Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TP.HCM loại bỏ xe gây ô nhiễm môi trường

Nhật Hạ - 16:57, 19/01/2021

TheLEADERHà Nội, TP.HCM và địa phương có nguy cơ cao ô nhiễm không khí phải thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, TP.HCM loại bỏ xe gây ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ lên ngưỡng xấu và rất xấu trong vài ngày qua.

Thời gian qua, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, mức độ, nhất là tại các thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả; diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, chương trình, nhiệm vụ về kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đồng bộ, hiệu quả.

Trước tình trạng trên, ngày 18/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu các địa phương đẩy nhanh phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện dùng năng lượng sạch, không phát thải. Người dân được khuyến khích đi lại bằng giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân. 

Đồng thời, thu hồi, loại bỏ xe cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành, gây ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, TP.HCM và địa phương có nguy cơ cao ô nhiễm không khí.

Bộ Tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn quốc gia về môi trường với khí thải phương tiện giao thông đường bộ. Cuối năm 2021, bộ báo cáo Thủ tướng về lộ trình áp dụng quy chuẩn này với các loại xe, xây dựng chứng nhận nhãn sinh thái với phương tiện thân thiện môi trường.

Bộ Giao thông vận tải được giao khẩn trương phát triển phương tiện, hệ thống giao thông thân thiện môi trường, trong đó có xe điện. Bộ Công thương xây dựng chính sách khuyến khích dùng năng lượng sạch, rà soát việc sử dụng nhiên liệu cho xe cơ giới đúng quy chuẩn. Bộ Khoa học và công nghệ ban hành quy chuẩn quốc gia về nhiên liệu, theo hướng giảm phát thải gây ô nhiễm không khí.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân không đốt phụ phẩm nông nghiệp và xử lý đúng quy định bảo vệ môi trường.

Hà Nội, TP.HCM và những nơi có nguy cơ cao ô nhiễm không khí được yêu cầu thực hiện nghiêm việc xây dựng và triển khai Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của địa phương.

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó trong trường hợp không khí ô nhiễm nghiêm trọng; kiểm kê nguồn khí thải, quan trắc, đánh giá về ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5), hoàn thành cuối năm 2021.

Chính phủ đề nghị địa phương hỗ trợ các hộ gia đình, kinh doanh nhỏ tiến tới không dùng than, than tổ ong trong sinh hoạt, từ đầu năm nay.

Bên cạnh đó, tăng cường xử lý các cơ sở, hoạt động gây ô nhiễm không khí trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện nghiêm việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo đúng tiến độ.

Trước đó, theo thống kê của Cục Đăng kiểm (Bộ Giao thông vận tải), cả nước có hơn 3,5 triệu ô tô, hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, con số này đang tiếp tục tăng. 

Việt Nam đã có quy định niên hạn sử dụng với ô tô tải (25 năm từ ngày sản xuất) và ô tô khách (20 năm). Khi xe hết niên hạn cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy đăng ký và loại bỏ. Với ô tô cá nhân (dưới 9 chỗ ngồi) và xe còn thời hạn lưu hành được kiểm định định kỳ, trong đó có tiêu chuẩn khí thải.

Riêng với xe máy, theo Cục Đăng kiểm, hiện Việt Nam đang thiếu quy định niên hạn sử dụng, cũng không yêu cầu kiểm tra định kỳ. Chỉ quy định xe máy mới bán ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn khí thải. Do đó, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ Giao thông vận tải đã bổ sung quy định: Mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải.