Tổng giám đốc Việt An Group: Đi thẳng vào tâm bão để vượt qua khủng hoảng

Kim Yến - 08:04, 14/09/2020

TheLEADERCách tốt nhất để vượt qua khủng hoảng là đi thẳng vào tâm bão, xác định rõ vấn đề để tìm ra giải pháp.

Đó là chia sẻ của Nguyễn Hoài Thi, Tổng giám đốc Việt An Group trong toạ đàm “Quản trị sức khoẻ tinh thần của doanh nhân thời đại dịch” do TheLEADER tổ chức.

“Đi thẳng vào tâm bão, xác định rõ vấn đề, không mơ hồ”

Phiên bản mới on-cloud của Phần mềm iLotusLand for Monitoring do Việt An sáng tạo đã được phát hành vào ngày 1/9/2020, ngay trong đại dịch. Thành lập năm 2010, chuyên về tư vấn lắp đặt các hệ thống quan trắc môi trường tự động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sau 10 năm, doanh thu của Việt An đã tăng hơn 10 lần, từ 22 tỷ đồng lên khoảng 300 tỷ đồng năm 2020. 

Trong lúc hàng loạt doanh nghiệp sa thải nhân viên, thì Việt An lại đăng ký tuyển nhân viên trên nhiều trang tìm việc uy tín. Điều gì đã giúp Việt An bật sáng ngay trong nghịch cảnh?

Là thành viên có tuổi đời còn khá trẻ, tham gia toạ đàm với các thế hệ doanh nhân đi trước, Hoài Thi tỏ ra rất khiêm nhường. Tuy nhiên thành tích của anh quả là đáng nể. Là sinh viên khoa tự động hoá Đại học Bách khoa TP. HCM, chàng trai đất Quảng từng tham gia đội tuyển Robocon toàn quốc. 

Với thế mạnh trong tìm tòi nghiên cứu công nghệ tự động, anh đã khởi nghiệp tuổi 30 với sứ mệnh xây dựng một thương hiệu “made in Vietnam” trong ngành quan trắc tự động nước thải để có thể xuất khẩu ra thế giới với số vốn 200 triệu đồng, trong đó 140 triệu là tiền anh dành dụm được và 60 triệu của một cộng sự cùng góp vốn.

Giá trị của Việt An ngày càng được khẳng định với những sản phẩm vượt trội làm khách hàng hài lòng, cả phần cứng và phần mềm. Ngay cả một số công ty nước ngoài nhìn vào phần mềm của Việt An cũng tỏ ra khâm phục vì tính ứng dụng cao. 

Việt An đã vượt qua nhiều đối thủ để ký hợp đồng với Formosa năm 2016. Sau khủng hoảng môi trường diễn ra, Formosa cẩn trọng hơn trong vấn đề xử lý nước thải và quan trắc môi trường tự động, nhưng họ thường ưu tiên sử dụng công nghệ từ đất nước họ. Việt An có hàng sẵn và sự quyết liệt trong giải quyết bài toán của khách hàng, sự am hiểu tường tận và đam mê đã giúp công ty thắng thầu. 

Hiện Việt An Group đang chiếm 60% thị phần quan trắc môi trường tự động tại Việt Nam. Năm 2017, doanh thu của Việt An đạt 250 tỷ đồng, năm 2020 đã vượt lên trên 300 tỷ đồng. Mục tiêu của Việt An là trở thành doanh nghiệp ngàn tỷ, bằng các công cụ M&A, với tham vọng phủ sóng trên nhiều thị trường quốc tế.

Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Thi: “Nhờ đại dịch mà Việt An có thể viết lại cuộc chơi”
Ông Nguyễn Hoài Thi, Tổng giám đốc Việt An Group.

Chia sẻ về bí quyết vượt qua khủng hoảng, Nguyễn Hoài Thi nói: “Covid-19 làm thay đổi mọi thứ, nhưng lạ là dạo gần đây, tần suất làm việc của tôi dày đặc kinh khủng. Hai đợt dịch vừa qua Việt An không cho ai nghỉ, không giảm lương ai. Trong đại dịch, chúng tôi lại tuyển thêm người, bởi nhìn ra nhiều cơ hội lớn. 

