Trung Quốc đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại bất ngờ trở nên khốc liệt

Phương Đông - 08:52, 14/05/2019

TheLEADERChỉ trong một thời gian ngắn, mọi nỗ lực đàm phán nhiều tháng qua đã bị thổi bay khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, đưa xung đột thương mại Mỹ - Trung trở lại chiến trường “vang tiếng súng”.

Trung Quốc đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại bất ngờ trở nên khốc liệt
Hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ và Trung Quốc đã bị gia tăng thuế quan.

Tối 13/5, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đáp trả thuế quan đối với 60 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Mỹ, trả đũa động thái gia tăng trước đó của Washington.

Theo đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ đánh thuế bổ sung lên tới 25% đối với hơn 5.000 sản phẩm đến từ Mỹ, CNBC dẫn tin.

Nhiều mặt hàng trong danh sách xuất hiện trong danh sách bị Trung Quốc áp thuế quan trả đũa Mỹ vào năm ngoái với thuế suất 10% hoặc 5%. Trong đợt đánh thuế này, thuế trả đũa sẽ nâng lên từ mức cũ đối với những mặt hàng đã bị áp thuế từ năm ngoái.

Bên cạnh những mặt hàng bị áp thuế 25%, những sản phẩm khác sẽ bị đánh thuế bổ sung ở mức 20%, 10% hoặc 5%.

Mức thuế quan mới này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/6 tới, nhắm vào các mặt hàng nông sản của Mỹ.

Đáp trả lại động thái này của Bắc Kinh, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách 300 tỉ USD hàng Trung Quốc có thể bị áp thuế nhập khẩu 25%, có khả năng bắt đầu từ ngày 24-6.

Theo Reuters, danh sách này gồm 3.805 loại hàng hóa có thể chịu mức thuế quan lên đến 25%, trong đó bao gồm điện thoại di động và máy tính xách tay.

USTR cũng tuyên bố sẽ tổ chức điều trần công khai về danh sách trên vào ngày 17/6, đồng nghĩa thời hạn sớm nhất để đợt tăng thuế nhập khẩu mới có hiệu lực sẽ là 24/6.

Thị trường thế giới đỏ lửa sau những diễn biến đầy bất trắc của căng thẳng thương mại.

Chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm khoảng 0,7% trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 1%.

Ngày 13/5, chỉ số Dow Jones giảm 480 điểm ngay sau hồi chuông mở cửa, tương đương mức giảm 1,85%. Chỉ số S&P 500 giảm 1,7% trong khi chỉ số Nasdaq, bao gồm đa phần các công ty công nghệ vốn thiệt hại nặng nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, giảm sâu 2,4%.

Cổ phiếu Apple giảm 5% do Trung Quốc là nơi lắp ráp sản phẩm iPhone. Cổ phiếu Facebook và Amazon cũng bị bán ra và giảm mạnh.

Trên trang Twitter cá nhân, người đứng đầu Nhà Trắng liên tục nhắc đến cuộc chiến thương mại với Mỹ, khẳng định sự thắng lợi của nước Mỹ.

“Không có lý do gì mà người tiêu dùng Mỹ phải trả thuế quan. Điều này đã được chứng minh gần đây khi chỉ có 4% được trả bởi Mỹ, 21% bởi Trung Quốc vì Bắc Kinh trợ cấp sản phẩm với mức độ lớn”.

“Ngoài ra, có thể tránh được thuế quan nếu mua sản phẩm từ quốc gia không bị đánh thuế hoặc mua sản phẩm ngay trong nước Mỹ (ý tưởng tốt nhất). Nhiều công ty bị đánh thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các quốc gia khác ở châu Á”, ông dự đoán.

“Sẽ không còn ai ở Trung Quốc để có thể làm ăn cùng. Rất tệ cho Trung Quốc, rất tốt cho nước Mỹ!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh.

Đầu tuần trước, ông Trump đe dọa sẽ gia tăng thuế quan đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức 25% từ mức 10% trước đó.

Theo kế hoạch, mức thuế này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ thứ Sáu tuần trước và diễn biến đúng như những gì ông Trump đưa ra.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, lý do ông nâng thuế đối với hàng Trung Quốc là do Bắc Kinh đã phá thỏa thuận khi rút lại những cam kết được đưa ra trước đó trên bàn đàm phán.

Động thái mới từ phía Mỹ khiến đàm phán thương mại bế tắc ngay ở những nút cuối cùng khi Washington yêu cầu Bắc Kinh cam kết có những thay đổi cụ thể về luật, còn Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận gây tổn hạn cho lợi ích của mình.

Thông tin từ Bloomberg cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông nhà nước Trung Quốc sau khi kết thúc hai ngày đàm phán ở Washington hôm thứ Sáu, Phó thủ tướng Lưu Hạc đã đưa ra ba điệu kiện cụ thể của Trung Quốc.

Theo đó, để đạt được thỏa thuận thương mại, Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan bổ sung áp lên hàng hóa Trung Quốc, đặt ra mục tiêu cho việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ phù hợp với nhu cầu thực tế và đảm bảo rằng nội dung của thỏa thuận là "cân bằng".

Trong khi Trung Quốc muốn dỡ toàn bộ thuế quan bổ sung mà hai nước đã áp lên hàng hóa của nhau từ năm ngoái như một điều kiện để đi đến thỏa thuận, Mỹ lại muốn duy trì một số thuế quan để làm cơ chế chủ chốt đảm bảo thỏa thuận được thực thi.