Thủ tướng: Có quá nhiều thủ tục 'hành' doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp

Thu Phương - 11:13, 31/07/2018

TheLEADERThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh đang trói chân doanh nghiệp, có quá nhiều thủ tục hành chính "hành" doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp.

Thủ tướng: Có quá nhiều thủ tục 'hành' doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp
Còn nhiều rào cản trói chân doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Tính đến hết tháng 6/2018, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. 

Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp. Song những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. 

Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tổ chức tại Lâm Đồng, bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank, nhà tư vấn của Tập đoàn TH nhận định nền nông nghiệp vẫn manh mún, lạc hậu và lao động nhỏ lẻ dẫn đến tính khả thi không cao khi tiếp cận vay vốn ngân hàng.

“Những năm qua, tôi tư vấn cho tập đoàn TH trở thành doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên ứng dụng công nghệ cao nhưng tới giờ TH chưa được hưởng đồng vốn ưu đãi nào khi ứng dụng công nghệ cao”, bà Thái Hương nói.

Ngành nông nghiệp từ khâu nghiên cứu và phát triển các loại giống cho đến các mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, chưa thật sự bền vững. Trong khi đó sản phẩm chủ yếu là tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu chưa mở rộng và chưa có nhiều hợp đồng ký kết lâu dài.

Theo bà Thái Hương, Chính phủ phải xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo thông lệ quốc tế về hàng nông sản để làm thương hiệu và bảo hộ đến sản phẩm cuối cùng. Người tiêu dùng sẽ hưởng lợi đầu tiên từ bộ chính sách này, đồng thời sẽ khích lệ sản xuất chân chính.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt nam (UCA), hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong trồng trọt; thức ăn chứa hàm lượng cao chất kích thích trong chăn nuôi, hóa chất trong bảo quản, chế biến thực phẩm, nông sản chưa được kiểm soát chặt chẽ và việc gian lận thương mại trong quá trình cung ứng nông sản kém chất lượng đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường sống của người dân.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm; việc xây dựng mối quan hệ giữa sản xuất với tiêu dùng để có các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng vừa là chiến lược lâu dài, vừa hết sức cấp bách đối với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. 

Song để thực hiện được điều này lại là thách thức không nhỏ của các doanh nghiệp, ông Tuấn khẳng định.

Nhiều rào cản "trói chân" doanh nghiệp

Nhận diện những khó khăn của ngành nông nghiệp hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng hiện vẫn tồn đọng 500 thủ tục hành chính liên quan cần rà soát, cắt giảm.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần cắt giảm hơn 50% điều kiện đầu tư vào nông nghiệp, đây là giải pháp quan trọng giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Dù nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp song chưa hợp lý, mỗi nơi mỗi khác. 

Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, một mặt hàng bị nhiều lần kiểm tra ở bộ; chính sách tiền kiểm cũng đang gây trở ngại, khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh đang trói chân doanh nghiệp, có quá nhiều thủ tục hành chính "hành" doanh nghiệp trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp. 

Qua rà soát có khoảng 16 bước với hàng chục văn bản, dẫn đến việc triển khai các dự án thường chậm. Một số quy định về điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép còn gây cản trở, chưa khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gánh nặng thanh tra, kiểm tra, có doanh nghiệp phản ánh trong vòng 20 ngày phải tiếp tới 7 đoàn thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh đó, từ thực tế hoạt động, ông Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách cho khu vực nông nghiệp nông dân nông thôn và có nhiều chính sách cho các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã (HTX), HTX đầu tư vào nông nghiệp và liên kết chuỗi, nhưng khi áp dụng thực tiễn thì còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do đó, Chính phủ cần có các cơ chế chính sách đủ mạnh, cụ thể, dễ tiếp cận, dễ áp dụng cho các doanh nghiệp, Liên hiệp HTX và các HTX khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết, đặc biệt rất mong Chính phủ có cơ chế riêng và đặc thù cho các doanh nghiệp, Liên hiệp HTX và các HTX khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết về nguồn vốn vay ưu đãi, vay tín chấp có thể dùng các hợp đồng liên kết bao tiêu, các phương án sản xuất để làm tài sản tín chấp vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ví dụ như liên hiệp hiện nay đã đầu tư hàng chục siêu thị cửa hàng, kho bãi, xe vận chuyển, hỗ trợ các HTX thành viên với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng cũng không thể tiếp cận được nguồn vốn vay kể cả vay các ngân hàng thương mại dẫn đến việc mở vộng quy mô kinh doanh và liên kết bao tiêu cho các thành viên gặp rất nhiều khó khăn. 

"Tại hội nghị này, kính mong Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có các chỉ đạo cho phép các doanh nghiệp, Liên hiệp HTX và các HTX khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết được áp dụng cơ chế chính sách tín dụng đặc thù phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển", ông Tuấn kiến nghị.