Tri thức hóa người nông dân để gỡ nút thắt ngành nông nghiệp

Phạm Sơn - 13:39, 14/09/2022

TheLEADERCó người nông dân, tranh thủ giờ nghỉ giải lao của một diễn đàn để kể với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan câu chuyện thiếu vốn sản xuất. Xác nhận đây là tình trạng chung của nhiều người nông dân trên khắp cả nước, tuy nhiên, Bộ trưởng đặt ra câu hỏi, nếu không có kỹ năng quản lý, liệu đồng tiền vào tay người nông dân có phát huy được hiệu quả?

Tri thức hóa người nông dân để gỡ nút thắt ngành nông nghiệp
Ngành nông nghiệp đã thay đổi nhiều so với quá khứ, đòi hỏi người nông dân cũng phải "lột xác". Ảnh: Báo Chính phủ

Câu hỏi ấy của Bộ trưởng cũng là một mục tiêu lớn đang được đặt ra cho ngành nông nghiệp, là tri thức hóa nông dân để tạo ra những người nông dân chuyên nghiệp.

“Tri thức chính là tinh hoa, là hấp thu hiểu biết để đề phòng rủi ro và để kết nối lẫn nhau”, lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Không chỉ quản lý vốn mà nhiều nút thắt khác của ngành nông nghiệp, nhiều “nỗi đau” của người nông dân, ví dụ như vấn đề rủi ro thị trường, bài toán canh tác nông nghiệp bền vững… nếu muốn giải quyết đều cần phải “tri thức hóa người nông dân”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp kể lại câu chuyện của anh nông dân trồng nhãn ở Hưng Yên. Người nông dân ấy, suốt nhiều năm trồng theo quy trình bình thường. Vì vậy, anh nông dân không dám chắc quả nhãn của mình chất lượng ra sao, có ảnh hưởng gì đến người ăn hay không.

Chính những nỗi trăn trở “làm thế nào để cái tâm được ngủ ngon” đã thôi thúc anh nông dân tìm tòi, học hỏi để ứng dụng quy trình canh tác hữu cơ. Kể từ đó, thương hiệu nhãn của anh được nhiều người biết tới, bán đắt hàng hơn.

Bộ trưởng nhìn nhận, khách hàng không chỉ mua nhãn mà còn đang mua hình ảnh, mua uy tín của anh nông dân trồng nhãn, chính là những giá trị được dựng xây từ tri thức.

Những người nông dân như người trồng nhãn Hưng Yên kể trên không còn hiếm. Đó là những câu chuyện thực tế của anh Nguyễn Văn Linh ở Bắc Ninh sở hữu mô hình trồng rau màu liên kết xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc; anh Lê Đình Trúc ở Thanh Hóa hiện đang làm giám đốc hợp tác xã sản xuất nấm công nghệ cao doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, cùng nhiều đại biểu khác tham dự Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII.

Tri thức để “nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu”

TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận định, tri thức hóa người nông dân là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi lao động nông nghiệp đang suy giảm về cả số lượng và chất lượng.

Cụ thể, dân số đang trở nên già hóa, kết hợp với đô thị hóa khiến nguồn nhân lực trẻ sinh sống và làm việc ở thành thị, để lại ở nông thôn phần nhiều là những người không trong độ tuổi lao động. Từ chính thực tế này, năng suất lao động và thu nhập của người dân khu vực nông thôn ở mức thấp, chỉ bằng khoảng 70% mức thu nhập trung bình của cả nước.

Tri thức hóa người nông dân để gỡ nút thắt ngành nông nghiệp 1
Những đại biểu nông dân tham gia Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ VII. Ảnh: Dân Việt

Một nguyên nhân khác cho sự cần thiết tri thức hóa nông dân được ông Thịnh chỉ ra là nông nghiệp hiện nay không còn mang hình hài manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và dựa trên kinh nghiệm mà đang lột xác trở thành ngành kinh doanh hiện đại, có nhiều tiềm năng ứng dụng khoa học, công nghệ. Vì vậy, chính người nông dân cũng cần phải lột xác.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đang phải đứng trước nhiều thách thức như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng. Đối diện với những thách thức mới, người nông dân cần được trang bị kiến thức mới để “nhìn xa hơn, trông rộng hơn, nghĩ sâu hơn”.

Thực tế, tri thức hóa nông dân đang được nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới tích cực đẩy mạnh, có thể kể đến như chương trình đào tạo nông nghiệp tự chọn ngay từ cấp 2 ở Nhật Bản, chương trình đào tạo hợp tác xã nông dân chuyên nghiệp và dự án đưa giáo viên, chuyên gia nông nghiệp sống cùng với người nông dân của Trung Quốc… Điều này cho thấy, tri thức hóa người nông dân đang trở thành xu thế tất yếu của thế giới.

Đồng quan điểm với ông Thịnh, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng ban kinh tế, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, cho biết, tri thức hóa để tạo ra những người nông dân chuyên nghiệp đã và đang trở thành những “đầu tàu” dẫn dắt những người nông dân, cộng đồng dân cư nông thôn làm giàu chính đáng, giải phóng và nâng cao năng lực lao động.

Về mặt vĩ mô, những nông dân chuyên nghiệp chính là động lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp đa giá trị để duy trì vững vai trò là trụ cột vững chắc của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc tri thức hóa nông dân, xuất phát từ “một khoảng trống mênh mông” giữa nhà khoa học, đội ngũ chuyên gia và thể chế chính sách với người nông dân, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Mặt khác, nhiều một bộ phận nông dân vẫn trông chờ, ỷ lại, chưa sẵn sàng học hỏi nâng cao hiểu biết cũng như thay đổi phương thức sản xuất, canh tác.

Để việc tri thức hóa người nông dân đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng kêu gọi sự chung tay của cơ quan quản lý, nhà khoa học và chuyên gia nông nghiệp. “Mỗi người nên có một hành động, đôi khi chỉ là giới thiệu mô hình hay nào đó cho người nông dân”, lãnh dạo ngành nông nghiệp nói.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, chính người nông dân phải sẵn lòng chuyên nghiệp hóa, bởi “bà con cứ thay đổi di, rồi sẽ có chuyên gia, đoàn thể giúp đỡ”.