Tìm giải pháp tăng tốc kinh tế

Phương Anh - 10:02, 23/11/2023

TheLEADERNgân hàng Thế giới khuyến nghị, trong bối cảnh phục hồi kinh tế chậm, Việt Nam có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế chậm chạp

Trong khi xuất khẩu đang dần hồi phục, tiêu dùng trong nước vẫn còn khá trầm lắng và tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm tiếp tục phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư còn yếu.

Cụ thể, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng trước gần như không thay đổi so với tháng 9.

Tìm giải pháp tăng tốc kinh tế

Mặc dù có sự phục hồi so với năm ngoái, doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn một chút so với xu hướng tăng trưởng và nhu cầu đối với hàng tiêu dùng, HSBC đánh giá trong đánh giá gần đây về kinh tế Việt Nam.

Về tín dụng, tăng trưởng vẫn chậm chạp với tốc độ tăng trong tháng 10 chỉ 9,3% so với cùng kỳ, thấp hơn tháng trước đó.

Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra (14%) và mức trước đại dịch (12 – 15%).

“Sự suy yếu kéo dài của khu vực đầu tư tư nhân và niềm tin của nhà đầu tư tiếp tục là động lực chính khiến tín dụng tăng trưởng chậm”, Ngân hàng Thế giới đánh giá trong báo cáo mới nhất về kinh tế Việt Nam.

Báo cáo trước Quốc hội vào cuối tháng trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ nguyên nhân khiến GDP năm nay dự kiến chỉ tăng trên 5% trước hết đến từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, vượt quá khả năng dự báo.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Không chỉ vậy, chịu nhiều áp lực từ bên ngoài, ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua chưa thực sự vững chắc. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu; nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; xuất siêu tăng chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm.

Thủ tướng cũng nêu rõ, việc triển khai một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm.

Giải pháp cho năm tới

Ngân hàng Thế giới đánh giá, Chính phủ đã tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, những thách thức trong quá trình thực hiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc triển khai ngân sách đầu tư.

Do tốc độ phục hồi kinh tế chậm, tổ chức này khuyến nghị, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế đến năm 2024 để cho phép các dự án đầu tư được triển khai đầy đủ.

Tìm giải pháp tăng tốc kinh tế 1
Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ có thể cân nhắc kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế để cho phép các dự án đầu tư được triển khai đầy đủ. Ảnh: Hoàng Anh

Đồng quan điểm, tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" gần đây, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đề xuất cần tiếp tục phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

“Chúng ta biết Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024, nhưng riêng tôi hy vọng sẽ kéo dài tới 2025 để tạo ra một niềm hứng khởi, tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn”, ông khuyến nghị.

Ông cũng cho rằng cần có chương trình hỗ trợ cho dịch vụ, du lịch vì đây là ngành nghề rất quan trọng.

Ngoài giải pháp kéo dài chương trình hỗ trợ kinh tế, theo Ngân hàng Thế giới, việc chuẩn bị các dự án có chất lượng cao hơn – bao gồm thông qua các nghiên cứu khả thi tốt hơn và cải cách thủ tục đầu tư công - sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, một lộ trình đầu tư mang tính chiến lược và được chuẩn bị tốt, tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi và mang tính khu vực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trong đánh giá gần đây về Việt Nam khuyến nghị, trước những khó khăn và áp lực tài chính trên thị trường bất động sản, Việt Nam cần áp dụng chính sách kết hợp phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời duy trì sự ổn định tài chính.

Cụ thể, với sản lượng vẫn ở dưới mức tiềm năng và dư địa tài chính sẵn có, chính sách tài khóa nên cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm của nền kinh tế.

Trong trung hạn, chính sách tài khóa nên tập trung vào cải thiện quản lý thuế, mở rộng cơ sở tính thuế, nâng cao hiệu quả chi tiêu và tăng cường bảo trợ xã hội.

Chính sách tiền tệ thích ứng đã giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người đi vay dễ bị tổn thương và ở một mức độ nào đó, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.