TS. Lê Đăng Doanh: Mua ngân hàng 0 đồng là 'sáng kiến' của Việt Nam

TS. Lê Đăng Doanh - 11:59, 05/10/2017

TheLEADERViệc các lãnh đạo ngân hàng Oceanbank và ngân hàng Xây dựng bị khởi tố trong hai đại án đặt ra câu hỏi về quyết định mua với giá 0 đồng và trực tiếp là chủ sở hữu của Ngân hàng Nhà nước.

TS. Lê Đăng Doanh: Mua ngân hàng 0 đồng là 'sáng kiến' của Việt Nam
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Tiếp theo bài phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu về đại án Oceanbank, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng chia sẻ với TheLEADER nhận định của riêng ông về những đại án ngân hàng vừa qua.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua Ngân hàng Oceanbank và Ngân hàng Xây dựng thì về mặt pháp lý, hai ngân hàng đó thuộc sở hữu nhà nước, do NHNN là chủ sở hữu trực tiếp và đồng thời quản lý về lĩnh vực ngân hàng và tiền tệ.

Việc các lãnh đạo của hai ngân hàng này bị khởi tố trong hai đại án đặt ra câu hỏi: Khi quyết định mua với giá 0 đồng và trực tiếp sở hữu, NHNN đã kiểm tra và chấn chỉnh, quản lý các ngân hàng này thế nào?

Chắc chắn NHNN đã cố gắng để tránh cho hai ngân hàng này rơi vào phá sản, tác động xấu đến hệ thống ngân hàng thương mại nói chung và niềm tin của người dân, song mua hai ngân hàng với nhiều lãnh đạo của hai ngân hàng bị khởi tố, kết án, không phải là một ưu điểm dù NHNN có thể đã hợp tác trong công tác điều tra.

Cho đến nay, tôi được biết chưa có tiền lệ nào trên thế giới về mua lại ngân hàng 0 đồng, hình như đây là một sáng kiến của Việt Nam. 

Trên thế giới, các ngân hàng thương mại có thể bị phá sản hay nhà nước mua lại khi giá cổ phần xuống đáy, xây dựng lại ngân hàng đó và khi giá cố phiếu của ngân hàng này hồi phục, nhà nước lại bán cổ phiếu đã mua và có thể lãi chứ không bị lỗ.

Việc Tập đoàn Dầu khí mua cổ phần và chuyển khối lượng tiền khổng lồ có được do khai thác dầu thô vào Oeanbank là điều trái với thông lệ quốc tế. Điều này tạo ra nguy cơ hình thành tập đoàn công nghiệp, có thể thực hiện những phi vụ kinh doanh, đầu tư trong “nội bộ” tập đoàn, rất khó được kiểm tra và giám sát. 

Oceanbank sử dụng số tiền khổng lồ đó cho vay với lãi suất cao, thu lợi nhuận và chia chác bất chính là do họ có số tiền cực lớn của Tập đoàn Dầu khí và các doanh nghiệp trực thuộc chuyển vào ngân hàng.

Theo pháp luật, những ai có liên quan đều cần được xem xét trách nhiệm.

Việc bỏ “tất cả trứng vào một rổ” là trái với nguyên tắc phân tán rủi ro trên thị trường, dẫn đến nguy cơ rủi ro rất cao “được ăn cả ngã về không” mà chỉ có những tay đầu cơ mạo hiểm mới dám bỏ qua. 

Để chiều lòng và thu hút thêm vốn từ Tập đoàn Dầu khí, chắc rằng Oceanbank đã chi những khoản tiền rất lớn cho nhiều quan chức của Tập đoàn mà cho đến nay Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giá đốc Oceanbank vẫn chưa nói ra. Chắc chắn sẽ cần làm rõ những điều khuất tất và sai phạm này.

Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ rút kinh nghiệm từ những thiếu sót này.