Tự xem xét lại có thể đa dạng hoá ngành nghề không, từ đó sản sinh thêm 8 lãnh vực kinh doanh mới xoay quanh sản phẩm chủ lực đang bán, hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh hơn. Nhờ chủ động đa dạng hoá ngành nghề nên khi nếu lĩnh vực nào gặp sự cố sẽ có lĩnh vực khác thay thế.

Tương lai trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và máy học sẽ làm thay đổi chúng ta, một số ngành nghề thâm hụt lao động sẽ biến mất, nhưng đừng lo lắng vì một số ngành nghề mới sẽ xuất hiện. Việc của chúng ta là có nhận thức sớm, cởi mở hơn về việc này, và học nhanh mỗi ngày để bắt kịp xu hướng, hay ít nhất là không đứng ngoài xu hướng của thế giới.

Việt An Software vừa tham gia vào dự án SmartCity ở tỉnh Quảng Ninh ở mảng môi trường với phần mềm iLotusLand for Minitoring giám sát hơn 140 trạm quan trắc nước thải, nước mặt, nước biển ven bờ, khí thải và không khí xung quanh (kết nối, camera, điều khiển từ xa máy lấy mẫu tự động).

Bên cạnh đó, đây chính là cơ hội chuyển dịch số. Nhờ chuyển dịch số mà mình có nhiều thời gian hơn làm việc với nhân viên, hạn chế những việc liên quan giấy tờ. Đẩy mạnh hoạt động bán hàng qua online, hiện sản phẩm của Việt An đã bán qua Malaysia, Colombia… giúp cho các nhà máy bên đó có thể kiểm soát từ xa.

Tôi cũng rất thích khi sự cố xảy ra, đây lại là cơ hội để mình tuyển dụng nhân tài, cho anh em thấy rõ hơn những tiêu chí của mình trong lựa chọn khách hàng, nhân sự, cổ đông và chủ sở hữu... Đó là sự đồng hành, chở che, bao bọc lẫn nhau trong hoạn nạn. Tôi đã chiêu mộ được nhiều anh em bỏ công ty nước ngoài để tham gia Việt An Software với mục tiêu làm ra những sản phẩm phần mềm có chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế để có thể bán được trên toàn cầu.

R&D sẽ được Việt An đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, chúng tôi xây dựng toà nhà mới chỉ để làm phần mềm, R&D… Tương lai sẽ thuộc về những công ty có đội R&D mạnh. Trong những buổi họp giao ban, tôi luôn chia sẻ tinh thần cùng đồng hành với các bạn, từ từ anh em cũng thấy ngoài kia rất sóng gió, ở đây các bạn ấy được chăm sóc, được cổ vũ tinh thần trong môi trường làm việc minh bạch, công bằng, tôn trọng, yêu thương…

Để giúp công ty vượt qua nghịch cảnh, tôi cho rằng “Tam giác đều chết chóc” gồm có ba đỉnh, đầu tiên là khách hàng, hai là chi phí, ba là tốc độ. Nếu một trong ba đỉnh này gặp sự cố là doanh nghiệp chết. Nên cần phải quan tâm cả ba yếu tố này cùng một lúc. Nhiều doanh nghiệp than thở dòng tiền cạn kiệt, nhưng không biết rõ cạn kiệt nằm ở khâu nào? 

Thái độ của tôi là quyết liệt đi thẳng vào tâm bão để xác định vấn đề của doanh nghiệp mình là gì? Vì có nhiều thứ ảnh hưởng đến dòng tiền, như trả tiền nhà cung cấp, đào tạo… 

Mỗi công ty phải xác định vấn đề cốt lõi doanh nghiệp mình đang gặp phải là gì? Mình có khách hàng không? Phải có khách hàng mới có dòng tiền chứ. Mình rất bình tâm, vì xác định được vấn đề cốt lõi là dòng tiền, khách hàng, chi phí thực hiện dự án.. nên không lo lắng nhiều.

