số quốc gia trong khối các nền kinh tế lớn (G20) lại đệ trình các bản NDC rất muộn, bỏ lỡ thời hạn quan trọng là ngày 12/10 vừa qua, là mốc thời gian để các NDC được đưa vào phân tích, chuẩn bị cho những cuộc đàm phán chính thức tại COP26.

Bên cạnh đó, trong NDC của G20 (18/20 thành viên đã nộp tính đến 28/10), các cam kết được đưa ra chủ yếu dựa trên mục tiêu dài hạn, thiếu tham vọng ngắn hạn để ngăn chặn sự gia tăng đến mức báo động của khí thải nhà kính. Điều này không hề tương xứng với tiềm lực kinh tế cũng như quy mô phát thải của G20.

Theo UNDP, các quốc gia G20 chịu trách nhiệm cho khoảng hơn 75% lượng khí nhà kính trên toàn cầu, còn 78 quốc gia đang và kém phát triển có ý định nâng cao mục tiêu giảm phát thải chỉ chịu trách nhiệm cho 7% lượng khí thải nhà kính.

Trước thời điểm UNDP công bố bản báo cáo, các quốc gia ASEAN cũng đã có lời kêu gọi nhóm nước phát triển cần tăng cường đóng góp tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo tuyên bố chung của ASEAN, các nước giàu nên thiết lập một mức sàn là 100 tỷ USD mỗi năm, dành riêng cho viện trợ khí hậu cho các nước đang phát triển.

Các quốc gia ASEAN đều đã đệ trình ít nhất một NDC và một số thành viên, bao gồm Việt Nam đã có những sửa đổi, cập nhật theo hướng tham vọng hơn trước khi tổ chức COP26. Tuy nhiên, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được đánh giá là sẽ rất khó khăn đối với các thành viên đang phát triển của ASEAN, đặc biệt trong lộ trình cắt giảm nhiệt điện than.

Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cho biết, ASEAN sẽ cần ít nhất 367 tỷ USD trong 5 năm tới để thực hiện các kế hoạch về năng lượng.

Thực tế, viện trợ khí hậu cho các quốc gia đang và kém phát triển là trọng tâm trong kế hoạch khí hậu của nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Ngày 1/11, tại Hội nghị COP26, phát biểu trước các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định những cam kết và nỗ lực của Việt Nam, với vai trò là một nước đang phát triển.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đưa ra lời kêu gọi “cần có sự công bằng và công lý về biến đổi khí hậu”. Theo Thủ tướng, điều này là tất yếu để thế giới thực hiện được mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.

“Các nước phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ để đạt được sự thịnh vượng kinh tế ngày nay cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có, đồng thời khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025”, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ứng phó với biến đổi khí hậu phải là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển.