Thương hiệu quốc tế chạy đua bành trướng thị trường khách sạn cao cấp

Giang Sơn - 14:02, 05/07/2022

TheLEADERCác khách sạn đối diện với áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt do nguồn cung tăng vọt trong khi nhu cầu chưa phục hồi về mức trước khi xảy ra đại dịch.

Thương hiệu quốc tế chạy đua bành trướng thị trường khách sạn cao cấp
Doanh nghiệp trong nước đủ lực xây khách sạn 5 sao nhưng vẫn thuê quản lý nước ngoài

Ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước lựa chọn gắn thương hiệu của các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế với mục tiêu vươn ra thị trường khách du lịch toàn cầu và nâng cao giá trị bất động sản.

Bước ngoặt của Vinpearl và cơ hội cho nhà quản lý quốc tế

Mới đây nhất, Vinpearl - chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng thương hiệu nội địa với số phòng lớn nhất cả nước - đã có thay đổi mang tính bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh khi cùng một lúc bắt tay với hai tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế là Meliá Hotels International và Marriott International.

Theo đó, Vinpearl đã thoả thuận chuyển giao quyền quản lý vận hành 12 khách sạn và khu nghỉ dưỡng cho Meliá Hotels International trong thời hạn 10 năm. Sự hợp tác với Vinpearl sẽ nâng số khách sạn tại Việt Nam thuộc quyền quản lý của tập đoàn đến từ Tây Ban Nha lên 24 cơ sở với tổng số 8.000 phòng.

Trong khi đó, tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới Marriott International cũng nhanh chóng tận dụng cơ hội mở rộng hoạt động tại Việt Nam khi giành quyền tiếp quản vận hành 8 khách sạn Vinpearl với hơn 2.200 phòng.

Những khách sạn Vinpearl sẽ được gắn các thương hiệu mới thuộc Marriott International như Sheraton, Four Points by Sheraton, Marriott và thương hiệu lần đầu xuất hiện tại Việt Nam là Autograph Collection sẽ được gắn cho khách sạn trên toàn tháp Landmark 81 ở TP. HCM.

Không để bị bỏ lại phía sau, InterContinental Hotels Group (IHG) cũng nhìn nhận giờ là “thời điểm vàng” để mở rộng hoạt động tại Việt Nam và như bà Serena Lim, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc của IHG bật mí, tập đoàn đang “chạy” để bắt nhịp với tốc độ phát triển của thị trường Việt Nam.

Mới đây, IHG đã ký kết quản lý bốn khách sạn do Sun Hospitality Group đầu tư trong bốn năm tới với tổng cộng 2.700 phòng ở Đà Nẵng và Quảng Ninh với các thương hiệu như Crowne Plaza, Holiday Inn và voco. Đây là thoả thuận quản lý vận hành khách sạn lớn nhất của IHG với một chủ đầu tư trong nước sau khi đã vận hành thành công khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort trong một thập kỷ qua.

Trước đó, IHG đã ký kết với Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp về việc hợp tác quản lý ba khách sạn tại khu phức hợp Hoian d’Or dưới thương hiệu Hotel Indigo, Crowne Plaza và Holiday Inn, với tổng cộng 668 phòng.

Hiện IHG đang quản lý 15 khách sạn tại Việt Nam với các thương hiệu InterContinental, Crowne Plaza, Regent, Six Senses và Holiday Inn và mục tiêu trong 5 năm tới sẽ quản lý thêm 20 khách sạn trên khắp cả nước, cung ứng thêm 6.000 phòng.

Trong khi đó, TNR Holdings – đơn vị phát triển bất động sản của TNG Holdings – cũng vừa ký kết với tập đoàn quản lý khách sạn Accor và Ennismore để phát triển ba khách sạn mang thương hiệu Swissôtel, Hyde, Grand Mercure tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Phú Yên.

Accor, một trong những tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cũng không ngừng mở rộng hoạt động tại Việt Nam và dự kiến trong vài tháng tới sẽ khai trương khách sạn Movenpick tại Phan Thiết do Tập đoàn Novaland phát triển.

Accor Hotels và Minor International là hai đối tác chiến lược về quản lý khách sạn cho Novaland trong quá trình tập đoàn này mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch.

