Thương chiến Mỹ-Trung có thể khiến GDP giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới

An Chi - 18:11, 06/06/2019

TheLEADERTheo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, GDP của Việt Nam có thể giảm 0,2 - 0,3% do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Thương chiến Mỹ-Trung có thể khiến GDP giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: Quọchoi.vn

Trả lời tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/6 liên quan đến tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế Việt Nam, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam, mà là mối quan tâm của cả thế giới. 

Dẫn lời của Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ông Minh cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một trong bốn đám mây bao phủ kinh tế thế giới. Nếu chiến tranh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,5% xuống 3,2%.

Lãnh đạo Chính phủ nhận định, về lâu dài, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động tới Việt Nam. Chính phủ đã lên kịch bản ngay từ khi cuộc chiến này bắt đầu nổ ra trong năm 2018 với các giải pháp như ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo chính sách tỷ giá ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư.

"Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong dài hạn theo tính toán, GDP của Việt Nam có thể giảm 0,2 - 0,3%. Trong năm năm tới, GDP sẽ giảm 6.000 tỷ đồng do tác động từ chiến tranh thương mại", Phó thủ tướng nói.

Theo ông Minh, cạnh tranh thương mại hiện nay đang ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, thương mại thế giới và lâu dài sẽ tác động trực tiếp Việt Nam. Biện pháp của Việt Nam là  xây dựng nhiều kịch bản cũng như đề án biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Hai là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo linh hoạt tỷ giá bởi tác động của cạnh tranh thương mại sẽ tác động đến tỷ giá. Ba là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chúng ta trong xuất, nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư để đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Bốn là rất quan trọng đó là tình hiện nay đã đang mở ra xu hướng chuyển dịch các đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và trong 5 tháng đầu năm nay thì xu hướng đầu tư này có tăng lên. Chúng ta cần có sự lựa chọn, chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên phát triển chất lượng cũng như đảm bảo thân thiện môi trường và công nghệ.

Năm là chúng ta phải hết sức cảnh giác với việc có thể các hàng hóa thông qua Việt Nam, xuất khẩu qua thị trường Việt Nam để xuất khẩu vào những thị trường đánh thuế cao để tránh thuế. Biện pháp phải phòng vệ, tránh, ngăn ngừa gian lận thương mại. Đó là những biện pháp cần thiết của chúng ta trong tình hình hiện nay. 

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế xã hội năm tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp; xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Tuy nhiên, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế vẫn tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong ba năm qua.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, đàn gia cầm tăng 7,1%, sản lượng thủy sản tăng 6,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tháng 5 đạt 11,6%, cao nhất so với cùng kỳ năm năm qua.

Bên cạnh đó, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6%; thu hút khách quốc tế đạt gần 7,3 triệu lượt người, tăng 8,8%.

Theo Phó thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 đã đề ra.