Thời cơ tốt để đẩy nhanh cải cách

An Chi - 09:33, 14/10/2021

TheLEADERĐại dịch Covid là thảm hoạ nhưng cũng là bước ngoặt để cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thời cơ tốt để đẩy nhanh cải cách
Các biện pháp chống dịch thời gian vừa qua đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Còn nhiều bất cập trong quản lý phòng chống dịch

Nói về những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, XIII, XIV đã chỉ ra một thực tế đáng buồn trong dịch bệnh vừa qua là vấn đề về cơ chế quản lý.

Theo đó, tình trạng “chia cắt 12 xứ quân”, “ngăn sông cấm chợ” là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Trong khi Chính phủ luôn hết sức lắng nghe doanh nghiệp, người dân, để kịp thời có chính sách tháo gỡ khó khăn thì tại các địa phương, tư tuy duy của các nhà lãnh đạo cũng đang thay đổi, nhưng vẫn chưa theo kịp. Và thế là, tất cả những trì trệ trong bộ máy quản lý bộc lộ ra hết trong thời gian vừa qua.

Bất cập lớn về cơ chế quản lý trong đại dịch cần sớm thay đổi!
Ông Dương Trung Quốc

“Ngày hôm qua, người dân đi từ TP.HCM ra Hà Nội phải cách ly 7 ngày tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, ngày hôm sau lại gỡ bỏ, hay rõ nhất là câu chuyện về giấy đi đường”, ông Quốc lấy ví dụ và cho rằng, những biện pháp chống dịch cục bộ tại địa phương, mỗi nơi làm một kiểu đang cho thấy sự bất cập, trì trệ trong bộ máy quản lý và gây thêm khó khăn chồng chất cho doanh nghiệp.

Hay như vừa qua, các địa phương yêu cầu người từ nơi khác đến (kể cả tài xế) phải có xét nghiệm PCR âm tính, trong khi văn bản của Chính phủ và Bộ Y tế đều chỉ nói đến xét nghiệm âm tính, không phân biệt là PCR hay test nhanh.

Không phủ nhận rằng, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh lây lan rất nhanh do biến chủng Delta khiến các tỉnh, thành phố đều phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có những biện pháp gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, hạn chế di chuyển của con người.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhận thức chung là virus không lây lan qua đồ vật. Hoạt động vận tải hàng hóa vẫn cần phải lưu thông để duy trì nền kinh tế cũng như đời sống người dân, song các biện pháp chống dịch của nhiều địa phương chỉ quan tâm đến hạn chế di chuyển của con người, bất kể sự di chuyển đó có an toàn hay không. Đơn cử như việc tài xế đã có xét nghiệm âm tính, đã tiêm vaccine nhưng vẫn không được di chuyển qua các tỉnh thành.

Đồng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế cũng cho rằng, tình trạng “trên nói một đằng, dưới làm một nẻo” đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương hiện nay.

Cùng một văn bản của Chính phủ ban hành nhưng mỗi địa phương làm một kiểu. Tỉnh này thông đường, nhưng tỉnh khác lại rào chặn.

Thậm chí, ngay trong một tỉnh, các huyện, xã cũng thực hiện rất khác nhau. Tại quận, huyện này, doanh nghiệp được vận hành, nhưng sang xã phường khác lại yêu cầu người lao động “ở đâu yên đó”, “ngăn sông, cấm chợ”. Cơ chế hành chính và thực thi của các địa phương đang gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Ông Lộc cho rằng, nhận thức trong giãn cách hay phong toả, mỗi xã, phường là một “pháo đài” là phù hợp, nhưng trong công cuộc tái thiết phục hồi kinh tế thì phải xuất phát từ quan điểm mỗi phường xã là một “tế bào” trong một cơ thể sống - nền kinh tế quốc dân. 

Chia cắt theo địa giới “ngăn sông, cấm chợ” thì nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ "chết". Đã có nhiều bài học nhãn tiền từ những ngày phong toả, do đó, cả nước phải chung tay mở cửa để phục hồi lại nền kinh tế.

Cần sớm thay đổi!

Không chỉ trong công tác chống dịch, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành còn cho rằng, để giúp các doanh nghiệp hồi phục sau dịch, vừa qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều gói hỗ trợ, tuy nhiên, hiệu quả thực thi rất thấp. Số lượng người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ chỉ trên dưới 20%.

"Tại sao công tác thực thi chính sách tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả cao?”, ông Thành đặt câu hỏi và cho rằng, đây là vấn đề cần mổ xẻ, quan tâm và sớm tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, câu chuyện thực thi pháp luật là vấn đề rất lớn. Thực tế, những người làm chính sách không phải là người thực thi chính sách, ban hành quyết định là một chuyện, triển khai, thực thi lại là một việc khác.

Để làm tốt việc thực thi chính sách tại các địa phương, ông Dũng cho rằng, cần có các cơ quan chuyên môn, cơ quan quyền lực công. Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các nước như Mỹ, Singapore, Nhật Bản... để thực thi pháp luật tốt từ khâu lên kế hoạch, phân bổ, đề ra các tiêu chí và đo đếm hiệu quả. 

Việt Nam cần phải bố trí lại hệ thống, cải cách tốt. Nếu là công chức phải có các kỹ năng chính trị, chuyên môn, phải có chỉ số tín nhiệm từ người dân, doanh nghiệp, ông Dũng đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, đại dịch là một thảm hoạ lớn nhưng cũng là bước ngoặt để thay đổi và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Để làm được đều này, những bất cập trong cơ chế quản lý cần thay đổi. Các cấp quản lý nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đang ngày càng phát triển, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Các cơ quan quản lý cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát huy vai trò và sức mạnh của mình.

“Dịch bệnh chính là thời cơ tốt cho sự đồng thuận, chung tay, đẩy nhanh cải cách. Nếu không, những bất cập trong cơ chế, thể chế sẽ cứ âm ỉ mãi, hết thời kỳ này đến thời kỳ khác. Hệ quả là cả nền kinh tế sẽ tị tụt lùi một cách nghiêm trọng và gây mất lòng tin rất lớn trong doanh nghiệp, người dân”, ông Quốc nhấn mạnh.