Trạm sạc trong chung cư: Bài học từ 'thủ phủ xe điện' của châu Âu

Lam Giang - 11:33, 27/11/2023

TheLEADERTại Na Uy, tất cả các khu nhà ở nhiều căn hộ đều phải có trạm sạc xe điện. Quy định này giúp Na Uy trở thành quốc gia đi đầu trên thế giới trong việc xanh hóa phương tiện giao thông.

Na Uy nhanh chóng phủ sóng trạm sạc trong các khu chung cư

Theo Bloomberg, Na Uy đã trở thành thị trường xe điện thành công nhất thế giới nhờ các ưu đãi và trợ cấp thuế “hào phóng” của chính phủ dành cho xe điện và cơ sở hạ tầng sạc. 

Hiệp hội xe điện Na Uy ước tính, năm 2022, xe điện chiếm hơn 80% thị phần ô tô mới được bán ra và chiếm 20% trong tổng số ô tô hiện hành, đưa đất nước Bắc Âu này trở thành quốc gia tiên phong trong việc chuyển đổi sang phương tiện xanh. Na Uy cũng là đất nước đầu tiên sẽ chấm dứt việc bán ô tô động cơ đốt trong vào năm 2025, trước thế giới cả một thập kỷ.

Trạm sạc trong chung cư: Bài học từ 'thủ phủ xe điện' của châu Âu
Từ năm 2017, Na Uy đã có luật quy định “quyền sạc điện” của những người sống trong chung cư. - Ảnh: Drive

Theo Liên đoàn Đường bộ Na Uy và Hiệp hội Xe điện Na Uy, điều cốt yếu để đảm bảo sự chuyển đổi nhanh chóng và thực chất sang xe điện là thiết lập hạ tầng sạc toàn diện, trong đó tập trung vào các khu nhà ở nhiều căn hộ, nơi tập trung 20% dân số, bên cạnh phát triển mạng lưới sạc nhanh công cộng.

Do đó, từ năm 2017, quốc gia Bắc Âu này đã ban hành luật quy định “quyền sạc điện” của những người sống trong chung cư. Đây là quy định bắt buộc đối với các cộng đồng nhà ở về việc cung cấp dịch vụ sạc xe điện, đồng thời toàn bộ cư dân phải chia sẻ trách nhiệm tài chính đối với cơ sở hạ tầng sạc. Erik Lorentzen, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và phân tích tại Hiệp hội Xe điện Na Uy giải thích điều này có nghĩa là “ban quản lý chung cư không thể nói ‘không’ với việc lắp đặt hạ tầng sạc xe điện”.

Trên thực tế, đối với chủ tòa nhà, việc lắp đặt thêm hệ thống cáp và chia công suất điện cho mọi cư dân cũng giống như việc sử dụng thang máy. Người nào có nhu cầu sạc sẽ chi trả chi phí bộ sạc. Cách tiếp cận chủ động này đã thúc đẩy việc mở rộng nhanh chóng các trạm sạc xe điện trong các khu dân cư. Đến năm 2022, Na Uy đã có hơn 25.000 trạm sạc trên toàn quốc.

Bên cạnh ban hành “quyền sạc điện”, chính phủ Na Uy cũng có chính sách tài trợ cho các hiệp hội nhà ở từ 20 - 50% chi phí mua và lắp đặt bộ sạc xe điện, tùy theo từng khu vực. Điều này rất quan trọng đối với những người sống trong các khu chung cư không có bộ sạc tại nhà riêng biệt lập.

Có thể nói, các chính sách này đã đưa Na Uy đi trước thế giới hơn một thập kỷ. Để so sánh, nếu như chính phủ Mỹ đặt mục tiêu 50% doanh số bán xe mới sẽ là xe điện vào năm 2030, thì cột mốc này đã được Na Uy vượt qua từ năm 2019.

Na Uy đã mở đường cho một tương lai xanh hơn và tiếp tục là hình mẫu điển hình cho phần còn lại của thế giới. Người dân nước này giờ đây không còn xem xe điện là “giải pháp thay thế triệt để” mà đã trở thành “phương tiện di chuyển thiết yếu”.

