Thu hút vốn FDI cải thiện rõ nét trong tháng 4

Nhật Hạ - 18:46, 24/04/2023

TheLEADERTình hình thu hút vốn FDI trong 4 tháng đầu năm đã cải thiện đáng kể, mức giảm so với cùng kỳ năm trước đã thu hẹp xuống còn 18% (3 tháng đầu năm ghi nhận mức giảm 39% so với cùng kỳ). Điều này phần lớn nhờ vào mảng góp vốn, mua cổ phần, cụ thể là thương vụ đáng chú ý SMBC mua 15% vốn của VPBank, trị giá khoảng hơn 1,5 tỷ USD.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay đạt gần 8,88 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư tính đến ngày 20/4/2023.

Cụ thể, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 65,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 4,1 tỷ USD, tăng 11%.

Đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư có 386 lượt dự án, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD, giảm 69%.

Góp vốn mua cổ phần có 1.044 giao dịch, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 70,4%.

Tín hiệu tích cực từ thu hút vốn FDI

Theo báo cáo của cơ quan này, vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trước, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới. 

Bên cạnh đó có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới. 

Trong 4 tháng đầu năm, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư vào 18/21 ngành lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu. Hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ hai. Tiếp theo lần lượt là kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ. 

Tín hiệu tích cực từ thu hút vốn FDI 1

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm gần 30%) và điều chỉnh vốn (chiếm 57%).

Theo đối tác đầu tư, 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam, với Singapore dẫn đầu. Theo sau là Nhật Bản, Trung Quốc.

Thu hút vốn FDI cải thiện rõ nét trong tháng 4 2

Theo số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 16%); số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 28%).

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó Hà Nội vươn lên vị trí dẫn đầu (tăng hơn 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước). Tiếp theo là Bắc Giang (gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ); Đồng Nai.

Tín hiệu tích cực từ thu hút vốn FDI 3

Nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (40,9%), số lượt dự án điều chỉnh (24,6%) và góp vốn mua cổ phần (66%).

Tính tới ngày 20/04/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt gần 81,2 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ, chiếm 74,6% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 80,56 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu khu vực này ước đạt 67,1 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ và chiếm 65,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm hơn trong 4 tháng đầu năm 2023 (giảm sâu hơn 0,8 điểm phần trăm so với 3 tháng), khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu gần 14,1 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 13,5 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 8,3 tỷ USD.