Trung Quốc ‘đánh tiếng’ trước cuộc gặp Mỹ bên lề G20

Hoàng Dũng - 20:05, 24/06/2019

TheLEADERBắc Kinh liên tục thể hiện lập trường cứng rắn về chiến tranh thương mại trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung bên thềm hội nghị trượng đỉnh G20.

Trung Quốc ‘đánh tiếng’ trước cuộc gặp Mỹ bên lề G20
Hàng trăm tỷ USD giá trị thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị gia tăng thuế. Ảnh: CNN

Thành viên đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc cho rằng cả Bắc Kinh và Washington sẽ cần thỏa thiệp nếu hướng tới một thỏa thuận khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tuần này tại Nhật Bản.

Thứ trưởng Bộ Thương mại của Trung Quốc Vương Thụ Văn (Wang Shouwen) đã thể hiện lập trường của nước này trước cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Ông cho rằng Bắc Kinh không nên là bên duy nhất nhượng bộ trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài suốt một năm qua.

"Chúng tôi nên gặp nhau ở nửa đường, có nghĩa rằng cả hai bên cần phải thỏa hiệp và nhượng bộ chứ không chỉ là một bên", SCMP dẫn lời.

Theo đó, để đạt được thỏa thuận thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc cần đàm phán dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của mỗi bên, tôn trọng các quy tắc của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và có lợi cho đôi bên.

Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài viết mới nhất khẳng định: “Cách duy nhất để một quốc gia chiến thắng chiến tranh là thông qua phát triển chứ không phải thỏa hiệp. Để đạt được sự phát triển, Trung Quốc sẽ mở rộng hơn cánh cửa tới thế giới và chiến đấu đến cùng”.

Tờ này cũng cho biết Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không ai chiến thắng trong cuộc chiến thương mại nhưng nước này sẽ chuẩn bị cho một cuộc chiến dài nếu Washington tiếp tục leo thang căng thẳng.

Ông Tập Cận Bình sẽ tới Nhật Bản vào thứ Năm và dự kiến có cuộc gặp gỡ với người đứng đầu Nhà Trắng bên lề G20.

Trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã thông báo về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trên trang Twitter cá nhân, cho biết “đã có cuộc điện đàm rất tốt đẹp với Chủ tịch Tập” và “sẽ có cuộc họp kéo dài vào tuần tới tại G20 diễn ra ở Nhật Bản”.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 4 doanh nghiệp Mỹ và một viện nghiên cứu thuộc chính phủ liên quan đến siêu máy tính và những ứng dụng quân sự vào "danh sách đen".

Động thái này đồng nghĩa với việc 5 cái tên mới trên sẽ bị cấm mua linh kiện và công nghệ Mỹ nếu không có sự đồng ý từ chính phủ nước này, tương tự như những gì được áp đặt lên Huawei trước đó.

Trong cuộc họp báo mới đây, ông Vương kêu gọi chính quyền Trump gỡ bỏ lệnh cấm và đảm bảo sự đối xử bình đẳng cho các doanh nghiệp Trung Quốc, SCMP đưa tin.

"Những hạn chế của Mỹ liên quan đến xuất khẩu của chính quốc gia này sẽ không làm ảnh hưởng tới cán cân thương mại giữa hai nước. Điều này sẽ làm tổn thương cả doanh nghiệp Trung Quốc và Mỹ cũng như phá vỡ trật tự thương mại quốc tế và trao đổi công nghệ", ông Vương phân tích.

Cả thế giới dường như đang dõi theo những bước chân tiến tới G20 tuần này của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, chờ đợi những động thái mới trong bối cảnh đàm phán thương mại rơi vào bế tắc, căng thẳng liên tục leo thang.

Đầu tháng trước, ông Trump cáo buộc Trung Quốc từ bỏ các cam kết đã được thống nhất, ra quyết định áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh vào Mỹ.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng đe dọa áp thuế với giá trị xuất khẩu sang Mỹ còn lại của Trung Quốc và tuyên bố sẽ ra kết luận sau hội nghị G20.

Tối 13/5, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố trả đũa bằng cách gia tăng thuế quan đối với 60 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ lên mức 25% đối với hơn 5.000 sản phẩm.

Bên cạnh những mặt hàng bị áp thuế 25%, những sản phẩm khác sẽ bị đánh thuế bổ sung ở mức 20%, 10% hoặc 5%.

Chưa thể dừng lại, căng thẳng lại tiếp tục được đẩy cao khi chính quyền ông Trump tuyên bố đưa Huawei – nhà sản xuất viễn thông hàng đầu thế giới và là gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen.

Huawei đã bị cấm mua linh kiện và công nghệ từ công ty Mỹ khi không có sự chấp thuận từ Chính phủ nước này.

Thông tin từ Bloomberg cuối tuần qua cho biết Huawei đã đâm đơn kiện chính phủ Mỹ liên quan đến việc nhà chức trách nước này thu giữ các thiết bị nhằm phục vụ công tác điều tra để xác định việc có cần giấy phép đưa các thiết bị này khỏi Mỹ hay không.

Tháng 7/2017, trong quá trình chuyển lại về Trung Quốc, thiết bị của Huawei đã bị giữ lại ở Alaska nhưng cơ quan chức năng Mỹ không đưa ra quyết định gì về những thiết bị suốt 20 tháng qua.

Đơn kiện đề nghị tòa án Mỹ ra phán quyết "thu giữ bất hợp pháp số trang thiết bị, hoặc cố tình trì hoãn việc ra quyết định" về việc này. Động thái này tiếp tục đẩy căng thẳng giữa Mỹ với Huawei và với Trung Quốc dâng cao.