Thủ tướng yêu cầu không triển khai các gói bảo hiểm Covid-19

Việt Hưng - 20:00, 30/03/2020

TheLEADERTrước đó, hàng loạt các công ty bảo hiểm trong nước đã tung ra rất nhiều sản phẩm "ăn theo" Corona với hình thức đa dạng, linh hoạt, có nhiều mức giá, quyền lợi khác nhau cho khách hàng.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay, 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí với đề xuất của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 là yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu, hoặc không triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19.

Trước đó, hàng loạt các công ty bảo hiểm trong nước đã tung ra rất nhiều sản phẩm "ăn theo" Corona. Các gói sản phẩm rất đa dạng, linh hoạt với nhiều mức giá, quyền lợi khác nhau hoặc tăng các gói hỗ trợ nhằm giữ chân và thu hút khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã đưa ra nhiều sản phẩm ăn theo Corona++. Với gói bảo hiểm Corona++1, phí bảo hiểm 195 nghìn đồng/người/năm, số tiền bảo hiểm sẽ là 100 triệu đồng/người, phạm vi bảo hiểm với trường hợp tử vong do chủng virus corona và do tai nạn bệnh tật. Với gói bảo hiểm Corona++2, chi phí bảo hiểm 330 nghìn đồng/người/năm, số tiền bảo hiểm lên tới 100 triệu đồng/người, phạm vi bảo hiểm rộng hơn bao gồm trợ cấp nằm viện 300 nghìn đồng/người/ngày.

Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cũng tung ra sản phẩm Encovy (nCoV Shield) với quyền lợi lên tới 100 triệu đồng/người với mức phí 200.000 đồng/người/năm. Trong trường hợp nghi nhiễm và điều trị cách ly, khách hàng có thể nhận được chi phí nằm viện 100.000 đồng/người/ngày.

Bảo hiểm Manulife Việt Nam bán qua sàn thương mại điện tử Shopee ba sản phẩm có giá lần lượt là 199 nghìn đồng, 599 nghìn đồng và 999 nghìn đồng mỗi năm. Khách hàng bị nghi hay đã xác định dương tính với Covid-19 sẽ được miễn thời gian chờ, số tiền trợ cấp y tế được tính theo mức giá nằm viện tại khoa chăm sóc đặc biệt tương ứng 200 nghìn đồng, 400 nghìn đồng và 600 nghìn đồng.

"Ăn theo" corona, Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) vừa tung ra gói sản phẩm mới Corona Care, triển khai qua ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN. Sản phẩm có mệnh giá 200.000 đồng/người/năm với quyền lợi bảo hiểm tối đa 100 triệu đồng/người cho bất kỳ khách hàng có xét nghiệm dương tính với Covid-19 sau thời điểm mua bảo hiểm mà không giới hạn độ tuổi.

Trong khi đó, bảo hiểm Chubb Life cũng nhanh chóng bổ sung chính sách hỗ trợ điều trị đặc biệt với số tiền 30 triệu đồng một người áp dụng cho tất cả các khách hàng là người tham gia bảo hiểm hãng này. Khoản hỗ trợ được áp dụng với các hợp đồng bảo hiểm được từ ngày 31/12/2019 về trước và đang có hiệu lực tại thời điểm nhập viện điều trị...

Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã cho ra mắt sản phẩm “Anti - Covid” – sản phẩm bảo hiểm dành riêng cho bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu không triển khai các gói bảo hiểm Covid-19
Mô tả chương trình bảo hiểm của PTI

Anh Nguyễn Tiến Minh (Hà Nội) - nhân viên tư vấn bảo hiểm cho biết: "Từ khi dịch bùng phát, người dân quan tâm đến bảo hiểm nhiều hơn, họ chốt hợp đồng cũng nhanh hơn. Bình thường tôi đi gặp khách hàng trong giờ hành chính, nhưng thời điểm này làm đến 10 giờ tối vẫn chưa tư vấn hết khách".

Chị Mai Phương, một đại lý bảo hiểm chia sẻ: "Do dịch Covid-19 nên nhu cầu khách hàng tìm tới bảo hiểm tăng đột biến. Ngoài các gói bảo hiểm tự phòng vệ cho bản thân thì nhu cầu lựa chọn gói bảo hiểm để bảo vệ cho gia đình có xu hướng tăng cao. Nói chung, đây đang là thời điểm bận rộn của các công ty bảo hiểm".

Theo Công ty chứng khoán SSI, ngành bảo hiểm trong mùa dịch được đánh giá chịu ảnh hưởng cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Với nhóm bảo hiểm nhân thọ, thông tin dịch bệnh sẽ có ít tác động trong ngắn hạn và nhiều khả năng hưởng lợi trong dài hạn bởi nhu cầu được bảo hiểm sẽ tăng lên khi xuất hiện dịch bệnh.

"Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ cần các yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng vào nửa cuối năm 2020, lãi suất thấp có thể ảnh hưởng đến lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm nhóm này", báo cáo nhận định.

Trong khi đó, với các công ty bảo hiểm nói chung, dịch bệnh tại Việt Nam có thể khiến chi phí bồi thường tăng lên ở mức vừa phải. Bởi hầu hết các chi phí y tế sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả. "Việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể xảy ra 1 - 2 tháng sau sự cố, do đó, tác động này sẽ chưa thể hiện nhiều trong quý 1 này", SSI cho hay.