Thời điểm phù hợp để ‘nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác’

Phạm Sơn - 10:17, 17/01/2022

TheLEADERTheo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, trong bối cảnh bất định, khó lường, sự thay đổi và thích ứng từ chính trong từng doanh nghiệp là điều quan trọng và mang ý nghĩa quyết định nhất.

Thời điểm phù hợp để ‘nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác’
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ảnh: baoquocte.

Kết thúc năm 2021, bước sang năm 2022, cũng là năm thứ 3 toàn nhân loại phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng vừa bước qua giai đoạn dịch bệnh tác động mạnh mẽ nhất, khiến hàng loạt địa phương giãn cách xã hội, nền kinh tế bị đình trệ, GDP quý III/2021 chứng kiến mức giảm lần đầu tiên từng được ghi nhận.

Đương đầu với đại dịch “trăm năm mới có một lần”, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, bên cạnh những đau thương, thiệt hại, mất mát, có 3 bài học “kinh điển” được rút ra đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Đầu tiên là “trong nguy có cơ”. Sự bùng phát của Covid-19 là cơn ác mộng với nhiều ngành dịch vụ như du lịch, vận tải, bán lẻ… Trong đó, ngành du lịch chịu thiệt hại nặng nề nhất và cũng chưa có sự chắc chắn về khả năng khôi phục.

Tuy nhiên, Covid-19 cũng giúp nền kinh tế chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những ngành, lĩnh vực mới giàu tiềm năng như thương mại điện tử, kinh tế số, các ngành cung ứng sản phẩm, dịch vụ gắn với khoa học đời sống.

Thứ hai là “trong cái khó ló cái khôn”, thể hiện qua khả năng ứng biến của cộng đồng doanh nghiệp. Với năng lực thích ứng linh hoạt, sáng tạo và tinh thần quả cảm, không ít doanh nghiệp không chỉ trụ vững trong dịch bệnh mà còn phát triển mạnh mẽ, tìm ra những xu hướng sản xuất, kinh doanh mới an toàn, bền vững và có trách nhiệm hơn.

Đứng vững trong đại dịch đã khó, doanh nghiệp còn tích cực chung tay hỗ trợ cộng đồng, đưa ra nhiều giải pháp phòng dịch, san sẻ gánh nặng với Nhà nước và với toàn xã hội. Những bản đồ hỗ trợ Covid-19 SOSmap; ATM gạo… là minh chứng cho thấy cái tâm, cái tầm của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ ba là ý nghĩa của sự thay đổi. Theo Thứ trưởng, thế giới đang có nhiều sự chuyển dịch to lớn, đặc biệt là các xu hướng như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.

Những xu thế này nhận được sự đồng tình và quyết tâm mạnh mẽ của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt phải kể đến cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26. Đây là điểm khác biệt mang tính tích cực của đại dịch so với những cuộc khủng hoảng trước.

Trong bối cảnh đó, khả năng quản lý thay đổi và tốc độ của sự thay đổi là điều mang tính quyết định để doanh nghiệp không bị tụt hậu, không bị đánh mất thị trường. Ở tầm quốc gia, những thay đổi là cần thiết để nắm bắt cơ hội phục hồi, phát triển bền vững, không có sự đánh đổi.

Thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã thuận lợi hơn nhiều kể từ khi Chính phủ triển khai Nghị quyết 128, đánh dấu quá trình chuyển sang trạng thái “sống chung an toàn với Covid-19”.

Cùng với đó, những chính sách mới để tạo động lực, huy động nguồn lực phục hồi kinh tế như Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng giúp doanh nghiệp an tâm hơn trong bối cảnh khó lường.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, thực tế kể trên đòi hỏi doanh nghiệp phải biết cách sống chung với biến cố, làm sao để vừa tận dụng điều kiện thuận lợi, vừa tránh được tác động của bối cảnh bất định và bất ổn.

Ông Vũ đánh giá cao những quyết định táo bạo cho cộng đồng doanh nghiệp, bởi đang trong thời điểm phù hợp để “nghĩ lớn, làm lớn, nghĩ khác, làm khác”.

“Những yếu tố bên ngoài luôn bất định, bất ổn, bất an, thậm chí là bất ngờ. Khi đó, sự thay đổi và thích ứng ở bên trong mỗi doanh nghiệp là điều quan trọng nhất”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận xét.