Trung Quốc tăng cường hợp tác ASEAN về chuỗi cung ứng

Hoàng Đông - 09:05, 06/04/2023

TheLEADERNgày 4/4 vừa qua, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đề nghị hợp tác với Việt Nam để xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng công nghiệp ổn định, dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Cùng ngày, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cũng có cuộc hội đàm với ông Luhut Binsar Pandjaitan, Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia. Ông Vương Nghị đề xuất Indonesia sẽ tham gia sâu hơn nữa vào các sáng kiến kinh tế đa phương của Trung Quốc, thông qua tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng, tài chính, kinh tế xanh và an ninh lương thực.

Trước đó, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi tiếp các lãnh đạo từ Singapore và Malaysia tại thủ đô Bắc Kinh, thảo luận về tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, không chỉ kinh tế mà còn về an ninh khu vực.

Những động thái gần đây của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy nỗ lực của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong việc tăng cường hợp tác để xây dựng và ổn định chuỗi cung ứng với các nước ASEAN, trong bối cảnh cạnh tranh về thương mại và công nghệ với Hoa Kỳ ngày càng trở nên gay gắt.

Trung Quốc tăng cường hợp tác ASEAN về chuỗi cung ứng
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: VGP

Thực tế, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào ASEAN một vài năm trở lại đây, nhanh chóng tiếp cận các lĩnh vực sản xuất tiềm năng của khu vực này. Theo báo cáo của HSBC, một số dự án gần đây của Trung Quốc rơi vào những lĩnh vực rất có lợi thế cạnh tranh ở các quốc gia ASEAN, ví dụ như Goertek và Luxshare sản xuất thiết bị điện tử tại Việt Nam, đầu tư phát triển hệ sinh thái sản xuất pin tại Indonesia, BYD lên kế hoạch sản xuất xe điện tại Thái Lan…

Nông nghiệp cũng là lĩnh vực được chú trọng. Kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản giữa ASEAN với Trung Quốc đạt con số 61 tỷ USD vào năm 2022 và lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng sẽ đưa con số này lên đến hơn 100 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, được cho là hưởng lợi lớn từ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của chiến tranh thương mại và đại dịch Covid-19. Nhiều tập đoàn lớn đã thiết lập chuỗi sản xuất mới hoặc chuyển một phần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang một số quốc gia trong khối, tiêu biểu là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Tuy nhiên, một số quan điểm cho rằng, xu thế này không nói lên khả năng thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ASEAN, mà thể hiện rằng Trung Quốc đang tiến lên cấp độ cao hơn trong chuỗi cung ứng và các quốc gia ASEAN chỉ thừa hưởng lại những phân khúc thấp. Thực tế, với hệ sinh thái công nghiệp chưa hoàn chỉnh, phần nhiều ngành sản xuất ở ASEAN vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

Không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với kinh tế ASEAN. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ (CSIS), các quốc gia ASEAN mong muốn tận dụng mối liên kết với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới để tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy giao thương, qua đó thực hiện hóa mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng không tránh khỏi dè chừng trước sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, đặc biệt khi vấn đề Biển Đông vẫn còn đang diễn biến phức tạp.

Trước động thái của Trung Quốc, Hoa Kỳ đang tích cực kêu gọi liên kết chặt chẽ hơn với các nước đồng minh trong khu vực ASEAN, được South China Morning Post cho là với mục đích ngăn chặn tầm ảnh hưởng của đối thủ.

Đầu tháng 3 vừa qua, tại sự kiện Đối thoại ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 35, Hoa Kỳ tiếp tục nhấn mạnh quan hệ hợp tác trong một số lĩnh vực như kinh tế số, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành phố thông minh, an ninh năng lượng…

Gần đây, phái đoàn gồm đại diện hơn 50 doanh nghiệp Hoa Kỳ, bao gồm những tên tuổi lớn như Boeing, Netflix, Apple, Ford, SpaceX, Meta… cũng đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, thể hiện sự quan tâm không hề nhỏ mà các nhà đầu tư Hoa Kỳ dành cho Việt Nam cũng như ASEAN nói chung.  

Có thể thấy, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn ngày càng diễn biến phức tạp, bên cạnh những nguy cơ tiềm ẩn, Việt Nam và khu vực ASEAN cũng đứng trước những cơ hội to lớn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng tầm vị thế nền kinh tế.