Về phía quản lý vĩ mô, tôi rất muốn các doanh nghiệp tác động mạnh mẽ hơn với chính phủ để giảm lãi suất ngân hàng. Các giải pháp, chính sách giải cứu hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn. Doanh nghiệp mình còn bé tí, mình phải tự lo thôi”.

Rèn luyện sức mạnh tinh thần là phải trải qua nhiều bão tố

Từng có lúc gặp phải nhiều vấn đề trong giao tiếp với người khác khiến anh không có được những mối quan hệ thực sự, chia sẻ về cách để trụ vững tinh thần ngay trong bão tố, Hoài Thi cho rằng điều quan trọng nhất là giữ được niềm tin.

“Những lúc trong tâm bão này, điểm tựa niềm tin là quan trọng nhất. Niềm tin ấy phải xuất phát từ chính bản thân mình, sau đó là gia đình, anh em trong công ty, rồi mới đến cộng đồng doanh nghiệp. Cứ làm sếp đi, rồi bạn sẽ biết. Khi mà trên vai bạn có trách nhiệm với nhiều người thì tự nhiên làm gì cũng có lý do, quyết định nào cũng phải cân nhắc kỹ càng. Vị trí càng cao thì góc nhìn phải càng lớn vì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người.

Ngày xưa lúc còn làm nhân viên mình không thể hiểu được vì sao sếp lại làm việc này, làm việc kia, đó là vì vị trí bạn đang đứng hay tầm nhìn của bạn còn hạn hẹp… Bạn có công tâm hay không thì người ngoài nhìn phát biết ngay. 

Rèn luyện sức mạnh tinh thần là phải trải qua bão tố và cần truyền tinh thần đó xuống cho anh em để tạo nên sức mạnh của sự đồng lòng vượt qua khó khăn của bão Covid-19.

Để theo đuổi giấc mơ, bạn cần phải tin tưởng vào niềm đam mê của mình và luôn sẵn sàng bảo vệ nó. Kiểm soát cảm xúc là điều khó nhất, mà chính vì khó nên mới đẳng cấp nhất. Chỉ cần thay đổi tư duy và phương pháp thực hiện đúng đắn, bạn có thể thay đổi mọi thứ mà bạn muốn. Đó là điều mà mình đã trải nghiệm và thực hiện thứ mà mình nghĩ là không bao giờ làm được! Nhờ đại dịch mà Việt An có thể viết lại cuộc chơi…

Phiên bản mới on-cloud của phần mềm iLotusLand for Monitoring đã được phát hành vào ngày 1/9/2020, ngay trong đại dịch. Chúng tôi làm được thứ mà người khác chưa làm, tích hợp một lúc 6 tính năng vào một phần mềm ở dạng Platform(như Grab). Đó là Collecting data, thu thập dữ liệu online từ hàng ngàn trạm quan trắc môi trường tự động các loại; Control Remotely, điều khiển từ xa, ví dụ như máy lấy mẫu tự động, máy bơm nước... bất cứ thứ gì, kiểu như Smart-home; Action nhanh tại chỗ, nhưng độc lập với hệ SCADA/DCS của nhà máy; Camera: hiển thị và tích hợp tất cả các loại camera lên 1 màn hình Control Room và trên MobiApp, kiểu như Zoom, giúp loại bỏ sự bất tiện vì dùng nhiều phần mềm; Billing: module tính phí (như tính phí nước thải, nước cấp của tất cả các nhà máy KCN hay tính tiền điện bán qua hệ solar áp mái cho các công ty điện lực....); Report: tất cả các dạng Report được làm sẵn, có thể dễ dàng tuỳ chỉnh; Feedback: tương tác 3 chiều (người-máy-người) kiểu như Grab…”

Không chỉ là một lãnh đạo có tầm nhìn xa và hết lòng với nhân viên, Hoài Thi còn là một doanh nhân luôn coi trọng những giá trị cộng đồng, biết cho đi, đó cũng là cách để anh cân bằng thân, tâm, trí. 