Châu Âu tăng cường hạ tầng sạc điện, đẩy nhanh cuộc cách mạng xe điện

Không chỉ riêng Na Uy, các quốc gia khác tại lục địa già, đặc biệt là khu vực Tây Âu, cũng đã nhanh chóng nhập cuộc từ sớm với các quy định và chính sách ưu đãi để phát triển hạ tầng sạc điện, một trong những lý do chính tác động đến quyết định mua xe điện của phần lớn người dân.

Nhằm bắt kịp nước láng giềng Na Uy trong cuộc đua xe điện, Thụy Điển đã triển khai chương trình 'Klimatklivet', một sáng kiến ​​khuyến khích đầu tư cho các dự án nhằm giảm lượng khí thải CO2, bao gồm các ưu đãi cho cơ sở hạ tầng sạc xe điện. Theo đó, chính phủ tài trợ 50% chi phí đầu tư vào cả trạm sạc công cộng và tư nhân của các tổ chức, công ty và hiệp hội khác nhau, điển hình như hiệp hội nhà ở.

Trạm sạc trong chung cư: Bài học từ 'thủ phủ xe điện' của châu Âu 1
Trạm sạc điện cho ô tô trong toà nhà là trang bị bắt buộc tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Ảnh: euractiv

Tại Đức, năm 2020, chính phủ nước này đã thông qua “Đạo luật về hiện đại hóa quyền sở hữu nhà ở (WEMoG )”, cho phép các chủ sở hữu căn hộ và người thuê nhà lắp đặt bộ sạc trong tòa chung cư của họ - thay vì chờ đợi sự chấp thuận từ hội đồng sở hữu tòa nhà và các cư dân khác. 

Đức sau đó đã thông qua một đạo luật khác vào năm 2021 có tên là “Đạo luật cơ sở hạ tầng cho xe điện trong tòa nhà (GEIG)”, nêu rõ rằng chủ sở hữu của bất kỳ tòa nhà chung cư mới nào có trên 5 chỗ đậu xe đều phải trang bị cơ sở hạ tầng cần thiết cho các bộ sạc xe điện. Quy định này cũng áp dụng cho các tòa nhà có hơn 10 chỗ đậu xe đang được cải tạo.

Vương quốc Anh cũng đã đưa ra một đạo luật tương tự, có nghĩa là bất kỳ tòa nhà mới nào (hoặc tòa nhà hiện có đang được cải tạo) có hơn 10 chỗ đậu xe sẽ cần phải có bộ sạc, cũng như trang bị các tuyến cáp để dễ dàng lắp đặt các bộ sạc trong tương lai.

Tại Phần Lan, từ năm 2017, Trung tâm Phát triển và tài chính nhà ở Phần Lan đã chi 1,5 triệu euro trợ cấp cho các hội đồng nhà ở, chung cư cao tầng… xây dựng các điểm sạc xe điện cho cư dân với khoản ưu đãi 35%, tương đương 90.000 euro, trong tổng chi phí mua và lắp đặt.

Còn tại Pháp, quốc gia này đang thúc đẩy các kế hoạch đầy tham vọng nhằm có hơn 100.000 điểm sạc công cộng vào năm tới và sản xuất 1 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2025. Cụ thể, với mỗi cá nhân khi mua và lắp đặt bộ sạc tại nhà sẽ được hưởng trợ cấp 300 euro. Đặc biệt, các điểm sạc tại các tòa chung cư sẽ được hỗ trợ lên tới 50% chi phí với mục tiêu lắp đặt bộ sạc tại 3.000 chung cư vào năm 2022.

Chính phủ Italy cũng áp dụng những chính sách tương tự. Từ 1/3/2019 đến hết năm 2021, các cá nhân, doanh nghiệp và chung cư có thể được khấu trừ thuế 50% trên tổng chi phí tối đa 3.000 euro để mua và lắp đặt bộ sạc. Những chính sách tương tự trên khắp châu Âu đang thúc đẩy sự gia tăng “phi mã” của các điểm sạc tại các tòa chung cư, khu nhà ở nhiều căn hộ, giúp cho việc sạc pin và sử dụng xe điện trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn cho những cư dân tiên phong trong công cuộc chuyển đổi xanh.