Thực hành bền vững là ‘con đường độc đạo’

Hồng Ánh - 17:23, 22/08/2023

TheLEADERThực hành phát triển bền vững không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên là điều bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Thực hành bền vững là ‘con đường độc đạo’
Con đường hướng đến phát triển bền vững và điều bắt buộc để doanh nghiệp trường tồn và phát triển. Ảnh: Hoàng Anh

Theo công bố mới đây của Brand Finance, giá trị thương hiệu của Vinamilk đã tăng từ 2,8 tỷ USD lên mốc 3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu giá trị thương hiệu ngành thực phẩm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng là thương hiệu thực phẩm duy nhất nằm trong top 10 thương hiệu có tính bền vững nhất, được đánh giá ngang ngửa những thương hiệu thực phẩm lớn toàn cầu.

Có thể nói, nỗ lực bền bỉ thực hành phát triển bền vững trong suốt một thời gian dài đã góp công lớn giúp Vinamilk nâng tầm giá trị thương hiệu.

Năm 2023, Vinamilk gây được tiếng vang lớn khi lần đầu tiên công bố đạt được chứng nhận trung hòa carbon cho nhà máy và trang trại tại Nghệ An. Dù đầu tư rất nhiều công nghệ giảm phát thải, xử lý chất thải nhưng trung hòa carbon ở 2 cơ sở này là điều không thể nếu Vinamilk không triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh từ nhiều năm trước, theo một đại diện của Vinamilk tại diễn đàn về kinh tế xanh mới đây.

Kinh tế xanh là tất yếu

Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), nhìn nhận, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi phát triển bền vững là một gánh nặng.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban quan hệ đối tác của VBCSD, nói với TheLEADER, từ năm 2016, VBCSD đã chính thức ban hành bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Đến năm 2019, nghiên cứu của VBCSD chỉ ra rằng, doanh nghiệp áp dụng CSI có mức tăng trưởng doanh thu cũng như khả năng chống chịu tốt hơn.

Đại dịch Covid-19 lại càng khẳng định điều ấy, khi những doanh nghiệp áp dụng CSI hay doanh nghiệp trong rổ phát triển bền vững (VNSI) của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đều chứng kiến sự kiên cường và bền bỉ hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác.

Đại dịch Covid-19 kết thúc, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục dù còn nhiều rối ren, bất ổn. Trong bối cảnh đó, kinh tế xanh, phát triển bền vững tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Phát biểu tại tọa đàm Phát triển xanh – cách tiếp cận cho các thương hiệu Việt, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cho biết, xu thế tiêu dùng mới trên toàn thế giới là tiêu dùng xanh theo hướng bền vững, tuần hoàn. Điều này đặt ra sức ép khiến doanh nghiệp bắt buộc phải thực hành giảm phát thải cũng như trách nhiệm xã hội.

Đồng quan điểm, ông Alex Haigh, Giám đốc điều hành Brand Finance khu vực châu Á – Thái Bình Dương khẳng định, xu thế mới sẽ đem lại giá trị lớn cho doanh nghiệp bởi sẽ nhận được sự đánh giá cao từ phía khách hàng và người tiêu dùng.

Hơn nữa, các thị trường sẽ không ngừng nâng cao tiêu chuẩn bền vững đối với sản phẩm, dịch vụ. Như vậy, doanh nghiệp không thực hành phát triển bền vững thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đào thải khỏi thị trường hoặc khỏi chuỗi cung ứng của đối tác chứ không phải chỉ là đánh mất đi năng lực cạnh tranh.

Thuận theo xu thế thị trường là kim chỉ nam cho tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, phát triển bền vững mang ý nghĩa lớn hơn như vậy. Trao đổi với TheLEADER, ông Hải cho biết, một trong những hướng tiếp cận của bộ chỉ số CSI, cũng là một tinh thần của sự bền vững, là đưa ra những rủi ro doanh nghiệp có thể gặp phải và phương án dự phòng cho các rủi ro ấy.

Điều này cũng lý giải cách doanh nghiệp thực hành bền vững lại “sống” tốt hơn, không chịu tác động quá mức nặng nề từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy lao động trong bối cảnh dịch bệnh.

Điều chắc chắn duy nhất là sự không chắc chắn. Trong tương lai, nhiều biến cố khó lường có thể xảy đến. Để đảm bảo duy trì sự phát triển và trường tồn, thực hành các nguyên tắc phát triển bền vững là điều doanh nghiệp phải làm. Nói cách khác, con đường màu xanh là con đường độc đạo đặt ra trên hành trình phát triển của tất cả doanh nghiệp.