Dành nhiều thời gian và tâm huyết cho Quỹ khuyến học “đền đáp nối tiếp”, chia sẻ về động lực lớn nhất đã giúp anh kiên trì theo đuổi, lan toả giá trị của quỹ này, Hoài Thi nói: “Sự thật là ý tưởng thành lập một Quỹ khuyến học Đền đáp nối tiếp (pay-it-forward) được hình thành từ rất lâu, hồi còn bé học phổ thông qua tác phẩm "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng, có một ông tên là TYPN, viết tắt của cụm từ “Tôi yêu phụ nữ”. 

Phụ nữ Việt Nam mình đẹp, từ trong ra ngoài và cũng chịu nhiều nỗi khó khăn, gian khổ nên nếu họ được học hành đàng hoàng qua những năm cấp 3, đại học thì sẽ làm cho đất nước mình rất phát triển. Việt An thì không có khả năng quá dài tay, nên chỉ lựa chọn một nhóm đối tượng, đó là các nữ sinh cấp 3, miền Tây và học giỏi, chịu khó vươn lên học tập để thoát nghèo.

Chương trình đã đi được 4 năm, quỹ khuyến học chỉ yêu cầu các bạn nữ sinh một lời hứa là sau này nếu thành công thì cần giúp đỡ cho ít nhất 3 người có hoàn cảnh như các bạn trước đây, đó là tinh thần “Đền đáp nối tiếp”, lan toả theo cấp số nhân (x3 trở lên).

Mỗi người đều có một lựa chọn cách mình đóng góp vào sự phát triển của xã hội mình đang sống theo một cách nào đó (khuyến học, từ thiện, đi dạy CEO... hay mở công ty) và chúng tôi chỉ chọn làm khuyến học và nghĩ rằng sẽ lan toả lớn nếu các em nữ sinh sau này thành công.

Ngày hôm nay là 4 tỉnh miền Tây An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh và Bến Tre. Hy vọng năm sau sẽ làm được 12 tỉnh miền Tây và có nhiều anh em doanh nhân tham gia cùng đồng hành để lan toả triết lý “Đền đáp nối tiếp”.

Đúc kết lại, phương pháp vượt qua khủng hoảng của Nguyễn Hoài Thi chính là là đi thẳng vào tâm bão, xác định rõ vấn đề, không mơ hồ.

 “Trong vai trò Tổng thư ký CLB Doanh nhân và quản trị, tôi thấy rõ hầu hết mọi người lo cho mình trước tiên, chưa nhiều người biết cách vượt qua khủng hoảng. Chính vì vậy mà cuối tuần này chúng tôi sẽ có buổi toạ đàm “Lập kế hoạch kinh doanh hàng năm bằng phương pháp Brainaop”, nhằm giúp anh em làm sao sống sót từ nay đến cuối năm, và lập kế hoạch cho 5 năm sau".

“Nếu bạn cảm thấy chán nản hay xuống tinh thần thì cơ bản là bạn chưa tìm thấy tình yêu trong công việc. Hãy tìm lấy một công việc nào đấy mà bạn thích và có khả năng làm giỏi nhất để hoàn thành nó xuất sắc mà chẳng cần ai đánh giá, khi đó bạn mới cảm thấy mình “đang sống” cho dù bạn 20, 30, 40, thậm chí là gần 70 tuổi. Đừng lãng phí thời gian.

Tôi rất thích câu nói của Marc Benioff, CEO Salesforce: “Tiên đoán tương lai là một việc rất đơn giản. Tương lai chính là những gì chúng ta tưởng tượng. Hãy nghĩ về tương lai 3 năm, 5 năm, 10 năm nữa. Chính chúng ta là người tạo ra tương lai, không ai khác. Hãy tưởng tượng. Hãy đột phá. Hãy ước mơ lớn”, Hoài Thi kết luận.