Trung Quốc sẽ phản đòn tăng thuế của Mỹ ra sao?

Gia An - 09:41, 09/05/2019

TheLEADERTrung Quốc cho biết sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đáp trả nếu có thêm bất kỳ sự leo thang nào trong chiến tranh thương mại sau động thái gia tăng thuế mới nhất của Mỹ.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã tiếp tục nhắc đến căng thẳng thương mại với Trung Quốc một cách khá cứng rắn. Ông cho rằng lý do khiến Trung Quốc cố gắng đàm phán lại thỏa thuận thương mại là bởi sự hy vọng vào nhân vật khác để từ đó, tiếp tục làm lợi trong thương mại với Mỹ.

“Chuyện đó sẽ không xảy ra! Trung Quốc mới thông báo rằng Phó Thủ tướng đang chuẩn bị tới Mỹ để đạt được một thỏa thuận. Chúng ta hãy xem nhưng tôi rất vui khi tiền thuế hơn 100 tỷ USD mỗi năm sẽ lấp đầy ngân khố Mỹ. Tin tuyệt vời cho Mỹ nhưng không tốt cho Trung Quốc”, ông Trump viết tiếp.

Theo thông tin chính thức từ Cơ quan Đăng ký Liên bang Mỹ, 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sẽ bị nâng mức thuế quan từ 10% lên 25% bắt đầu từ thứ Sáu này (10/5).

Thông báo cho biết Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ thiết lập quy trình nhằm xác định miễn trừ áp thuế đối với một số hàng hóa nhất định không nằm trong danh sách bị áp thuế bổ sung.

Sau động thái của Washington, Bắc Kinh nhấn mạnh sự leo thang căng thẳng thương mại không phù hợp với lợi ích của người dân hai nước cũng như thế giới.

Chính phủ nước này khẳng định nếu Nhà Trắng áp đặt mức thuế cao hơn, “Bắc Kinh sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp trả đũa”, SCMP đưa tin.

Trên thực tế, Trung Quốc cũng nắm trong tay không ít “quân bài” để tranh đấu với Mỹ.

Bắc Kinh có thể gia tăng thuế đối với các lĩnh vực quan trọng về chính trị đối với ông Trump như nông nghiệp hay sản xuất ô tô. Để thực hiện được, Trung Quốc sẽ phải chuyển sang mua sản phẩm nông nghiệp của các quốc gia khác thay vì nhập khẩu của Mỹ.

Theo Bloomberg, Trung Quốc cũng có thể “án binh bất động”, chờ cho ông Trump tự cắt bỏ các mối đe dọa thuế quan. Tuy vậy, không ai rõ về việc liệu người đứng đầu Nhà Trắng có nhượng bộ trong lần này hay không khi nhiều khả năng chiến tranh thương mại được kéo vào chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm sau.

Ông James McGregor, Chủ tịch công ty APCO Worldwide tại Trung Quốc nhận định, dù Chủ tịch Tập Cận Bình không phản kháng, căng thẳng vẫn có thể leo thang bởi “sự bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo – những người không thật sự hiểu nhau, sở hữu đầy quyền lực và ảnh hưởng lớn lên hệ thống kinh tế và chính trị của mỗi quốc gia”.

Đàm phán trực tiếp có lẽ là lựa chọn rủi ro nhất cho Trung Quốc khi giới chuyên gia cho rằng, việc đồng ý nhượng bộ để kết thúc bằng thỏa thuận thương mại có thể gây bất lợi cho Bắc Kinh.

“Chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể bước tiếp một cách thoải mái vì không có bất cứ điều gì đảm bảo kết quả đàm phán phù hợp với chính sách kinh tế của Trung Quốc”, Bloomberg dẫn lời ông James McGregor.