Các tập đoàn quản lý khách sạn khác như Wyndham, Best Western cũng liên tiếp giành những hợp đồng tư vấn và quản lý mới.

Đứng trên vai người khổng lồ

Mặc dù tốc độ xây dựng khách sạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng công ty tư vấn Savills Hotels dự báo nhu cầu thuê quản lý vận hành khách sạn từ các chủ đầu tư trong nước sẽ không ngừng tăng lên trong những năm tới, với số lượng khách sạn mang thương hiệu quốc tế tăng hơn gấp đôi trong ba năm tới lên 261 khách sạn.

Hiện tại, cả nước có khoảng 120 khách sạn gắn thương hiệu của nhà điều hành quốc tế với tổng số 32.000 phòng. So với quy mô phòng khách sạn và cơ sở lưu trú trên cả nước ở mức hơn hơn 650.000 phòng, tỷ lệ xâm nhập của các thương hiệu khách sạn quốc tế ở Việt Nam vẫn khiêm tốn.

Nguyên nhân là do phần lớn các cơ sở lưu trú ở Việt Nam được phát triển theo hướng manh mún, nhỏ lẻ, không đáp ứng được tiêu chuẩn quản lý của các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế.

Tuy nhiên, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ trong những năm gần đây, quy mô các dự án cũng lớn hơn và các chủ đầu tư cũng chú trọng đến quá trình vận hành khi ký thoả thuận với các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế trước khi tiến hành xây dựng.

Theo thống kê của Savills Hotels, khoảng 64 thương hiệu khách sạn khu vực và quốc tế đã hiện diện trên thị trường Việt Nam. Việc đồng hành cùng với các đơn vị điều hành quốc tế giúp các khách sạn có thể tiếp cận tệp khách hàng rộng hơn, đặc biệt là thị trường khách nước ngoài.

Lý giải thực tế ngày càng nhiều chủ đầu tư trong nước thuê đối tác nước ngoài quản lý vận hành khách sạn thay vì trực tiếp quản lý, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc tư vấn khách sạn Savills châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng, các chủ đầu tư đã nhận diện được tầm quan trọng của thương hiệu với giá trị bất động sản.

Ông nói rằng việc hợp tác với các thương hiệu khách sạn giúp đem đến giá trị cho dự án ngay từ giai đoạn ban đầu thông qua các dịch vụ tư vấn kỹ thuật và tiền khai trương, nhằm đảm bảo dự án đạt được các tiêu chuẩn thiết kế và có khả năng vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí khi đi vào hoạt động. Đến giai đoạn vận hành, thông qua các hệ thống phân phối, chương trình hội viên và mạng lưới tiếp thị toàn cầu, thương hiệu khách sạn giúp dự án gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

“Đặc biệt, đối với các thị trường đang phát triển như Hồ Tràm, Phan Thiết, Đà Lạt… sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế cũng sẽ tạo đà phát triển cho khu vực, giúp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và góp phần gia tăng nhận diện khu vực thành điểm đến quốc tế trong tương lai”, ông Mauro nhận xét.

Theo đại diện một chủ doanh nghiệp đang có hợp tác với ba tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế, hiện chưa có nghiên cứu hoặc đánh giá nào về kinh doanh khách sạn do chủ đầu tư tự quản lý hay thuê nước ngoài quản lý hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, do phần lớn các doanh nghiệp đầu tư khách sạn ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý vận hành khách sạn cao cấp, nên để có thể tiến nhanh trong lĩnh vực này, họ lựa chọn chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, tức là bắt tay với các tập đoàn quản lý thương hiệu toàn cầu.

Mặc dù phải trả phí quản lý nhưng không thể phủ nhận những khách sạn gắn với thương hiệu quốc tế sẽ dễ thu hút khách du lịch quốc tế hơn. Bên cạnh đó, thương hiệu toàn cầu cũng giúp nâng cao giá trị bất động sản và không loại trừ khả năng có những chuỗi khách sạn gắn thương hiệu quốc tế với mục tiêu bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai. 

Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt do nguồn cung phòng khách sạn tăng mạnh trong khi nhu cầu từ khách du lịch quốc tế chưa phục hồi, việc thuê các thương hiệu khách sạn quốc tế có thể giúp các khách sạn tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch.