Nền kinh tế cần sớm được mở cửa trở lại

An Chi - 09:18, 25/09/2021

TheLEADERThời điểm cuối năm 2021 đang đến gần, nếu giãn cách xã hội kéo dài, những thiệt hại đối với người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế sẽ là rất lớn, gây nhiều bất ổn đối với tình hình kinh tế xã hội.

Nền kinh tế cần sớm được mở cửa trở lại
Nền kinh tế cần thích nghi một cách an toàn với đại dịch Covid-19

Không thể không "mở cửa"!

Hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận sự sụt giảm đáng kể ở các chỉ số, đặc biệt là tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP. HCM giảm hơn 10%, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 6,6%, tổng vốn thu hút đầu tư nước ngoài giảm gần 44% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố khó có thể đạt kế hoạch đề ra là 6%.

Đáng chú ý, sự phục hồi kinh tế của TP. HCM nói riêng và Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn trong làn sóng dịch thứ 4. Theo nhiều chuyên gia, viễn cảnh kinh tế từ nay đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vaccine cho người dân, kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm.

Trong kịch bản xấu, nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh, giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP cả nước sẽ có khả năng tăng trưởng chỉ ở mức 3,5 - 4%. 

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, cả TP. HCM và các doanh nghiệp đều không còn nguồn lực để chống chịu với dịch bệnh. Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều đã kiệt quệ do phải đối mặt với việc đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.

Hệ lụy đối với việc tăng trưởng kinh tế của TP. HCM trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế. Đối với doanh nghiệp, nếu không kịp thời có biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp gặp khó khăn, sau này có cứu cũng muộn màng. Đối với người dân, sau 3,5 tháng giãn cách, tỉ lệ hộ nghèo đang gia tăng, sức chịu đựng của người dân cũng cạn. Bên cạnh đó, ngân sách cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra cũng không thể tính hết được là các tổn thương về tinh thần, tâm lý.

Nhìn trên mọi góc độ, từ kinh tế, doanh nghiệp đến người dân, ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các chi phí khác về mặt xã hội, ông Tự Anh cho rằng, Việt Nam không thể không mở cửa. 

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại nhiều quốc gia, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa. Do đó, tại Việt Nam, dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại.

Trước mắt, cần “mở cửa” cho người dân đã tiêm 2 mũi vaccine

Vậy, nên mở cửa như thế nào? Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế cần thích nghi một cách an toàn với đại dịch. 

Thực tế cho thấy nhiều nước trên thế giới kể cả tỷ lệ bao phủ vaccine hai mũi trên 70%, số ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine sẽ giúp hạn chế các ca bệnh nặng và tử vong. 

Hiện nay, tại TP. HCM tỷ lệ người dân đủ điều kiện đã được tiêm mũi 1 đã đạt 100%. Thành phố đang tiến hành tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian (có thể đạt tới khoảng 30%). Tương tự, tại Hà Nội, 100% cho người dân có đủ điều kiện đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi. Đây là những tín hiệu phần nào cho phép TP. HCM tính toán mở cửa.

Theo ông Thành, để dần mở cửa nền kinh tế, điều kiện đầu tiên là vaccine. Trước mắt, các địa phương cần “mở cửa” cho những ai đã tiêm vaccine 2 mũi trên 14 ngày có khai báo “di biến động” được phép đi đường. Việc làm này sẽ hiệu quả hơn nhiều việc sử dụng giấy đi đường hiện nay.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin 2 mũi cho người dân để các hoạt động của nền kinh tế sớm được trở lại bình thường. 

Giải pháp sống chung với đại dịch Covid-19, người dân cần tuân thủ 5K + tiêm vắc xin (2 mũi), các cơ quan quản lý tập trung cứu chữa cho những bệnh nhân nhiễm Sars Cov-2 nặng và quản lý hiệu quả việc cấp thuốc thuốc, gói an sinh các trường hợp F0 cách ly tại nhà.

Mặt khác, Chính phủ cần có chiến lược ưu tiên tiêm đủ 2 liều vaccine cho tất cả các doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp, thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục sản suất kinh doanh.

Cũng theo ông Thành, các cơ quan quản lý cần thống nhất 1 ứng dụng app để quản lý hiệu quả, hiện nay đang có nhiều ứng dụng quản lý gây rối thông tin cho người dân, đồng thời, triệt để ngăn chặn các thông tin gây nhiễu trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận. Các văn bản chỉ đạo ban hành của trung ương và địa phương cũng cần rõ nội dung hơn. Hiện, nhiều văn bản từng ban hành có câu chữ khó hiểu dẫn đến người dân và chính quyền địa phương hiểu sai khi áp dụng.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần áp dụng hộ chiếu vaccine để người dân được tự do đi lại, nới lỏng các giãn cách xã hội. Thời điểm cuối năm đang đến gần, nếu giãn cách xã hội kéo dài, những thiệt hại kinh tế đối với người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế sẽ là rất lớn, gây nhiều bất ổn đối với kinh tế xã hội.

"Tôi không thấy các cơ quan quản lý nhà nước "phòng chống" dịch bệnh, tôi chỉ thấy chúng ta "phòng tránh", tức phòng Covid và tránh nó đi. Bản chất của dịch bệnh cần được hiểu đúng và tuyên truyền đúng trong người dân để có cách tiếp cận, chống dịch hiệu quả hơn và duy trì hoạt động cho doanh nghiệp", ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, tại cuộc họp giữa Thủ tướng với các nhà khoa học về phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, chống Covid-19 là cuộc chiến lâu dài. Việt Nam có thể quét sạch lần này nhưng cũng không đảm bảo dịch bệnh sẽ không đến lần nữa.

Do đó, TP. HCM, Hà Nội và cả nước nói chung cần xác định “sống chung” với dịch bệnh và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn mở cửa. Trước hết, cần tính toán mở lại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trước.

Trong trường hợp phát hiện có ca dương tính tại một số doanh nghiệp thì nên cách ly cá nhân đó, còn các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc và có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp. Các địa phương cần thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất có thể, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo.

Nhiều nhà khoa học cũng thống nhất việc không thể kiểm soát dịch một cách tuyệt đối, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố cần có biện pháp, bước đi phù hợp để “thích ứng an toàn, linh hoạt”, “sống chung” với dịch bệnh vừa đảm bảo phát triển kinh tế.