Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: TP.HCM mở cửa nền kinh tế thận trọng

Hứa Phương - 08:12, 26/09/2021

TheLEADERTheo tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, kế hoạch mở cửa của TP.HCM sẽ được thực hiện một cách thận trọng dựa trên dữ liệu về y tế trong việc phòng chống Covid-19.

Sau thời gian dài giãn cách nghiêm ngặt theo phương châm “ai ở đâu, ở yên đó” để phòng chống dịch Covid-19, ngày 23/9 vừa qua một số công trình trong ngành xây dựng tại thành phố Thủ Đức (TP.HCM) đã được tái khởi động trở lại.

Đơn cử như khu phức hợp Sóng Việt - The Metropole Thủ Thiêm thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư và đơn vị phát triển là Công ty SonKim Land và khu biệt thự Armena của công ty Khang Điền…

Thực ra, đây không phải là những công trình, doanh nghiệp đầu tiên trở lại hoạt động trong thời kỳ bình thường mới, trước đó từ ngày 16 /9, các doanh nghiệp tại KCX-KCN ở “vùng xanh” là quận 7 và huyện Củ Chi đã được thí điểm tổ chức sản suất an toàn.

Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong ba phương thức sản xuất là "4 xanh" (người lao động xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh), "3 tại chỗ" (vừa sản xuất vừa cách ly) hoặc kết hợp giữa "4 xanh" và "3 tại chỗ".

Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy trung tâm tài chính, kinh tế lớn nhất cả nước là TP.HCM đang từng bước nới lỏng cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, vấn đề được người dân và doanh nghiệp ở TP.HCM quan tâm là từ ngày 1/10 trở đi, khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm thì thành phố sẽ mở cửa thế nào.

Mở cửa một cách thận trọng

Theo tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM thì vừa qua thành phố đã cho mở cửa thí điểm ở “vùng xanh”, sắp tới sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm trước khi mở cửa rộng hơn.

Ông Ngân phân tích, hiện tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 của TP.HCM đạt 95%, mũi 2 đạt trên 30%. Đây là chỉ số rất tích cực và là một trong những yếu tố quan trọng để lãnh đạo thành phố quyết định từ nay đến ngày 30/9 sẽ tiến hành tháo dỡ hàng rào, kẽm gai, dây rợ…trên toàn thành phố.

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân: TP.HCM mở cửa nền kinh tế thận trọng
Theo tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, kế hoạch mở cửa của TP.HCM sẽ được thực hiện một cách thận trọng dựa trên dữ liệu về y tế trong việc phòng chống Covid-19.

Tuy nhiên thành phố vẫn duy trì các chốt kiểm tra, kiểm soát ở các cửa ngõ để đảm bảo an toàn chung cho TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Dù đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 khá cao nhưng ông Ngân nhấn mạnh: “mọi kế hoạch mở cửa vẫn phải thận trọng và quan điểm của TP.HCM là nới lỏng giãn cách theo dữ liệu về y tế trong việc phòng chống Covid-19, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”.

Thực tế, nếu căn cứ vào bộ tiêu chí 3979 và 2686 của Bộ Y tế hay tiêu chí của tổ chức y tế thế giới (WHO) thì TP.HCM chưa đạt để nới lỏng giãn cách.

Người dân, doanh nghiệp luôn mong muốn thành phố đưa ra quan điểm, lộ trình rõ ràng và cho rằng TP.HCM có vẻ lúng túng nhưng theo ông Ngân đó là tình hình chung không riêng gì ở thành phố, cả nước mà trên thế giới cũng vậy.

Cụ thể, bộ tiêu chí do Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đang dự thảo thì nội dung cũng thay đổi liên tục. Còn một số nước trên thế giới trước đây theo đuổi kế hoạch "zero Covid" tức là tìm, cách ly hết F0, truy vết, truy tìm F1, F2 nhưng sau đó đã chuyển qua sống thích nghi, sống chung với Covid-19.

Sự thay đổi liên tục đó cho thấy mọi quốc gia đều đang tìm cách để thích ứng được với biến chủng mới của Covid-19. Do đó, trong chiến lược mới hiện nay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia có phương châm thích ứng, an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Ông Ngân dẫn chứng, trên thế giới đã có 231 triệu ca nhiễm, 4,7 triệu ca tử vong, tỷ lệ tử vong trên ca nhiễm trung bình là 2,1%. Còn nước ta đã có 736.989 ca nhiễm, 18.220 tử vong, tử lệ tử vong trên ca nhiễm là 2,5%. Trong đó, riêng TP.HCM, số ca nhiễm là 362.000, tử vong 14.124, tỷ lệ tử vong 3,9%.

Số liệu tử vong ở TP.HCM mới chỉ thống kê ở các tầng trong bệnh viện còn tại nhà thì chưa có. Dù vậy, tỷ lệ tử vong ở TP.HCM đã cao hơn trung bình cả nước và thế giới, điều này thể hiện sự đau thương và ảnh hưởng lớn đến kinh tế của thành phố.

Số ca nhiễm ở TP.HCM vẫn đang diễn biến theo hướng tăng. Cụ thể từ ngày 31/5 bắt đầu giãn cách, tháng 6 bình quân 100 ca/ngày; tháng 7 tăng lên 3.000/ngày và tháng 8 tăng lên bình quân 4.000 ca/ngày; hiện từ 5.000 đến 5.500ca/ ngày. Dù đã áp dụng giãn cách từ Chỉ thị 15, 16, rồi đến 16 tăng cường thì số ca nhiễm ở TP.HCM vẫn tăng.

Tuy nhiên số ca tử thì đang có xu hướng giảm dần, nếu tháng 7 trung bình có từ 5 đến 10 ca/ngày; đến giữa tháng 8 tăng lên 300 ca/ngày và đến ngày 24/9 giảm xuống còn 140 ca.

Lý do vì sao số ca nhiễm của TP.HCM vẫn ở mức cao nhưng tử vong lại đang giảm nhờ 2 yếu tố là hệ thống y tế được tăng cường và độ phủ vaccine ngày càng rộng.

Ông Ngân cho rằng, nếu chỉ dựa trên yếu tố tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 để tiến hành mở cửa kinh tế như một số ý kiến nêu ra vừa qua thì chưa đủ. Đơn cử như Singapore khi quyết định mở cửa kinh tế, sống thích nghi với Covid-19 thì tỷ lệ tiêm chủng mũi 1, mũi 2 của họ đều đã đạt trên 80%.

Nhưng Singapore hiện nay vẫn phải mở ra rồi đóng lại, lý do là số ca nhiễm vẫn tăng. Điều đó cho thấy khi tiêm vaccine rồi thì chỉ giảm số ca nặng, số ca tử vong còn ca nhiễm vẫn tăng và vẫn lây cho người khác.

Trong khi số bệnh nhân Covid-19 của thành phố đang điều trị ở tầng 3 hiện vẫn còn hơn 3.000 ca, tầng 2 từ 36.000 đến 37.000 ca. Nhưng tầng 2, tầng 3 hiện nay TP.HCM đang nhận được sự hỗ trợ từ trung ương và quân đội. Nếu số ca đang điều trị ở tầng 2 không được kéo giảm xuống thì trong thời gian tới lực lượng chi viện rút về, hệ thống y tế thành phố sẽ lại bị quá tải.

Do đó, mục tiêu của TP.HCM là kéo giảm số bệnh nhân điều trị ở tầng 2 xuống khoảng 20.000 để y tế thành phố có thể đảm đương được. Đó là lý do vì sao TP.HCM sẽ mở cửa nền kinh tế một cách thận trọng.